Mỹ vào cuộc giải quyết vụ khủng hoảng nhà báo Jamal Khashoggi mất tích

Thứ tư, 17/10/2018 12:48

Theo hai nguồn tin, Saudi Arabia đang chuẩn bị một báo cáo trong đó thừa nhận cái chết của nhà báo nước này Jamal Khashoggi là kết quả của một cuộc thẩm vấn đi chệch hướng - một cuộc thẩm vấn với mục đích là nhằm bắt cóc nhà báo từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Diễn biến quanh vụ mất tích của nhà báo nổi tiếng người Saudi Arabia Jamal Khashoggi vẫn đang trở thành tâm điểm trên chính trường thế giới. Ngày 16-10, một nhóm điều tra và công tố viên của Thổ Nhĩ Kỳ đã rời lãnh sự quán Saudi Arabia tại thành phố Istanbul sau khi mở cuộc khám xét chưa từng có suốt 8 tiếng giữa đêm để điều tra vì sao nhà báo Jamal mất tích khi vào lãnh sự quán này hôm 2-10.

Theo AFP, nhóm điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ cùng với một phái đoàn của Saudi Arabia, rời trụ sở lãnh sự quán. Một tài liệu chính thức nêu rõ, nhóm điều tra thu thập các mẫu, trong đó có mẫu đất từ khu vườn trong lãnh sự quán. Đây là diễn biến đáng mừng bởi cho đến hôm 15-10, Riyadh đã không cho phép các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ khám xét lãnh sự quán do cả hai vẫn mâu thuẫn với các điều kiện đưa ra.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Saudi Arabia hôm 16-10. Ảnh: AFP

Saudi Arabia sẽ công bố báo cáo “bom tấn”?

Saudi Arabia nhất trí cho giới chức Thổ Nhĩ Kỳ khám xét trong bối cảnh dư luận phản ứng mạnh mẽ sau sự mất tích của nhà báo Jamal.

Vụ khám xét được thực hiện trong bối cảnh một số hãng truyền thông Mỹ đưa tin, Riyadh đang cân nhắc thừa nhận cái chết của nhà báo Jamal là kết quả của một cuộc thẩm vấn đi chệch hướng - một cuộc thẩm vấn với mục đích là nhằm bắt cóc nhà báo từ Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến nay, Vương quốc Arab này vẫn khẳng định nhà báo Jamal đã rời lãnh sự quán an toàn. Nhưng theo hai nguồn tin, Riyadh đang chuẩn bị một báo cáo trong đó thừa nhận việc này. Một nguồn tin cho biết, báo cáo trên có khả năng sẽ kết luận rằng cuộc thẩm vấn diễn ra một cách thiếu đi sự rõ ràng và minh bạch, vì thế những người liên quan phải chịu trách nhiệm. Một trong hai nguồn tin cho biết, báo cáo vẫn đang được chuẩn bị. Nguồn tin cũng cảnh báo mọi việc có thể thay đổi.

Trong khi đó, truyền thông Trung Đông cũng nhận định, Riyadh không thể chối tội vì các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ đã “phát hiện thấy bằng chứng” trong Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul. Hãng Al-Jazeera dẫn tuyên bố của nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, các công tố viên nước này đã tìm thấy “bằng chứng về sự giết chóc”. Bằng chứng này củng cố cho những nghi vấn liên quan đến việc nhà báo Jamal bị sát hại tại địa điểm trên. Theo Al Jazeera, đây được coi là diễn biến rất quan trọng sau nhiều ngày bế tắc. Ngoài ra, nhóm điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ cũng phát hiện bằng chứng về “sự xáo trộn” ở bên trong Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul.

Ngoại trưởng Mỹ đến Saudi Arabia

Rõ ràng, mọi con mắt đang hướng vào Saudi Arabia. Mọi bằng chứng đang có thể tố cáo Vương quốc Arab này. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, các bên cần thận trọng do thiếu bằng chứng cụ thể chống lại Saudi Arabia.

Và trong bối cảnh này, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức cử Ngoại trưởng Mike Pompeo tới quốc gia Arab này để gặp Quốc vương Saudi Arabia Salman sau khi Quốc vương của Saudi Arabia khẳng định “không hề biết chuyện gì đã xảy ra” với nhà báo nổi tiếng này. Bản thân ông Trump trong tuyên bố mới nhất cũng dịu giọng hơn với Riyadh, khi cho rằng, “những kẻ sát nhân xấu xa” đứng sau vụ này. “Lời phủ nhận vô cùng mạnh mẽ. Đối với tôi, dường như vụ việc có khả năng do những kẻ sát nhân xấu xa gây ra”, phát biểu với phóng viên tại Nhà Trắng sau khi điện đàm với Quốc vương Salman, Tổng thống Trump nêu rõ. Và ngày 16-10, Ngoại trưởng Pompeo đã đến thủ đô Riyadh và được người đồng cấp nước chủ nhà Adel al-Jubeir và Đại sứ Saudi Arabia tại Washington - Hoàng tử Khalid bin Salman chào đón tại sân bay.

Mọi cuộc thảo luận vẫn chưa được tiết lộ. Nhưng với việc Saudi Arabia phủ nhận vai trò trong vụ nhà báo Jamal mất tích bí ẩn và cảnh báo chống lại bất kỳ nỗ lực trừng phạt quốc tế nào, nguy cơ khủng hoảng đang leo thang và tác động tới nền kinh tế toàn cầu. Tại thời điểm này, chỉ riêng những sự ngờ vực đã đẩy các kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng của Riyadh về cải cách nền kinh tế và đánh bóng hình ảnh ra bên ngoài vào tình thế nguy hiểm. Không chỉ vậy, hình ảnh của “nhà cải cách” vốn được Thái tử Mohammed bin Salman dày công vun đắp cũng lâm nguy.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc cố gắng cô lập Vương quốc Arab này về mặt quốc tế sẽ không dễ dàng và có thể dẫn tới những hậu quả cho tất cả mọi người. Về lý thuyết, leo thang căng thẳng có thể đẩy giá dầu lên cao hơn, làm đảo lộn tiến trình hòa bình Trung Đông và phá hoại những nỗ lực quốc tế nhằm kiềm chế Iran, trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang đẩy mạnh việc loại Iran khỏi thị trường dầu mỏ và dựa vào nhà sản xuất dầu mỏ Saudi Arabia.

Nhưng một số khác lo ngại, nếu không có phản ứng mạnh mẽ, thì một tiền lệ nguy hiểm có thể xuất hiện, vì sự mất tích của nhà báo Jamal có thể khiến các nước khác có hành động tương tự với những người bất đồng chính kiến.

KHẢ ANH