Mỹ đau đầu với 5 chiến trường tại Trung Đông

Thứ năm, 15/01/2015 10:32

(Cadn.com.vn) - Các sự kiện xảy ra trong năm 2014 chỉ ra, Mỹ không thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng đang lồng vào nhau ở Trung Đông. Năm 2015 có lẽ cũng không khác.

Chiến đấu chống IS

Đây là chiến dịch sẽ phải mất nhiều thời gian. Ngay từ đầu, Tổng thống Barack Obama công nhận yếu tố quan trọng nhất - sức mạnh quân sự của Mỹ - chỉ là phần nhỏ của các giải pháp. Có thể Lầu Năm Góc cần tăng thêm sức mạnh không quân và cố vấn trên mặt đất để đảm nhiệm vai trò tư vấn tiền tuyến.

Nhưng cũng giống như các diễn viên trong khu vực phải gánh chịu gánh nặng cuộc chiến như vậy, những người chơi trực tiếp trong khu vực  phải vào cuộc, chiến đấu chống IS. Phương Tây có thể giúp đỡ, nhưng chỉ trên danh nghĩa tiếp cận - chẳng hạn như hợp tác quốc phòng, tư vấn các chính sách trong nước và nước ngoài một cách toàn diện để ngăn chặn nguồn tài trợ, tư tưởng và hoạt động tuyển dụng của IS.

Những câu hỏi hóc búa về Syria

Syria hoàn toàn khác Iraq vì nơi đây đang rơi vào cuộc nội chiến đẫm máu. Một thực tế nghiệt ngã ở Syria là Tổng thống Assad kiểm soát khoảng một nửa đất nước; IS kiểm soát khoảng 1/3; các lực lượng dân quân khác, đa phần có liên kết với Al-Qaeda chiếm khoảng 20%. Trong khi đó, lực lượng ủng hộ phương Tây kiểm soát 5%.

Câu hỏi hóc búa là làm thế nào liên kết chiến lược với IS ở Syria và Iraq trong khi vẫn giữ vững các giải pháp thương lượng đối với Tổng thống Assad và tránh được việc chia cắt đất nước. Mỹ cùng với Nga sẽ thể hiện sự lãnh đạo, nhưng điều đó phụ thuộc nhiều vào các nước trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Iran, nếu ngoại giao có cơ hội thành công.

Mỹ cảnh báo cuộc chiến chống IS sẽ phải mất nhiều năm. Ảnh: BBC

Hạt nhân Iran

Cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Iran là phần thưởng rất lớn về ngoại giao, có thể thay đổi vấn đề chủ chốt trong khu vực. Quan điểm của cả hai về IS là khác biệt, song quan điểm của Washington và Tehran về Trung Đông khá hài hòa. Mối quan tâm chính của Iran hiện nay là kinh tế - đặc biệt là khi giá dầu tiếp tục giảm.

Chính quyền Obama có cơ hội cải thiện quan hệ mặc dù sẽ vấp phải sự chỉ trích của Israel, Saudi Arabia và Đồi Capitol. Ông Obama sẽ phấn đấu hay sẽ giữ nguyên thỏa thuận tạm thời - tiếp tục trừng phạt kinh tế và hạn chế chương trình hạt nhân tại chỗ của Iran? Điều này sẽ rõ ràng theo thời gian nhưng nên nhớ, Iran có tiếng nói quan trọng tại 4 thủ đô Arab: Beirut, Baghdad, Damascus và Saana.

Tiến trình hòa bình Israel-Palestine

Cho đến nay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫn thất bại trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. Năm 2015 sẽ tạo ra cơ hội mới hay sẽ gặp nhiều rủi ro hơn? Thỏa thuận gần đây giữa đảng Lao động Israel và đảng cánh hữu Tzipi Livni có thể mang đến thay thế trung dung hơn, giúp Washington dễ dàng đạt được mục tiêu. Nhưng Thủ tướng Israel Netanyahu chưa bao giờ che giấu sở thích một Tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa. Liệu ông Obama có sẵn sàng nắm bắt cơ hội đầu tư nhiều hơn vào tiến trình hòa bình Trung Đông? Điều này phụ thuộc vào kết quả cuộc tổng tuyển cử ngày 17-3 của Israel.

Xác định lại lợi ích cốt lõi

Mối quan hệ với tất cả bạn bè lâu dài của Nhà Trắng tại khu vực này trở nên khó khăn hơn khi những cơn sóng thần của sự thay đổi và sự hỗn loạn quét qua Trung Đông. Sự nổi lên của IS nhấn mạnh, các đồng minh Arab Sunni hay Israel của Washington có lợi ích riêng trong cuộc chiến tại Syria và Iraq. Điều quan trọng là Washington phải tìm cách tái xác định lợi ích cốt lõi trong khu vực rõ ràng hơn.

Tầm quan trọng của Washington đối với khu vực sẽ không biến mất chỉ trong một đêm. Nhưng mối quan tâm của Washington có thể bị suy yếu bởi các chính sách tái cân bằng ở những nơi khác, nhất là chính sách xoay Trục Châu Á-Thái Bình Dương.

An Bình
(Theo BBC)