Mỹ với chiến lược “cắt lát salami” của Trung Quốc

Thứ bảy, 19/07/2014 08:27

(Cadn.com.vn) - Mỹ thật sự đang đau đầu trong bài toán làm thế nào để ngăn chặn chiến thuật “cắt lát salami” mà Trung Quốc đang vận dụng trên biển Đông và biển Hoa Đông.

Khi biển Đông và cả biển Hoa Đông dậy sóng vì những hành động hung hăng của Trung Quốc, người ta nói nhiều đến chiến thuật “cắt lát salami” mà Bắc Kinh ứng dụng trong tuyên bố chủ quyền trên biển. Đây là chính sách chia nhỏ, cắt lát để trị hay còn gọi là chiến thuật “bẻ từng chiếc đũa”. Quân đội Mỹ hiện nhận ra rằng, họ cần làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn chiến lược “cắt lát salami” của Trung Quốc. Nhưng thật không may, họ chưa biết phải bắt đầu như thế nào.

Giới quan sát hiện đang có những tranh cãi về cách Bộ Quốc phòng Mỹ đang bỏ qua mối đe dọa quân sự trực tiếp nhất từ Trung Quốc. Cụ thể, trong khi Washington kìm hãm chiến lược “chống tiếp cận/khu vực cấm (A2/AD)" đang nổi lên của Trung Quốc và xây dựng khái niệm “Tác chiến không - biển (ASB)" trong phản ứng tình huống, Bắc Kinh đã kịp “đụng chạm” đến biển Đông và biển Hoa Đông với chiến thuật “cắt lát salami”. Cho đến nay, Lầu Năm Góc phần lớn hành động như thể các chiến thuật “cắt lát salami” không phải là vấn đề của mình.

Tàu sân bay Mỹ trong cuộc diễn tập quân sự tại Châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: The Diplomat

Lầu Năm Góc tiếp tục tạo hình một lực lượng hướng tới thực hiện khái niệm ASB. Việc “khống chế” Bắc Kinh chắc chắn là cần thiết và có lẽ là nhiệm vụ quan trọng trong tầm tay. Tuy nhiên, có ít nhất hai thách thức mà Nhà Trắng phải đối mặt. Đầu tiên, nếu Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu chiến thuật “cắt lát salami” - tức là dần dần chiếm đóng các bãi cạn và đảo nhỏ để củng cố tuyên bố chủ quyền trên biển - chuyện chiếm trọn biển Đông như tuyên bố “đường lưỡi bò” hay thôn tính quần đảo Senkaku và Okinawa chỉ là một sớm một chiều.

Thách thức thứ hai là Lầu Năm Góc đang xây dựng chiến lược sai lầm để đối phó với chiến thuật “cắt lát salami” này của Trung Quốc. Để thực hiện khái niệm ASB, Lầu Năm Góc đang hy sinh cả số lượng cho chất lượng. Có nghĩa là, Mỹ chấp nhận một lực lượng nhỏ hơn nhưng tinh nhuệ hơn. Mặc dù điều này có thể cho phép quân đội Mỹ thực hiện thành công ASB, nhưng đó lại là nước cờ sai lầm để đối phó với chiến lược “cắt lát salami”. Để đối mặt với chiến lược đầy mưu mẹo này, Washington cần có lực lượng lớn để tuần tra liên tục các vùng biển lớn như biển Đông và biển Hoa Đông. Các lực lượng tuần tra không phải là lực lượng tinh nhuệ nhất, như Trung Quốc thường dựa trên các tàu hàng hải dân sự để thực hiện chiến lược “cắt lát salami”, nhưng có thể kiểm soát các hoạt động của Bắc Kinh.

Philippines ngày 18-7 tuyên bố muốn tổ chức hội nghị giữa 4 nước với Việt Nam, Malaysia và Brunei trước hàng loạt hội nghị ASEAN tại Myanmar vào đầu tháng tới. Kyodo dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định, sáng kiến của Philippines là “mang tính xây dựng” để đi đến một lập trường chung về cách thức giải quyết những căng thẳng tại biển Đông.

Thật tốt khi Lầu Năm Góc cuối cùng dường như cũng nhận ra thực tế này. Tuần trước, một vài báo cáo trên tờ Financial Times cho biết, Bộ Quốc phòng đã diễn tập cách đối phó với chiến thuật “cắt lát salami”. Nhưng các giải pháp của Lầu Năm Góc dường như vẫn không đủ để răn đe mưu đồ chiếm trọn biển Đông của Trung Quốc. Các chiến thuật mới gồm sử dụng máy bay do thám và điều tàu hải quân tới gần các vùng biển có tranh chấp là để công bố công khai hình ảnh hoặc đoạn băng về các hoạt động hàng hải của Trung Quốc. Đó chính là những bằng chứng rõ ràng nhất tố cáo những hoạt động ngang nhiên của Bắc Kinh. Nhưng một số quan chức Mỹ cho rằng, Trung Quốc có thể được tạm dừng chiến lược của mình nếu các hình ảnh họ quấy rối tàu Việt Nam hay Philippines được công bố rộng rãi.

Thách thức đối với quân đội Mỹ là tìm ra chiến thuật răn đe chiến lược kiểu “tằm ăn lá dâu” này của Trung Quốc mà không leo thang bất cứ tranh chấp riêng lẻ nào thành xung đột quân sự. Washington biết Bắc Kinh đang làm gì, rằng những hành động của Trung Quốc là vi phạm luật quốc tế nhưng vẫn thật khó trong quyết tâm ngăn cản Trung Quốc thực hiện ý đồ này. Nói cách khác, Lầu Năm Góc hiểu rằng, để đối phó với Trung Quốc, họ cần phải tiếp tục tìm kiếm nhiều giải pháp tốt hơn.

Khả Anh