Mỹ trừng phạt Nga, EU “đứng ngồi không yên”

Thứ sáu, 28/07/2017 07:57

Liên minh Châu Âu (EU) nhấn mạnh, cả khối phải chuẩn bị để “đáp trả xứng đáng” nếu các đề xuất về các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga gây ảnh hưởng đến các Cty của họ.

Quốc hội Mỹ đang chuẩn bị gửi đến Tổng thống Donald Trump dự luật quan trọng, theo đó gia tăng các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhằm vào Nga. Kể cả khi Tổng thống Trump phủ quyết, dự luật này vẫn nắm chắc khả năng được thông qua.

Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng một số doanh nghiệp EU liên quan dự án “Dòng chảy Phương Bắc 2”. Ảnh: Getty Images

Giới chuyên gia cho rằng, dự luật trừng phạt mới chống Nga, vốn được Hạ viện Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo trong tuần này, nhiều khả năng sẽ làm bùng phát mâu thuẫn giữa Washington và các đồng minh trong EU. Bởi các lệnh trừng phạt này nhằm vào các ngành công nghiệp quốc phòng, tình báo, khai mỏ, vận chuyển và đường sắt, và hạn chế giao dịch với các ngân hàng và các Cty năng lượng Nga.

Pháp và Đức đều phản đối gay gắt cái mà họ gọi là tẩy chay “thứ cấp”. Giáo sư Michael Brenner chuyên nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại trường Đại học Pittsburgh (Mỹ) cho rằng, “EU, đặc biệt là Tây Âu, nói rõ sẽ không chấp nhận sự tẩy chay thứ cấp - vốn bị luật pháp quốc tế cấm”. Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt Nga được cả 2 viện Quốc hội Mỹ thông qua sẽ là bất hợp pháp căn cứ theo luật pháp quốc tế kể cả khi Tổng thống Trump ký phê chuẩn.

EU đang thật sự lo lắng. Họ đang cuống cuồng tìm cách đáp trả. Khối này lo ngại những hạn chế mới của Mỹ có thể gây trở ngại lớn đối với các Cty của họ, vốn đang hợp tác kinh doanh với Nga và đe dọa các nguồn cung cấp năng lượng của khối. Nhiều khả năng, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng một số doanh nghiệp EU liên quan “Dòng chảy Phương Bắc 2”, dự án trị giá 9,5 tỷ USD nhằm đưa khí đốt Nga đi qua khu vực Baltic.

Theo Reuters, trong tuyên bố mới nhất đưa ra hôm 27-7, Liên minh Châu Âu (EU) nhấn mạnh, cả khối phải chuẩn bị để “đáp trả xứng đáng” nếu các đề xuất về các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga gây ảnh hưởng đến các Cty của họ. Tuy nhiên, liên minh gồm 28 quốc gia này (đang bao gồm cả Anh) vẫn chia rẽ trong cách đối phó với vấn đề này.

Giới chuyên gia nhận định, các bước chuẩn bị của Ủy ban Châu Âu (EC) nhằm đáp trả những biện pháp trừng phạt mới do Mỹ đề xuất nhằm vào Nga nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối từ chính trong nội bộ EU. Phía Moscow đã hiểu rõ vấn đề này. Đó là lý do vì sao Đại diện Thường trực Nga tại EU, ông Vladimir Chizhov đã lên tiếng lưu ý, mối quan hệ song phương trong tương lai giữa EU và Moscow sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Brussels đối với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ.

Không giống như Mỹ, quốc gia đã tự sản xuất khí đốt từ đá phiến và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, phần lớn các quốc gia Châu Âu phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt Nga thông qua một đường ống dẫn lớn. Ông Kurt Bock, Giám đốc điều hành của tập đoàn hóa chất khổng lồ của Đức, BASF, cho rằng: “Việc áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga rõ ràng đánh vào bên thứ ba, cụ thể là Châu Âu, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế Mỹ bằng khẩu hiệu - “Mua khí đốt Mỹ”.

Cả EU và Mỹ đều áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế quy mô lớn nhằm vào các lĩnh vực tài chính, quốc phòng và năng lượng của Nga sau việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014 trong bối cảnh cuộc khủng  hoảng ở Ukraine lên đến đỉnh điểm. Và Đức - quốc gia đầu tàu của EU - có một lập trường đặc biệt cứng rắn đối với Moscow trong vấn đề này. Tuy nhiên, Nga cho đến nay vẫn là đối tác kinh doanh quan trọng của Đức và nhiều nước Châu Âu khác.

KHẢ ANH