Mỹ chính thức tái gia nhập UNESCO

Thứ hai, 03/07/2023 09:37
Mỹ ngày 30-6 đã chính thức tái gia nhập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) sau 6 năm rời đi.

Tại phiên họp toàn thể bất thường của UNESCO hôm 30-6, các nước thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ sự trở lại của Mỹ với 132 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 15 phiếu trắng.

"Điều quan trọng là chúng tôi phải tái gia nhập, trở thành một phần của tổ chức đa phương rất quan trọng này", Đại sứ Mỹ tại Pháp Denise Bauer cho biết.

Trụ sở UNESCO tại Pháp. Ảnh: AFP
Trụ sở UNESCO tại Pháp. Ảnh: AFP

Theo AFP, lần trở lại này Mỹ sẽ phải trả khoản nợ đóng góp 619 triệu USD cho UNESCO từ năm 2011 đến 2018. Con số này cao hơn ngân sách năm nay của UNESCO là 534 triệu USD. Khoản nợ sẽ được Mỹ trả dần trong các năm tới. Theo kế hoạch hoàn trả được đề xuất, Mỹ cho biết sẽ trả 150 triệu USD cho năm 2024, bao gồm khoản đóng góp theo năm và các khoản nợ. Nước này cũng sẽ cung cấp thêm khoản tài trợ tự nguyện trị giá 10 triệu USD cho các công tác giáo dục và bảo tồn di sản văn hóa.

Những tác động

Mỹ là một thành viên sáng lập UNESCO, cũng là nhà đóng góp chính cho ngân sách của cơ quan này đến năm 2011, thời điểm UNESCO chấp nhận Palestine là một nhà nước thành viên. Sau sự kiện này, Mỹ ngừng đóng góp cho UNESCO, bởi theo Đạo luật Ủy quyền quan hệ đối ngoại được thông qua năm 1990, Mỹ sẽ cắt hỗ trợ cho bất kỳ tổ chức nào của LHQ coi Tổ chức Giải phóng Palestine có vị thế giống như các quốc gia thành viên khác.

6 năm sau đó, năm 2017, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã tuyên bố Mỹ, cùng với Israel, rút khỏi UNESCO, với lý do tổ chức này thiên vị và chống lại nhà nước Do Thái. Quyết định này có hiệu lực từ năm 2018. Tuy nhiên, ngày 8-6 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có một bức thư gửi tới UNESCO bày tỏ mong muốn tái gia nhập với tư cách thành viên chính thức vào tháng 7.

Tổng giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay, hoan nghênh sự trở lại của Mỹ. Nữ tổng giám đốc người Pháp gọi đây là một ngày quan trọng với UNESCO và chủ nghĩa đa phương. Bốn năm trước, tại thời điểm Mỹ chính thức rút khỏi tổ chức này, lãnh đạo UNESCO lúc đó là bà Irina Bokova, tuyên bố đây là "một tổn thất đối với UNESC, là một mất mát đối với đại gia đình Liên Hợp Quốc. Đây là một tổn thất cho chủ nghĩa đa phương". Sự vắng mặt của Mỹ trong UNESCO đã một phần nào khiến tổ chức này rơi vào tình trạng bất ổn về tài chính và không còn cách nào khác là phải "thắt lưng buộc bụng" trong các chương trình và xoay xở vận động các nguồn tài trợ tự nguyện từ các quốc gia khác để lấp đầy khoảng trống mà Washington bỏ lại. Việc Mỹ quay trở lại, với cam kết trả dần khoản nợ hơn 500 triệu USD cũng như những gói tài trợ mới không chỉ giúp cho tổ chức này có thêm ngân sách mà còn tăng cường vai trò, mở rộng các chương trình hoạt động của mình.

Về phía Mỹ, tái gia nhập UNESCO là một trong những mục tiêu đối ngoại quan trọng của Tổng thống Joe Biden kể từ khi ông nhậm chức hồi năm 2021 đến nay. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Bass nhận định việc tái gia nhập UNESCO sẽ giúp Washington gia tăng vị thế cạnh tranh toàn cầu. Quyết định tái gia nhập tổ chức UNESCO của chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng được xem là bước đi cụ thể hóa chiến lược mở rộng hợp tác quốc tế vốn là ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Biden, ngay từ khi ông nhậm chức. Việc quay trở lại UNESCO cùng với các cam kết mạnh mẽ phục vụ cho chiến lược toàn cầu của Chính quyền Tổng thống Biden, củng cố vị thế lãnh đạo và quảng bá cho hình ảnh của nước này. Cụ thể hơn, Mỹ muốn giải quyết các mối quan ngại và đối phó với ảnh hưởng không chỉ của Trung Quốc mà còn các nước lớn khác trong UNESCO nói riêng và các tổ chức quốc tế khác nói chung.

AN BÌNH