Mưu sinh ngày giáp Tết

Thứ năm, 12/02/2015 10:14

(Cadn.com.vn) - Khi sương sớm còn bủa vây tuyến QL14G thì từng nhóm người vùng xuôi đã cơm đùm, cơm nắm hối hả ngược xe lên núi để mưu sinh, trong lúc nhiều hộ dân ven đường vẫn còn đang ngái ngủ.

Theo anh Nguyễn Tiến (trú Đại Hiệp, H. Đại Lộc, Quảng Nam), công việc hằng ngày của anh là đi phụ hồ, cuối năm, các công trình xây dựng tạm nghỉ nên phải loay hoay kiếm thêm nguồn thu nhập. Thời điểm này, do các khu rừng ở vùng thấp xã Hòa Phú (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) với xã Ba (H. Đông Giang, Quảng Nam), cây đót trổ bông chưa nhiều, người dân địa phương còn chờ đến sau Tết Âm lịch mới khai thác nên anh và nhóm bạn tranh thủ hái đót bỏ lại cho bạn hàng chuyên làm các loại chổi nhỏ quét bàn thờ, hoặc quét vôi trang trí nhà cửa Tết. Nghề bứt đót khá vất vả. Phải đi từ sáng sớm, phải leo núi, xuyên rừng. Rừng bị tàn phá nhiều, bị chặt hạ, đốt làm nương rẫy nên cây đót cũng hiếm dần. Muốn bứt được nhiều đót phải vào tận rừng sâu, có khi đi cả buổi mới tìm được khu vực đót mọc dày. "Mấy ngày nay, vợ chồng tôi đều đi bứt đót, mỗi ngày được hơn 20kg đót tươi, bán gần 150 ngàn đồng. So với nghề phụ hồ thì thu nhập không cao, nhưng có thêm "đồng ra, đồng vào" lo Tết cho gia đình nên cực mấy cũng phải làm", anh Tiến cho biết thêm.

 

Còn chị Đặng Thị Hạ (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) bộc bạch, nghề nào cũng có cái cực nhọc riêng. Chặt cây giang làm lạt mềm buộc bánh tét cũng vậy. Để kiếm được một trăm, dăm chục ngàn đồng, phải dậy từ lúc tờ mờ sáng, vượt mấy ngọn đồi, len lỏi qua hàng chục con suối mới tìm được giang. Giang bây giờ không sẵn như ngày trước nên tìm chặt cũng khó khăn hơn. Lội suối, băng rừng làm chân tay bị cào xước, tứa máu; rồi sau đêm mưa, rừng ẩm ướt sên vắt nhiều, bám vào chân người hút máu; lại ruồi vàng, ve tấn công... Song đất ruộng ít, công việc không có, chị phải chịu khó. Dù gì thì cây giang cũng được coi là "lộc" rừng, là nguồn thu nhập thêm của một bộ phận nông dân vào dịp cuối năm. Mỗi lóng giang ra chợ được rao bán từ 3-5 ngàn đồng, còn chịu khó chẻ thành lạt buộc bánh thì bán 7 ngàn đồng/bó…

Có được nguồn thu từ đót, giang là thế, song theo chia sẻ của những người mưu sinh từ các loại cây này, họ cũng phải đối diện với không ít khó khăn và nguy nan. Bởi lẽ, đường lên rừng gập ghềnh, lởm chởm đá, di chuyển bằng xe máy thì vất vả còn đi bộ thì xa, lại không mang được nhiều hàng về. Trong khi đó, một số khu vực, đót chỉ mọc trên cao, bên sườn đồi, muốn bứt được phải men theo mép núi rất nguy hiểm… Chỉ còn vài ngày nữa là hết năm. Họ lại quay về với công việc đồng áng, phụ hồ quen thuộc, rồi lại cầu mong "trời thương, rừng mến", đót sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. Để rồi, ra Tết họ lại tiếp tục lên rừng mưu sinh.

Thế mới thấy, để có được đồng tiền lo toan cuộc sống, việc mưu sinh với những người dân nghèo cũng chẳng dễ dàng gì. Quả thật, "lộc" rừng đã nuôi sống bao người dù nguồn tài nguyên bây giờ không còn là vô tận.

An Dương