Mỹ thách thức Trung Quốc ở biển Đông

Thứ năm, 14/05/2015 08:30

(Cadn.com.vn) - Lầu Năm Góc đang cân nhắc điều tàu chiến và máy bay đến gần khu vực tranh chấp ở biển Đông.

Trong động thái thách thức tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc đối với chuỗi đảo nhân tạo đang được Bắc Kinh mở rộng nhanh chóng ở biển Đông, Mỹ ngày 13-5 tuyên bố sẽ điều tàu chiến và máy bay đến gần khu vực tranh chấp nóng bỏng này.

Theo một quan chức cấp cao, những ngày gần đây tàu chiến USS Fort Worth của Hải quân Mỹ đang hoạt động tại vùng biển gần quần đảo Trường Sa, song chưa đi vào khu vực 12 hải lý (22km) quanh các đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Ngay sau đó, trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 13-5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Bắc Kinh “cực kỳ quan ngại” về kế hoạch của Mỹ đồng thời vẫn vô lý khẳng định, hoạt động xây dựng của Trung Quốc là “hợp lý và hợp pháp”.

Mỹ có kế hoạch điều tàu chiến và máy bay
đến gần khu vực tranh chấp  ở biển Đông mà Bắc Kinh đòi tuyên bố chủ quyền.
Trong ảnh: Tàu chiến USS Fort Worth của Hải quân Mỹ. Ảnh: Naval Today

Vì tự do hàng hải ở biển Đông

Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, động thái này của Lầu Năm Góc nhằm mục đích khẳng định tự do hàng hải xung quanh khu vực Trung Quốc liên tục xây đảo nhân tạo trong thời gian qua.

“Chúng tôi đang xem xét làm thế nào để chứng minh tự do hàng hải trong khu vực vốn rất quan trọng đối với thương mại thế giới”, quan chức Mỹ nói thêm rằng, bất cứ lựa chọn nào cũng sẽ cần được Nhà Trắng phê duyệt.

Theo nguồn tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đưa ra những chọn lựa bao gồm việc điều máy bay do thám giám sát các đảo tranh chấp trên biển Đông và cử các tàu Hải quân Mỹ đi vào bên trong vùng biển rộng 12 hải lý xung quanh các bãi đá mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và bồi đắp thuộc quần đảo Trường Sa. Yêu cầu của Carter lần đầu tiên được báo WSJ đưa tin, trong đó nhấn mạnh, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng hiện có các biện pháp cụ thể nhằm gửi tín hiệu rằng, hoạt động xây dựng của Bắc Kinh gần đây đã đi quá xa và đến lúc phải ngăn chặn.

Nếu được Tổng thống Barack Obama phê chuẩn, những động thái nêu trên sẽ phát đi một thông điệp tới Trung Quốc rằng, Washington sẽ không chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với những đảo nhân tạo mà Mỹ coi là thuộc không phận và vùng biển quốc tế này.

Biển Đông kịch tính

Lầu Năm Góc và Nhà Trắng chưa có bình luận gì về việc này nhưng biển Đông có thể sẽ là chủ đề ưu tiên khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến thăm Trung Quốc vào cuối tuần này. Một phần chuyến đi của ông Kerry sẽ tập trung vào việc chuẩn bị cho Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung hàng năm dự kiến sẽ được tổ chức tại Washington vào cuối tháng 6.

 Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên hầu hết biển Đông, tuyến đường mang về 5.000 tỷ USD thương mại tàu-thuyền mỗi năm. Vì vậy, nhiều nước ủng hộ kế hoạch này của Mỹ. Philippines - một đồng minh của Mỹ tại Đông Nam Á - kêu gọi Washington nhanh chóng thực hiện. Trên thực tế, Manila đang tìm kiếm sự hỗ trợ nhiều hơn từ Washington nhằm ngăn chặn chiến dịch bồi lấp biển ồ ạt mà quốc gia Đông Nam Á này cho là sẽ dẫn tới việc Bắc Kinh khống chế toàn bộ biển Đông.

“Chúng ta đang ở vị trí phải hành động nhanh chóng vì chiến dịch bồi lấp biển ồ ạt sẽ dẫn tới việc Trung Quốc, trên thực tế, khống chế toàn bộ biển Đông”, Ngoại trưởng Phillippines Albert del Rosario nói khi có chuyến thăm thủ đô Washington với mục tiêu “xem hai nước đồng minh có thể làm nhiều hơn với bài toán biển Đông”. Theo Ngoại trưởng Phillippines, việc Trung Quốc khống chế biển Đông sẽ dẫn đến quân sự hóa, đe dọa quy tắc luật pháp và tự do hàng hải tại khu vực.

Quan điểm cứng rắn hơn của Mỹ về vấn đề biển Đông được đánh giá là trụ cột quan trọng trong chiến lược tái cân bằng Châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Barack Obama. Một động thái như vậy sẽ trực tiếp thách thức những nỗ lực của Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng ở trung tâm hàng hải của khu vực Đông Nam Á và chắc chắn sẽ khiến tranh chấp chủ quyền trên biển Đông thêm kịch tính.

Khả Anh