Mỹ và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Thứ bảy, 03/08/2013 11:23

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Barack Obama từng hứa sẽ có biện pháp mạnh chống biến đổi khí hậu, nhưng người Mỹ hiện đang phải đối mặt với hậu quả của sự nóng lên toàn cầu.

Một ngôi làng sắp biến mất

Hầu như ít người Mỹ từng nghe nói về ngôi làng Kivalina ở Alaska – nơi bám vào một mũi đất hẹp trên bờ biển Bering. Ngôi làng quá nhỏ nên không được thể hiện trên bản đồ Alaska và cũng chưa bao giờ là mối quan tâm của người Mỹ. Trong một thập kỷ tới, Kivalina có khả năng chìm luôn xuống dưới nước, ra đi mãi mãi.

Hiện tại, cuộc sống của 400 người Inuit bản địa ở Kivalina bị ảnh hưởng nặng nề bởi sinh kế của họ phụ thuộc vào săn bắn và đánh cá. Biển giúp duy trì cuộc sống của biết bao thế hệ tại đây, nhưng trong 2 thập kỷ qua, băng ở Bắc Cực tan đáng kể khiến bờ biển bị xói mòn; các dải cát Kivalinabị thu hẹp đáng kể. Tập đoàn Kỹ thuật Quân đội Mỹ đã xây dựng một bức tường phòng thủ dọc bờ biển vào năm 2008, nhưng đây chỉ là một biện pháp tạm thời. Các chuyên gia dự đoán, Kivalina sẽ không thể ở được nữa vào năm 2025.

Câu chuyện Kivalina không phải là duy nhất. Nhiệt độ ở khu vực Bắc Cực ở Alaska đang ấm lên nhanh gấp 2 lần phần còn lại của Mỹ. Băng tan, mực nước biển dâng lên, bờ biển bị xói mòn khiến 3 khu định cư của người Inuit phải đối mặt với việc bị phá hủy, và ít nhất 8 khu khác đang trong tình trạng nguy hiểm. Nhà Trắng có thể chi phí đến 400 triệu USD di dời dân Kivalina đến vùng đất cao hơn - xây dựng đường sá, nhà cửa, và một trường học. Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy, tiền sẽ được chi cho vấn đề này. Lãnh đạo Kivalina, Colleen Swan, cho biết: “Nếu vẫn ở đây trong 10 năm nữa, chúng tôi sẽ bị lũ cuốn trôi chết”.

Phía Bắc Kvalina – nơi có thị trấn Barrow không có đường giao thông. Cư dân Barrow chủ yếu là các bộ tộc Inupiat, sống bằng nghề săn cá voi và hải cẩu. Nhưng năm nay, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, họ không bắt được một con cá voi nào. Một trong những thợ săn cá voi giàu kinh nghiệm nhất, Herman Ahsoak, cho biết, băng từng dày 3m trong mùa đông, nhưng bây giờ chỉ dày 1m. Barrow còn là “thành phố khoa học” của Bắc Cực. Vào mùa hè, hàng chục các nhà nghiên cứu quốc tế đến đây theo dõi việc thu hẹp của băng Bắc Cực và quá trình tan băng nhanh chóng ở các vùng lãnh nguyên và lớp băng vĩnh cửu.

Ngôi làng Kivalina có khả năng biến mất trong thập kỷ tới.    Ảnh: BBC

Môi trường hay kinh tế?

Alaska là nơi có nguồn nhiên liệu hóa thạch carbon quan trọng đối với Mỹ. Cực Bắc Alaska là mỏ dầu lớn nhất của Mỹ và Hệ thống ống dẫn dầu Alaska là nhân tố quan trọng đối với an ninh năng lượng của nước này.

Kate Moriarty, Giám đốc điều hành Liên đoàn khí đốt và dầu mỏ Alaska cho rằng Alaska hiện có trữ lượng 50 tỷ thùng dầu chưa được khai thác. Tập đoàn Shell đã đưa ra giá thầu đầy tham vọng nhằm giành quyền khai thác khu vực ngoài khơi Bắc Cực nhưng vấp phải sự không chấp thuận từ các nhóm môi trường. Mối quan ngại ngày càng tăng khi một giàn khoan bị mắc cạn ngoài khơi bờ biển Alaska vào đầu năm nay. Hoạt động khai thác tại khu vực này hiện đang bị đình chỉ, nhưng giá trị các mỏ dầu ở đây quá hấp dẫn, và các tập đoàn khai thác khó có thể bỏ qua.

Khi Tổng thống Obama cam kết sẽ tăng nỗ lực giảm lượng khí thải carbon của Mỹ, chẳng ai tin điều này. Washington phụ thuộc rất lớn vào dầu mỏ. Doanh thu từ ngành công nghiệp dầu mỏ chiếm hơn 90% ngân sách nhà nước. Giữa một bên là tác động xấu sự biến đổi khí hậu với một bên là nhu cầu mở rộng nền kinh tế nhờ vào nhiên liệu carbon, Mỹ có vẻ như vẫn muốn ưu tiên phát triển kinh tế.

Và như thế, trong một thập kỷ tới, các đại dương Bắc Cực có thể sẽ không còn băng trong mùa hè.

An Bình

(Theo BBC)