Mỹ tuần tra ở biển Đông

Thứ tư, 28/10/2015 09:02

(Cadn.com.vn) - Việc tàu khu trục Mỹ đến tuần tra ở biển Đông đánh dấu thách thức mạnh mẽ nhất của Washington đối với tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp này.

Mỹ ngày 27-10 tuyên bố, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen đã hoàn thành việc tuần tra tại khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo trái phép ở biển Đông, động thái khiến Bắc Kinh đang “đứng ngồi không yên”.



Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ (ảnh trên) tuần tra tại khu vực 12 hải lý
quanh các đảo Trung Quốc xây trái phép ở biển Đông (ảnh dưới). Ảnh: Reuters

MỸ TUẦN TRA PHÙ HỢP LUẬT PHÁP QUỐC TẾ

Tàu USS Lassen tiến vào các vùng biển quanh các bãi đá mà Trung Quốc xây trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào sáng 27-10 và tuần tra ở đây “trong vài giờ”.

Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, tàu USS Lassen ban đầu tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh bãi đá Subi, sau đó, tiến đến khu vực quanh bãi đá Vành Khăn. Hoạt động tuần tra của Hải quân Mỹ đang khiến Bắc Kinh nổi giận. Trung Quốc triệu đại sứ Mỹ để phản đối. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí hối thúc phía Mỹ “lập tức có động thái sửa sai” và vô lý nhấn mạnh, tàu USS Lassen “xâm nhập trái phép” mà “không được sự cho phép từ phía chính phủ Trung Quốc”.

Tuy nhiên, một quan chức quân sự Mỹ khẳng định, đây là hoạt động thường kỳ và phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo quan chức này, trong những tuần tới, Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục có những chuyến tuần tra như thế này, hoạt động do chính Tổng thống Mỹ Barack Obama ra chỉ thị thực hiện. Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest không nói gì về các hoạt động cụ thể của Lầu Năm Góc ở biển Đông trong thời gian tới nhưng khẳng định, “Mỹ đã tuyên bố rõ ràng cho Trung Quốc về tầm quan trọng của tự do thương mại trong vùng biển Đông”.

Cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng ủng hộ hoạt động tuần tra hợp pháp của Mỹ. Trong tuyên bố đưa ra hôm 27-10, Philipines hoan nghênh Lầu Năm Góc đồng thời kêu gọi “cộng đồng quốc tế ủng hộ việc duy trì tự do hàng không và hàng hải”. Malaysia - quốc gia được cho là đối tác kinh tế quan trọng của Trung Quốc – cũng không phê phán Mỹ mà chỉ nhấn mạnh các bên cần giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh hải công bằng và thỏa đáng.

TRUNG QUỐC PHẢN ỨNG NHƯ THẾ NÀO?

Những diễn biến căng thẳng này có nguy cơ đẩy Mỹ - Trung vào xung đột quân sự ở biển Đông. 

“Bằng cách sử dụng một tàu khu trục tên lửa dẫn đường tuần tra biển Đông, chứ không phải là các tàu nhỏ hơn... Mỹ đang gửi một thông điệp mạnh mẽ cho Trung Quốc”, ông Ian Storey, chuyên gia về biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore nhận định. Theo ông, điểm đáng chú ý là bất chấp phản đối của Bắc Kinh, Washington vẫn tuyên bố sẽ có nhiều cuộc tuần tra như thế này trong thời gian tới. “Do đó, nhiều người đang bàn đến khả năng Trung Quốc sẽ đáp trả như thế nào”, ông Ian Storey nói.

Theo một số chuyên gia khác, Bắc Kinh có thể sẽ ngăn cản các hoạt động tuần tra của Lầu Năm Góc, chẳng hạn như chặn hoặc bao vây quanh tàu Mỹ, động thái đầy mạo hiểm có thể biến biển Đông thành “biển lửa”. Tuy nhiên, ông Euan Graham - Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Viện Lowy ở Sydney - cho rằng, Bắc Kinh có thể “to tiếng” phản đối hay chỉ trích Mỹ, nhưng có thể “tắt tiếng” trong các động thái quân sự.

Mỹ từ trước đến nay vẫn không công nhận những tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc cũng như phản đối việc Bắc Kinh cải tạo đất trái phép ở biển Đông. Washington liên tục cảnh báo Bắc Kinh nên kiềm chế và ngừng các hoạt động cải tạo đất, song bị Bắc Kinh phớt lờ. Và chuyến tuần tra này của Hải quân Mỹ đánh dấu khởi đầu cho loạt hành động thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới vốn mang về doanh thu thương mại hơn 5.000 tỷ USD mỗi năm.

Khả Anh