Năm văn hóa văn minh đô thị: Quyết không “đánh trống bỏ dùi”!
(Cadn.com.vn) - Ngày 8-4, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ chủ trì Hội nghị sơ kết quý I thực hiện Chỉ thị 43 của Thành ủy về “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” và triển khai kế hoạch nhiệm vụ trong thời gian đến. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Nguyễn Xuân Anh, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, các đồng chí trong Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan...
Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ phát biểu kết luận tại Hội nghị. |
Chuyển biến rõ rệt
Theo báo cáo của Tổ Liên ngành 43 về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm về lĩnh vực liên quan đến văn hóa, văn minh đô thị trong quý I-2015 triển khai thực hiện Năm văn hóa, văn minh đô thị, tình hình trật tự mỹ quan đô thị, trật tự xã hội, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực.
Cụ thể, các cơ quan chức năng đã tháo gỡ, tẩy xóa hơn 80.000 mẫu quảng cáo rao vặt, cắt 178 số điện thoại quảng cáo, rao vặt trái phép; nhắc nhở 506 trường hợp có hành vi chèo kéo khách, phát hiện và xử lý 18 lần tịch thu tang vật; xử lý 112 trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lề đường để kinh doanh, giữ xe trái phép; khắc phục tình trạng buôn bán trước cổng Bệnh viện Đà Nẵng, tình trạng để rác nhếch nhác tại khu vực sân vận động Chi Lăng; xử lý các điểm nóng về môi trường như âu thuyền Thọ Quang, hồ Thạc Gián; tháo dỡ mái che, lều bạt trên các tuyến đường trọng điểm như Trần Phú, Bạch Đằng, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh; tạo các mảng xanh trên vỉa hè tại 44 tuyến đường; sắp xếp, chỉnh trang và ngầm hóa cáp thông tin tại 11 đoạn, tuyến đường...
Riêng đối với lực lượng CATP, Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng cho biết: Thực hiện “Năm văn hóa văn minh đô thị”, CATP tăng cường kiểm tra kiểm soát nhằm đảm bảo an ninh, trật tự đô thị. Trong quý I-2015, CATP lập biên bản 12.651 trường hợp vi phạm về trật tự ATGT, trong đó có gần 6.200 xe ô-tô đã ra quyết định xử phạt chuyển kho bạc 6,3 tỷ đồng, tạm giữ 71 ô-tô, 324 mô-tô, tước giấy phép 1.302 trường hợp, thông báo đến các cơ quan đơn vị địa phương 1.470 trường hợp vi phạm để nhắc nhở, răn đe... Bên cạnh đó, CATP đã tăng cường lực lượng xuống hỗ trợ các địa phương, các địa bàn trọng điểm để đảm bảo an toàn trật tự giao thông...
Theo nhiều ý kiến tại Hội nghị, mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc và lúng túng trong xử lý các hành vi vi phạm. Theo Sở LĐ-TB&XH, trường hợp xin ăn, xin ăn biến tướng chủ yếu là đẩy đuổi, nhưng đuổi từ nơi này, họ lại sang nơi khác.
Trong khi đó, trước thực trạng xe máy kéo xe bò, xe cũ nát chở hoa quả lưu thông trên một số tuyến đường gây mất trật tự ATGT, tình trạng lấn chiếm vỉa hè kinh doanh thì đa số là người lao động nghèo, nếu tạm giữ phương tiện, tước giấy phép thì khác nào tước đi nguồn sống, nguồn sinh hoạt và bị phản ứng. Đại tá Nguyễn Văn Chính đề nghị các địa phương có chính sách hỗ trợ các đối tượng này.
