Mỹ có cứu được trật tự thế giới?
(Cadn.com.vn) - Cựu Ngoại trưởng Kissinger - tác giả của cuốn sách gây tiếng vang World Order (Trật tự thế giới) - cho rằng, trật tự thế giới hiện đang bị đe dọa. Để tái thiết, Mỹ đầu tiên phải xây dựng lại chính mình.
Đối với ông Kissinger, Mỹ cần phải chấp nhận tầm nhìn của mình trong một trật tự thế giới mới, tức là có nhiều thế lực mạnh mẽ trỗi dậy, và cần dựa trên luật pháp quốc tế. Điều này đi ngược lại cách suy nghĩ truyền thống. Chẳng hạn, hơn một thế kỷ trước, Theodore Roosevelt - vị cố tổng thống đã lèo lái con thuyền Mỹ một cách đáng phục nhất từ trước đến nay - khẩn nài các nước tiên tiến thực hiện "quyền lực cảnh sát quốc tế". Tức là, họ cần phải giữ trật tự ngay trong nước trước khi tiến ra ngoài thế giới.
Cố Tổng thống Franklin Roosevelt đặt ra "4 viên cảnh sát" trong giai đoạn cuối Thế chiến II. Đó là Mỹ, Anh, Liên Xô và Trung Quốc, và sự tham gia sau đó của Pháp - trở thành 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ. Nhưng HĐBA này cho đến nay được đánh giá là chưa làm tròn phận sự. Bế tắc trong HĐBA là điều dễ nhận thấy từ khi cơ quan quyền lực này ra đời cho đến nay. Liệu trật tự thế giới này đã sai ở đâu?
Đây là những rắc rối Kissinger đang phải vật lộn. Ông nhắc nhở, Trung Quốc, Nga có truyền thống và lịch sử riêng. Nguồn gốc khác nhau làm phát sinh những quan điểm khác biệt về những quy tắc và luật lệ theo hệ thống quốc tế. Vậy, giải pháp là gì? Trước hết, Mỹ cần nhiều thời gian để điều chỉnh lại chính mình và cứu trật tự thế giới. Bởi tái tạo thế giới có nghĩa là thay đổi cả tư tưởng và thái độ. Trong nghĩa nào đó, nó có thể có nghĩa là khái niệm lại về trật tự thế giới.
Tất nhiên, đây cũng là nhiệm vụ gian nan. Mỹ giờ không còn là "điểm nhất cực" của thế giới, tức là đã qua rồi cái thời mọi quyền lực nằm trong tay quốc gia này. Sự "trỗi dậy" nhanh chóng của Trung Quốc và sự phục hồi quyền lực nội tại của Nga đang dần dẫn đến hình thành một trật tự thế giới mới. Người ta giờ đang bàn về một trật tự thế giới mới giữa 3 ông lớn Mỹ, Nga và cả Trung Quốc.
Nhưng trật tự thế giới lần này sẽ là nhất cực (Nga nắm quyền); lưỡng cực (Nga-Trung cùng bắt tay nắm quyền); tam cực (Nga, Trung, Mỹ cùng chia sẻ quyền lực) hay đa cực (nhiều nước lớn khác cùng chia sẻ quyền lực)? Vị thế của Mỹ đang đi xuống, nhất là khi cường quốc này dồn sức cho những cuộc chiến tốn nhiều tiền của ở Afghanistan, Iraq, Syria...Trong khi đó, qua cuộc chiến ở Ukraine, người ta đã thấy rõ vị thế của Nga đang lên dưới bàn tay chèo lái của Tổng thống Vladimir Putin.
Bài toán này đang nằm trong tay Mỹ, theo cách mà họ hành động trong thời gian đến, đúng như nhận định của ông Kissinger.
Thanh Văn