Mỹ cam kết sát cánh cùng Đông Nam Á
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh Washington sẽ sát cánh với các nước Đông Nam Á trong việc bảo vệ tự do biển cả và dân chủ.
Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ - ASEAN. Ảnh: Reuters
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 16 được tổ chức trực tuyến, có sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào hôm 27-10, ông Biden cho biết, Washington sẽ bắt đầu đàm phán với các đối tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương về việc phát triển khuôn khổ kinh tế khu vực. Theo Reuters, ông Biden hôm 27-10 nhắc lại rằng Mỹ có một cam kết "vững chắc" đối với đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Trong khi đó, Reuters dẫn lời ông Lý Khắc Cường nói với lãnh đạo các nước thành viên ASEAN và các đối tác trong khu vực rằng "việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích của mọi người". "Biển Đông là ngôi nhà chung của chúng ta", Thủ tướng Trung Quốc nói. Theo Reuters, một số nhà phê bình cho rằng, chiến lược của Mỹ đối với khu vực còn thiếu một thành phần kinh tế, sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Donald Trump năm 2017 rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiện có tên gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Chính quyền ông Biden cho đến nay đã tránh mọi động thái quay lại hiệp định mà cựu Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố rút khỏi này. Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nhấn mạnh, sáng kiến mà Tổng thống Biden đề cập hôm 27-10 "không phải là một thỏa thuận thương mại". Theo hãng tin Reuters, quan chức này nói: "Những gì tổng thống nói là chúng tôi sẽ bắt đầu thảo luận với các đối tác để phát triển một khuôn khổ kinh tế nhằm tạo một vị thế tốt cho chúng tôi trong tương lai - tập trung vào việc giúp cuộc sống của người lao động và tầng lớp trung lưu tốt hơn - và điều đó sẽ định hướng cho sự tham gia kinh tế của chúng tôi trong khu vực".
Theo thông báo của Nhà Trắng, mạng lưới dự kiến cũng sẽ "xác định các mục tiêu chung của Mỹ xung quanh việc tạo thuận lợi thương mại" cũng như các tiêu chuẩn về giảm thiểu khí carbon và năng lượng sạch. Cũng tại hội nghị hôm 27-10, ông Biden đã đề cập các vấn đề Myanmar, Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong. Theo hãng tin AP, EAS - do ASEAN tổ chức trực tuyến hôm 27-10 - có sự tham dự của lãnh đạo 18 quốc gia để bàn về các vấn đề trong khu vực.
Đây là lần đầu tiên trong 4 năm qua, một tổng thống Mỹ dự thượng đỉnh với các nước ASEAN trong khuôn khổ EAS, cũng như trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN. Đây cũng là Hội nghị thượng đỉnh Đông Á đầu tiên có sự tham dự của hai trong số ba thành viên là Mỹ và Australia của liên minh ba bên AUKUS (Mỹ-Australia-Anh). Không chỉ Mỹ, Australia và ASEAN hôm 27-10 cũng đã nhất trí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, một dấu hiệu cho thấy Canberra có tham vọng đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực. Quan hệ đối tác này sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ ngoại giao và an ninh của Australia trong một khu vực đang phát triển nhanh chóng, vốn là nơi cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng đưa ra cam kết rằng Canberra sẽ "hỗ trợ thực chất". Ông Morrison đã tìm cách trấn an ASEAN rằng hiệp ước an ninh 3 bên AUKUS với Mỹ và Anh không phải là mối đe dọa đối với khu vực.
THANH VĂN