Năm học mới - giải bài toán cũ ( Bài cuối: Học 2 buổi/ngày - Vẫn còn là ước mơ)
Nhiều năm trở lại đây, TP Đà Nẵng dành nhiều sự quan tâm đối với ngành GD-ĐT, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng dạy-học, đáp ứng chủ trương 100% HS TH trên toàn TP được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, do số lượng HS hàng năm luôn tăng tịnh tiến, hệ thống trường lớp dù thường xuyên được đầu tư xây dựng mới nhưng vẫn chưa thể đuổi kịp; do đó, việc triển khai thực hiện chủ trương 100% HS TH trên toàn TP được học 2 buổi/ngày vẫn là chuyện của... ước mơ!
Công trình đầu tư xây dựng mới khối lớp học 4 tầng Trường TH Lê Quý Đôn dự kiến hoàn thành vào tháng 1-2020. |
Bao nhiêu cho đủ?
Theo số liệu do Sở GD-ĐT TP cung cấp, năm học mới này, toàn TP tăng hơn 6.000 HS ở hầu hết cấp học. Tuy nhiên, đây chỉ là con số thống kê chưa đầy đủ, bởi thực tế ở một vài địa phương dân cư luôn biến động nên đến thời điểm này chưa thể “chốt” số lượng HS chính thức ra lớp, nhất là HS đầu cấp học MN, TH. Năm học mới này, toàn ngành tăng 3 trường học, trong đó bậc MN tăng 2 trường, THCS tăng 1 trường. So với năm học trước, số trường học của năm học mới 2019-2020 tăng không nhiều. Tuy nhiên, bù lại đó, toàn ngành được đầu tư xây dựng nhiều phòng học mới, nâng nhiều tầng học. Tổng vốn đầu tư theo kế hoạch được giao cho toàn ngành GD-ĐT trong năm 2019 là 467,69 tỷ đồng, trong đó dự án mới 461,12 tỷ đồng, chuẩn bị đầu tư là 6,57 tỷ đồng.
Đi vào tình hình cụ thể, tại Q.Hải Châu, theo bà Trần Thị Thúy Hà- Trưởng Phòng GD-ĐT quận, để đáp ứng đủ cơ sở vật chất trường lớp cho năm học mới này, toàn quận có 31 công trình đã, đang được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách của TP, của quận và của ngành GD-ĐT. Trong số các công trình này, công trình đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường TH Lê Quý Đôn, TH Hùng Vương có thời gian thi công 6 tháng, công trình xây mới trường THCS Lý Tự Trọng thời gian thi công 1 năm. Theo đó, năm học mới 2019-2020, 3 trường này sẽ phải thuê địa điểm để tổ chức dạy học.
Tại địa bàn Q.Liên Chiểu, ngoài 5 tỷ đồng từ nguồn vốn do TP đầu tư để hoàn thiện cơ sở vật chất cho trường mới thành lập THCS Nguyễn Chơn (trên cơ sở tiếp nhận từ trường THCS Đỗ Đăng Tuyển thuộc Q.Thanh Khê từ 30-8-2018), UBND Q.Liên Chiểu cũng đã đầu tư thêm gần 2 tỷ đồng cho trường mới này để đầu tư mua sắm trang thiết bị, sẵn sàng đón HS vào nhập học. Ở gói thầu do Sở GD-ĐT TP đầu tư, xây dựng lớp học cho 3 trường MN trên địa bàn quận để tiếp nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi theo Đề án thí điểm. Song song đó, nhiều công trình đang được TP, quận đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng cơ sở điểm trường lẻ...
Tương tự, H.Hòa Vang được đầu tư 23 công trình xây mới hoàn toàn với tổng vốn 105 tỷ đồng từ các nguồn của ngân sách TP, UBND huyện và chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, xây mới 54 phòng học, 8 phòng chức năng, 2 khu hiệu bộ, và 41 phòng bộ môn. Bà Phạm Hồ Quỳnh Trang- Trưởng Phòng GD-ĐT H.Hòa Vang- cho biết, phần lớn các công trình này đã hoàn thành, một số công trình đơn vị thi công cam kết đến 30-8 sẽ hoàn tất. Riêng trường TH Đỗ Thúc Tịnh sẽ hoàn thành ngày 15-9 (do công trình xây mới nên không ảnh hưởng đến việc bố trí dạy-học của nhà trường). Ngoài ra, trên địa bàn toàn huyện có 15 công trình được đầu tư sửa chữa từ nguồn vốn sự nghiệp của ngành GD-ĐT với tổng kinh phí 3,1 tỷ đồng.