Tương tự, về hành vi vi phạm quảng cáo rao vặt, đến nay dừng ở việc ra quân tẩy, xóa, Sở TT&TT chỉ cắt số điện thoại di động mà vẫn chưa thể xử lý người cầm đầu hành vi này. Các hành vi lấn chiếm vỉa hè, vi phạm về môi trường chưa xử phạt mạnh tay... Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho hay, biết rằng xử phạt là va chạm nhiều thứ lắm. Nhưng phải làm mạnh tay. “Tại sao không nghiên cứu, tìm giải pháp? Chúng ta cần linh hoạt trong xử lý. Cái nào không có trong quy chế, có thể tự tạo ra quy định phù hợp với thành phố. Chúng ta phải làm quyết liệt, tạo ra điểm khác biệt mới ra năm văn hóa văn minh đô thị” - Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ nói.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu trong quý II các đơn vị phải tăng số lượng vụ xử phạt gấp rưỡi so với quý I đối với các hành vi vi phạm, nhằm răn đe, tiến tới chấm dứt từng vụ việc, nhóm hành vi cụ thể. Đối với hành vi quảng cáo rao vặt, ngoài việc cắt số điện thoại, Sở VH-TT&DL mời một số đơn vị có liên quan nghiên cứu để xử phạt, phải làm cho bằng được.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Phải làm thường xuyên
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh Năm văn hóa văn minh đô thị còn quá nhiều việc để làm và đề nghị các cấp, ngành liên quan tập trung vào một số nhiệm vụ chính: xử lý tận gốc các vi phạm, tiến tới chấm dứt 3 nhóm hành vi chính; giao Sở TN&MT nghiên cứu dứt điểm khâu xử lý các khu trung chuyển rác, thu gom rác; yêu cầu các quận, huyện nhanh chóng lập dự trù kinh phí hoạt động cho Năm văn hóa, văn minh đô thị để thành phố duyệt.
Theo Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, để đô thị Đà Nẵng phát triển bền vững, thành phố tiếp tục dồn sức để tạo sự chuyển biến rõ rệt, khu vực nào đã làm được thì giữ gìn và phát huy, phải làm thường xuyên xuyên suốt, làm tận gốc, không đánh trống bỏ dùi, nếu không trật tự đô thị lại quay lại như cũ. Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cũng cho biết thêm, đích thân ông sẽ trực tiếp kiểm tra, chấn chỉnh một số vấn đề nóng mà người dân gửi email, như khai thác khoáng sản, hiện tượng mua cát lậu, khai thác các mỏ đá, nước thải khu công nghiệp ảnh hưởng sức khỏe của người dân.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí đánh giá thực hiện Năm văn hóa, văn minh đô thị bước đầu có những kết quả nhất định nhờ sự quyết tâm vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị. Công tác tuyên truyền cũng được thực hiện sâu rộng đến tầng lớp nhân dân, sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, báo chí đã phản ánh nhiều vấn đề văn hóa, văn minh đô thị.
Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế, yếu kém, lúng túng trong xử lý, làm theo kiểu chữa cháy, chắp vá, chưa chuyên nghiệp; hình thức, nội dung tuyên truyền đơn điệu. Công tác tuyên truyền cũng mới dừng lại trong cán bộ, công chức viên chức là chính. Trong khi đó, mục đích mà Chỉ thị 43 hướng tới là tập trung các đối tượng xã hội.
Theo đồng chí Võ Công Trí, chúng ta nỗ lực, quyết tâm xây dựng một thành phố văn hóa, văn minh, thân thiện, sạch đẹp và sống tốt thì trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, làm sao để cán bộ, người dân nhận thức được trách nhiệm của mình để xây dựng thành phố văn hóa, văn minh, sạch đẹp, không dừng lại ở việc hưởng ứng, thực hiện chủ trương Năm văn hóa, văn minh đô thị.
Bên cạnh đó, việc thực hiện 7 nội dung và 3 nhóm hành vi cần thực hiện quyết liệt hơn, đồng bộ hơn; củng cố những cái đạt được và thể chế hóa những cái còn lúng túng; tập trung vấn đề quản lý trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, xử lý các hành vi trọng điểm. Cần lưu tâm trong thời gian tới là công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng với quận, huyện; phải dốc sức thực hiện Chỉ thị 43 với một tinh thần trách nhiệm cao nhất cũng như nâng cao năng lực quản lý.
Xuân Đương