Nâm Nung chuyển mình

Thứ năm, 18/02/2016 10:21

(Cadn.com.vn) - Những ngày cuối năm 2015, chúng tôi có dịp về thăm lại xã anh hùng Nâm Nung(H.Krông Nô, Đắc Nông). Xe lướt bon bon trên những con đường rải nhựa êm ái phẳng lì, hai bên mướt mờ những vườn cà-phê bát ngát xanh rì đang trổ những đợt bông trắng xóa báo hiệu một mùa xuân mới đang về với bon, làng với Đảng với vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ... Cách trung tâm H. Krông Nô khoảng 15km về phía đông nam, xã Nâm Nung hiện ra trước mắt với bao đổi thay so với những năm trước chúng tôi ghé thăm. Đón chúng tôi, ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch xã Nâm Nung khoe: "Khác xưa lắm rồi các đồng chí ạ, đồng bào giờ đây đã có cuộc sống no ấm, sung túc hơn trước nhiều lắm, nhà nhà đều sắm sửa tiện nghi phục vụ cuộc sống. Trước đây không có xe đạp mà đi, giờ xe gắn máy nhan nhản, thậm chí đồng bào còn có cả xe hơi nữa đấy...".

Những dãy nhà mới xây mọc san sát nhau tại xã Nâm Nung anh hùng.

 Xã Nâm Nung có 1.636 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 90%, cơ sở vật chất, điện, đường, trường trạm đã được nhà nước chú trọng đầu tư. Hiện nay, toàn xã đã có đường rải nhựa đến tận các thôn, bon.  100% hộ gia đình có điện sử dụng. Các điểm trường được xây dựng khang trang. Y tế được chú trọng, có bác sĩ túc trực để khám chữa bệnh tại chỗ kịp thời cho đồng bào... Chính sự phát triển nhanh chóng của hệ thống cơ sở vật chất, đã mang đến đời sống đồng bào ngày càng thay da đổi thịt, thu nhập từ đó được cải thiện đáng kể (năm 2010  thu nhập bình quân chỉ đạt 5-7 triệu đồng/người/năm, năm 2015 đạt 25 triệu đồng/người/năm).

Đến thăm nhà già làng Y Thy (Bon Ja Rá, xã Nâm Nung), đã gần 80 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn, quắc thước như ngày nào. Già Y Thy hồ hởi: "Già ưng cái bụng lắm, nay già đã có tivi to để xem phim, xem thời sự biết ở ngoài bắc mùa này có tuyết rơi luôn đấy, nay bà con cơm đã đủ no, đã có áo ấm, áo đẹp để mặc mỗi khi tết đến, nhà nào cũng có xe máy đi lại không còn vất vả đi bộ, hay lọc cọc trên những chiếc xe đạp cũ kĩ nữa, thôn, bon bây giờ đã thay da đổi thịt rồi cán bộ à...". Già Y Thy bảo,  đi bộ đội năm 1959, đánh biết bao nhiêu trận già không còn nhớ nổi, chỉ nhớ ngày ấy cuộc sống cực khổ, cơm không có ăn, phải hái măng, lá rừng ăn tạm qua ngày, phải ở sâu mãi trong rừng. Ở chốn rừng thiêng nước độc, bệnh sốt rét hoành hành, biết bao đồng đội đã ngã xuống, mãi chôn vùi tuổi thanh xuân giữa chốn rừng núi hoang vu... Giờ đây nhìn buôn làng đổi mới, đồng bào ấm no hạnh phúc, con em được đi học hành tử tế, già Thy đã mãn nguyện vô cùng. Xã Nam Nung anh hùng đã đón một năm mới trong sự ấm no, tràn đầy...

Trường Giang