Mỹ muốn xoa dịu đồng minh
(Cadn.com.vn) - Sáng 20-7 (giờ Việt Nam), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter bắt đầu chuyến thăm các nước Trung Đông gồm Israel, Saudi Arabia và Jordan. Chuyến thăm của ông Carter diễn ra trong bối cảnh các đồng minh của Mỹ trong khu vực, nhất là Israel đang "nổi đóa" vì thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ và P5+1 đạt được với Iran nhằm ngăn cản nước này tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, đổi lại Iran sẽ được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến kinh tế và dầu mỏ. Có thể thấy, mục đích chính của chuyến đi này của ông Carter là trấn an các đồng minh rằng, thỏa thuận mới đạt được với Iran hồi tuần trước sẽ giúp củng cố an ninh của Mỹ cũng như các đồng minh, trong đó có Israel.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter (giữa) đến sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv, Israel. Ảnh: AP |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là thành viên nội các đầu tiên trong chính quyền tổng thống Mỹ Obama tới thăm Israel kể từ sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tuần trước. Tại Tel Aviv, ông Carter được Israel chào đón nồng nhiệt. Người đứng đầu Lầu Năm Góc đã gặp người đồng cấp nước chủ nhà Moshe Yaalon tại trụ sở quốc phòng Israel. Ông Yaalon cảm ơn ông Carter vì những đóng góp của ông đối với an ninh của Israel và Israel trân trọng tình bạn của mình với Mỹ.
Gần đây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chỉ trích gay gắt thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran, cho rằng thỏa thuận sẽ mở đường cho Tehran chế tạo vũ khí hạt nhân có thể đe dọa sự tồn tại của Israel và cuối cùng là Mỹ và nền an ninh toàn cầu. Ông Netanyahu lo ngại việc nền kinh tế Iran phục hồi khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ có thể thúc đẩy các nhóm mà Iran hậu thuẫn tại Lebanon và lãnh thổ Palestine. Nó cũng có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang với các nước Arab không mấy thân thiện với Israel.
Trên chuyến bay đến Tel Aviv, ông Carter cho biết ông không hy vọng thuyết phục các nhà lãnh đạo Israel thay đổi quan điểm phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng ông sẽ tận dụng các cuộc tiếp xúc với giới lãnh đạo Israel để thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ quân sự song phương. Ông nhấn mạnh rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran không áp đặt giới hạn về những gì Washington có thể làm để đảm bảo an ninh của Israel và các đồng minh Arab. Thỏa thuận cũng không làm thay đổi chiến lược quốc phòng của Mỹ hay sự hiện diện quân sự của Washington ở Trung Đông, vốn bao gồm nhiều máy bay chiến đấu, một tàu sân bay và hàng chục nghìn binh sĩ.
Ông Carter cũng khẳng định, dù Iran và Nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận hạt nhân, chính quyền Obama có quyền sử dụng vũ lực quân sự chống lại Iran nếu cần thiết. Điều này cũng đã được chính quyền Mỹ khẳng định ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest khi đó cho biết: “Tổng thống đã chỉ ra rằng, quân sự vẫn là một trong các lựa chọn. Tất nhiên cách hiệu quả hơn và tốt hơn cả để ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân là thông qua giải pháp ngoại giao, một thỏa thuận hạt nhân như thế này. Nó sẽ buộc Iran phải có những bước đi đáng kể để rút bớt các chương trình hạt nhân và đồng ý để cộng đồng quốc tế giám sát chương trình hạt nhân của mình”.
Bất chấp những căng thẳng giữa Mỹ và Israel xung quanh chương trình hạt nhân của Iran, mối quan hệ quốc phòng Washington-Tel Aviv ngày càng sâu sắc trong những năm gần đây. Mỹ đã đầu tư hàng trăm triệu xây dựng hệ thống phòng không Iron Dome của Israel, được thiết kế để bắn hạ tên lửa tầm ngắn, súng cối và đạn pháo bắn vào miền bắc Israel từ miền nam Lebanon và vào miền nam Israel từ dải Gaza. Mỹ đã giúp Israel phát triển các hệ thống chống tên lửa và một loạt hệ thống phòng thủ khác. 2 năm cách đây, Lầu Năm Góc cam kết cung cấp hệ thống radar tiên tiến cho hạm đội máy bay chiến đấu và máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 của Israel, và giúp Tel Aviv trở thành nước đầu tiên sở hữu máy bay trực thăng V-22 Osprey.
Mỹ và Israel đã tổ chức các cuộc đàm phán về đổi mới 10 năm thiết lập hiệp ước quốc phòng, sẽ hết hạn vào năm 2018. Theo thỏa thuận hiện tại, Israel nhận được khoảng 3 tỷ USD viện trợ quân sự từ Mỹ mỗi năm. Con số này sẽ tăng lên khi thỏa thuận này được đổi mới.
An Bình