Mỹ -Saudi Arabia và "bài kiểm tra" Yemen

Thứ sáu, 22/04/2016 10:11

(Cadn.com.vn) - Saudi Arabia đã chi hàng chục tỷ USD để mua các loại vũ khí mới của Mỹ. Nhưng việc can thiệp của Riyadh ở nước láng giềng Yemen đã không suôn sẻ.

6 năm trước, các quan chức Saudi Arabia và Mỹ đã nhất trí về thỏa thuận mua bán vũ khí béo bở trị giá lên đến 60 tỷ USD. Theo đó, Mỹ sẽ bán chiến đấu cơ F-15, trực thăng tấn công Apache và các loại vũ khí tiên tiến khác cho vương quốc giàu dầu mỏ. Với thỏa thuận này, hai bên hy vọng, sẽ giúp Riyadh chống lại những quốc gia trong "vòm-đối thủ" khu vực Trung Đông, đặc biệt là Iran. Nhưng khi Tổng thống Barack Obama có chuyến thăm chính thức đến Saudi Arabia, bắt đầu từ hôm 20-4, khả năng quân sự của Riyadh vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ - và khoảng cách giữa Washington và Riyadh đang mở rộng đáng kể.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) đến Saudi Arabia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ
và các nước Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) hôm 21-4.

Đồng minh chiến lược

Mỹ bắt đầu trang bị vũ khí và huấn luyện lực lượng vũ trang Saudi Arabia kể từ khi Tổng thống Franklin Roosevelt và Vua Abdulaziz Al Saud thiết lập mối quan hệ đồng minh vào năm 1945. Doanh thu bán vũ khí của Washington cho Riyadh tăng đáng kể dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush và thậm chí còn tăng nhiều hơn dưới thời ông Barack Obama.

Ngoài việc ký kết một hợp đồng bán vũ khí kỷ lục trị giá 60 tỷ USD, gần đây, Mỹ còn hỗ trợ tình báo và huấn luyện quân sự cho Riyadh, đồng thời cung cấp hỗ trợ hậu cần và mục tiêu tấn công cho vương quốc Hồi giáo trong cuộc chiến với Iran.

Về cơ bản, Saudi Arabia cần sự hỗ trợ của Mỹ để đối phó Iran. Trong khi đó, chính quyền Obama cho đây là cơ hội tuyệt vời để chuyển giao sức mạnh quân sự cho Saudi Arabia để giúp Mỹ ổn định tình hình hỗn loạn ở Trung Đông như chống những nhóm khủng bố như Al-Qaeda và kết thúc cuộc nối chiến ở Syria. Ngoài ra, Riyadh còn là nguồn cung cấp dầu mỏ lớn cho Washington. Cũng theo tính toán, Saudi Arabia sẽ hợp tác với Nga hoặc Trung Quốc nếu Mỹ không chịu bán vũ khí cho quốc gia này.

Cuộc chiến Yemen

Tuy nhiên, mối quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ-Saudi Arabia bắt đầu rạn nứt nghiêm trọng, nhất là kể từ khi Washington đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran và coi đó là thành tựu to lớn. Saudi Arabia cho rằng, sự tan băng giữa Washington - Tehran báo hiệu sự dịch chuyển nguy hiểm trong cán cân quyền lực ở khu vực.

Mâu thuẫn lớn nhất giữa hai nước là vấn đề Yemen - nơi liên quân Arab do Riyadh dẫn đầu tham chiến chống phiến quân Houthi trong hơn 1 năm qua. Thất vọng bởi các thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Mỹ và Iran, Saudi Arabia quyết định can thiệp vào Yemen để đối đầu với cái mà Riyadh cáo buộc là "sự bành trướng của Iran" tại quốc gia láng giềng phía nam của họ. Nhà Trắng giúp quốc gia đồng minh bằng cách cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ hậu cần, nhưng cũng không mấy mặn mà trong khi luôn thúc giục Riyadh nhanh chóng kết thúc chiến tranh tại quốc gia Trung Đông này.

Vấn đề khác làm gia tăng căng thẳng mối quan hệ đồng minh là  nhân quyền. Các nhà điều tra của LHQ cho hay, những cuộc không kích của liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã giết chết 2.000 trong số 3.200 thường dân tại Yemen. Theo báo cáo hồi tháng 1 của HĐBA LHQ liên minh này tiến hành 152 cuộc tấn công vi phạm luật nhân đạo quốc tế, bao gồm 41 cuộc nhằm vào các khu dân cư, 22 cuộc vào các cơ sở y tế và 10 cuộc vào chợ.  Bên cạnh đó, mới đây Mỹ cũng tỏ thái độ dè chừng với Saudi Arabia khi có thông tin hé lộ vai trò của quốc gia Trung Đông này với vụ khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ.

Và câu hỏi đặt ra là, liệu với chuyến thăm này, khoảng cách giữa hai quốc gia đồng minh chiến lược này có được rút ngắn hơn hay lại cơi nới thêm vì những bất đồng không thể dung hòa?

Tuệ Khanh
(Theo Reuters)