Ngoài các công trình do Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư, trong năm học mới này, Q.Ngũ Hành Sơn có 7 công trình do UBND quận làm chủ đầu tư với tổng số phòng học được xây mới là 22 phòng học cho các trường TH Phạm Hồng Thái, Trần Quang Diệu, Nguyễn Duy Trinh, nâng tầng 3 khối lớp học trường TH Lê Bá Trinh, cải tạo, sửa chữa nền, sàn nhà, mái Trường MN Bạch Dương.
Dù số lượng phòng học, lớp học được xây dựng mới để phục vụ cho năm học mới của hầu hết các quận, huyện đều được cam kết sẽ bàn giao theo đúng tiến độ, tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, vẫn còn một số quận chưa thể đảm bảo 100% HS TH được học 2 buổi/ngày...
Công trình xây dựng một số hạng mục ở Trường TH Trần Văn Ơn được đầu tư xây dựng với thời gian thi công 6 tháng. (ảnh chụp ngày 21-8) |
Tiếp tục “lỗi hẹn” học 2 buổi/ngày
Đây là năm học thứ 5 ngành GD-ĐT Q.Liên Chiểu tiếp tục “lỗi hẹn” với phụ huynh HS bậc TH khi không thể đạt con số 100% HS ở bậc học này được học 2 buổi/ngày như chủ trương mà TP đã đề ra từ năm học 2015-2016. Tính đến thời điểm 31-7, số HS đăng ký nhập học đầu cấp trên địa bàn toàn quận này đã tăng trên 2.000 em. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng đến khi chính thức bước vào năm học mới. Với tình hình HS tăng tịnh tiến như hiện nay, bà Lữ Thị Kim Hoa - Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Liên Chiểu - cho biết, Liên Chiểu dự kiến chỉ đạt trên dưới 79% HS TH được học 2 buổi/ngày trong năm học này. “Để đảm bảo 100% HS bậc TH trên địa bàn Q.Liên Chiểu được học 2 buổi/ngày, vấn đề bức thiết là cần phải thành lập thêm 2 trường TH gồm một trường ở P.Hòa Minh và 1 trường ở P.Hòa Khánh Bắc. Ngoài ra, tại địa bàn P.Hòa Khánh Bắc cũng cần xây dựng thêm 1 trường THCS, vì hiện tại các trường THCS trên địa bàn này đã quá tải HS”- bà Lữ Thị Kim Hoa chia sẻ.
Ngay như Q.Hải Châu, mặc dù đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhiều phòng học mới, tiếp tục giải pháp nâng tầng ở các trường TH có diện tích không tương xứng với sĩ số HS, nhưng năm học mới này, vẫn có 2 trường không đảm bảo 100% HS TH được học 2 buổi/ngày. Đó là trường TH Trần Văn Ơn, toàn khối lớp 5 không học bán trú. Trường TH Hùng Vương do thi công công trình nên trong HKI không tổ chức bán trú cho HS toàn cấp.
Với đặc thù ngành GD-ĐT, nếu trường học nào được đầu tư xây dựng thêm phòng học mới hoặc nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ cho năm học tiếp theo thì thời gian để triển khai việc xây dựng tính ra chưa đến 3 tháng hè. Trong khi đó, để được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học phải trải qua rất nhiều quy trình, thủ tục phức tạp, phụ thuộc nhiều vào ngân sách được phân bổ hằng năm.v.v. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho ngành GD-ĐT trước thềm năm học mới.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học mới do Bộ GD-ĐT tổ chức trực tuyến tại 63 điểm cầu đầu tháng 8 vừa qua, trong nhiều nội dung chỉ đạo, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt lưu tâm các địa phương cần quan tâm, ưu tiên dành quỹ đất cho GD-ĐT. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có một số địa phương chưa thực sự quan tâm dành quỹ đất cho GD-ĐT, nhất là quỹ đất xây dựng các trường MN trong các KCN, KCX. Trong khi đó, đầu tư cho GD-ĐT chính là đầu tư lâu dài cho tương lai của mỗi quốc gia, mỗi đất nước!
P.Thủy