Mỹ-Triều tranh cãi quanh việc "sẵn sàng đối thoại"

Thứ tư, 23/06/2021 14:09

Theo các nguồn tin, trong khi Mỹ nói sẵn sàng đối thoại, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un, bà Kim Yo-Jong tuyên bố, Washington đã giải mã tín hiệu từ Bình Nhưỡng theo cách đáng thất vọng.

Tại một hội nghị hồi tuần trước, ông Kim Jong-Un tuyên bố, Triều Tiên cần phải chuẩn bị cả đàm phán và đối đầu với Mỹ dưới thời của Tổng thống Joe Biden.  Ảnh: Reuters

Ngày 22-6, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời bà Kim Yo-Jong, một quan chức cấp cao đảng Lao động Triều Tiên và là em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-Un, bác bỏ triển vọng sớm nối lại các cuộc đàm phán với Mỹ.

Bà tuyên bố, những kỳ vọng của Mỹ vào các cuộc đàm phán với Triều Tiên sẽ chỉ đem lại "sự thất vọng lớn hơn" cho Washington và việc Mỹ đề cập tới "tín hiệu đáng chú ý" cho thấy, họ đang kỳ vọng "sai lầm". Theo các nguồn tin, trong khi Mỹ nói sẵn sàng đối thoại, bà Kim Yo Jong tuyên bố, Washington đã giải mã tín hiệu từ Bình Nhưỡng theo cách đáng thất vọng. Tuyên bố của bà Kim nhằm đáp lại đánh giá trước đó của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, người mô tả tuyên bố mới đây của ông Kim Jong-Un tại hội nghị của đảng Lao động Triều Tiên, là "các dấu hiệu đáng quan tâm". 

Tại một hội nghị của đảng Lao động Triều Tiên tuần trước, ông Kim Jong-Un đã phân tích chính sách Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và ra lệnh cho các quan chức cấp dưới chuẩn bị cả hai kịch bản đối đầu và đối thoại "đặc biệt sẵn sàng cho đối đầu" để bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên, bình luận công khai trên của ông Kim không có những ngôn từ nặng nề chống Washington và Seoul. Giới chuyên gia nhận định, nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn gợi ý rằng ông có kế hoạch gây thêm sức ép để Mỹ nới lỏng chính sách về Triều Tiên, trong khi một số chuyên gia khác cho rằng ông đang nhấn mạnh đến khả năng nối lại đối thoại.

Bình luận của bà Kim Yo-Jong được đưa ra một ngày sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố, Washington sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên vào bất cứ thời điểm nào tại bất kỳ địa điểm nào, đồng thời khẳng định đề nghị mới nhất của Mỹ sẵn sàng nhóm họp mà không cần điều kiện tiên quyết. Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, ông Price nêu rõ: "Chúng tôi chắc chắn hy vọng Triều Tiên sẽ hồi đáp một cách tích cực đề nghị nhóm họp vào bất cứ thời điểm nào, tại bất kỳ địa điểm nào mà không cần điều kiện tiên quyết. Đó chính xác là những gì Đặc phái viên Kim phát biểu trong chuyến công du của ông tới Seoul, nơi ông nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ba bên Mỹ-Hàn-Nhật...".

Ông Price nhấn mạnh kết quả của cuộc rà soát giúp hoàn tất chính sách về Triều Tiên của Mỹ nhằm tìm kiếm một cách tiếp cận thực tế, hiệu chỉnh để phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Theo Yonhap, phát biểu của Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên là dấu hiệu cho thấy sự cởi mở của ông với đối thoại và là lời kêu gọi đến Washington nhằm đưa ra các biện pháp khuyến khích cụ thể hơn để nối lại ngoại giao hạt nhân với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, ông Kim cũng nhấn mạnh, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiếp tục thực hiện các nghị quyết của HĐBA LHQ chống lại Bình Nhưỡng. Thực tế là, bên cạnh đề xuất đối thoại và các bình luận tích cực của các quan chức dưới quyền, Tổng thống Biden ngày 21-6 thông báo quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên thêm 1 năm. Các quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Biden sẽ có quan điểm chung dung giữa cách tiếp cận trực tiếp của cựu Tổng thống Donald Trump và chính sách "kiên nhẫn chiến lược" của cựu Tổng thống Barack Obama. 

Các chuyên gia cũng cho rằng, chính quyền của ông Biden sẽ không nới lỏng trừng phạt trước khi Triều Tiên có các bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa.

KHẢ ANH