Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ bàn việc lập “vùng không IS”
(Cadn.com.vn) - Việc lập “vùng an toàn” được cho là có thể sẽ dọn đường cho sự trở về của hơn 1,8 triệu người tị nạn Syria đang sống ẩn náu ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Reuters ngày 28-7 cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang nỗ lực hỗ trợ cần thiết cho quân nổi dậy ôn hòa ở Syria và cùng nhau quét sạch các chiến binh Hồi giáo IS ra khỏi dải đất dọc biên giới giữa Damascus với Ankara.
Xe tăng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dọc biên giới với Syria. Ảnh: AFP |
Củng cố an ninh biên giới...
Tại Washington, các quan chức Mỹ cho biết, các cuộc thảo luận đang diễn ra, trong đó chủ yếu bàn về quy mô và phạm vi của khu vực dọc biên giới vốn có thể lập “vùng an toàn” hay còn gọi là “vùng không IS”, từ đó cho phép quân nổi dậy Syria ôn hòa hoạt động tự do.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ bác bỏ việc áp đặt khu vực cấm bay chính thức và cho biết, kế hoạch này không nhằm mục đích tạo ra “vùng an toàn” cho người tị nạn Syria. Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Barack Obama khẳng định: “Mục đích của hoạt động này là để xóa bóng dáng IS khỏi biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và đóng cửa biên giới của một Daesh (Nhà nước Hồi giáo)”.
Dù là thành viên bất đắc dĩ trong liên quân do Mỹ dẫn đầu chống IS, Ankara hồi tuần trước gia tăng các nỗ lực trong cuộc chiến này bằng cách cho phép các quốc gia liên minh sử dụng các căn cứ không quân đồng thời mở các cuộc không kích nhắm các mục tiêu IS ở Syria. Đấu tranh với hơn 1,8 triệu người tị nạn Syria, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu vận động lập “vùng cấm bay” ở miền bắc Syria để các phiến quân IS và các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền bắc Iraq không thể xâm nhập vào lãnh thổ của họ, cũng như giúp ngăn chặn làn sóng di dân ồ ạt từ các quốc gia láng giềng.
Giới phân tích nhận định, kế hoạch lập “vùng an toàn” như thế này của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm mục đích củng cố an ninh và có thể cung cấp nơi ẩn náu an toàn cho dân thường. “Vùng an toàn” còn có thể sẽ dọn đường cho sự trở về của hơn 1,8 triệu người tị nạn Syria đang ẩn náu ở Thổ Nhĩ Kỳ.
...và không lùi bước trước khủng bố
NATO hôm 28-7 tổ chức cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về vấn đề an ninh theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó bàn về cuộc chiến chống IS ở Syria và các phiến quân PKK ở Iraq.
Phát biểu khai mạc cuộc họp khẩn tại Ankara, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: “Chúng tôi theo dõi sát sao mọi diễn biến và đoàn kết chặt chẽ với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ”. Nhưng Ankara thực chất không yêu cầu liên minh quân sự này hỗ trợ quân sự. Tổng Thư ký Stoltenberg xác nhận, Thổ Nhĩ Kỳ không yêu cầu sự hỗ trợ quân sự đáng kể nào từ NATO trong chiến dịch này. “Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội và lực lượng an ninh rất mạnh. Vì vậy, họ không yêu cầu sự hỗ trợ quân sự đáng kể nào của NATO”, BBC dẫn lời ông Stoltenberg cho biết.
Tuy nhiên, ông cảnh báo, chiến dịch không kích của Ankara có thể gây nguy hiểm cho tiến trình được tạo ra trong những năm gần đây nhằm tiến đến một thỏa thuận hòa bình với PKK. Đáp lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỹ Tayyip Erdogan tuyên bố, Ankara không thể tiếp tục tiến trình hòa bình với những người Kurd trong bối cảnh tiếp diễn các vụ tấn công nhằm vào người Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh, Ankara sẽ không lùi bước trong cuộc chiến chống khủng bố, ám chỉ những cuộc tấn công của nước này nhằm vào nhóm phiến quân IS và PKK.
“Chúng tôi sẽ không lùi bước trong cuộc chiến chống khủng bố. Đó đã là một quá trình và quyết tâm lớn”, ông Erdogan khẳng định trong cuộc họp báo trước thềm chuyến thăm chính thức Trung Quốc.
Khả Anh