Nan giải bài toán môi trường đô thị

Thứ năm, 08/10/2015 11:15

* KỲ 1:  LÀNG “DỰ ÁN TREO” VÀ Ô NHIỄM…

(Cadn.com.vn) - Môi trường-hai từ ấy luôn là vấn đề nóng bỏng với bất cứ đô thị nào trên cả nước, và Đà Nẵng cũng không ngoại lệ. Nếu quan tâm theo dõi, hầu như mỗi kỳ họp HĐND thành phố, vấn đề môi trường luôn được đưa ra, từ hiện trạng thực tế, đến tìm giải pháp khắc phục, trên toàn thành phố luôn có hàng chục cái gọi là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường... nào là cống rãnh tắc nghẽn, rác thải không được thu gom, ngập úng mỗi khi mưa... Có những điểm nóng chỉ là tức thời, được khắc phục ngay, nhưng có những điểm nóng kéo dài, dai dẳng, chính quyền và ngành chức năng đau đầu, tìm biện pháp giải quyết, nhưng vẫn không dứt điểm, thậm chí kéo dài từ năm này qua năm khác...

Rau màu của người dân tại thôn Trung Sơn bị ảnh hưởng do ô nhiễm nước thải.

Trong nghề làm báo, có lẽ buồn nhất là khi nhà báo đến một nơi nào đó, bị người ta thờ ơ, không quan tâm và xem là “chẳng có tác dụng gì”… Và điều đó đã xảy ra với chúng tôi, khi có mặt tại thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, Hòa Vang, TP Đà Nẵng vào một ngày cuối tháng 9-2015. Các cán bộ xã thì bảo: “Bây giờ người ta gọi thôn Trung Sơn là “làng du lịch”,  vì tuần nào, tháng nào cũng có khách, trong đó có cả phóng viên, nhà báo tới thôn…!”. Cái nỗi khổ của thôn này đã kéo dài gần cả chục năm, đó là thôn nằm trong “dự án treo” và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đã biết bao lần người dân kiến nghị, biết bao cuộc họp, rồi không biết bao nhiêu nhà báo lên tìm hiểu, quay phim, chụp ảnh, viết bài, nhưng “nỗi khổ” vẫn là nỗi khổ với bà con ở Trung Sơn...".

  Ông Thanh là người cẩn thận và rất có tâm với công việc chung của thôn,  giở từng văn bản, giấy tờ, vanh vách trình bày: Thôn Trung Sơn có 195 hộ với 658 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề nông, trên diện tích đất sản xuất hơn 14 ha. Từ năm 2004, toàn bộ diện tích đất của thôn  đã quy hoạch, nằm trong dự án KCN Hòa Khánh mở rộng giai đoạn 2, trên diện tích 100ha. Đến năm 2009, lại đổi thành dự án Nhà ở công nhân Khu đô thị liền kề KCN mở rộng. Toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn của người dân đã được kiểm định, áp giá, nhưng chưa nhận tiền đền bù.

Vậy nhưng, tính từ khi có dự án đến nay đã hơn 10 năm vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nhà cửa người dân xuống cấp không thể sửa chữa, cả thôn như nằm dưới đáy một lòng chảo, vì xung quanh các dự án khác đã đổ đất cao hơn khu vực thôn, mỗi khi mưa xuống là nước ngập trắng làng.  Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp không thể canh tác vì hệ thống thủy lợi đã bị lấp hoàn toàn. Đời sống của người dân Trung Sơn được ông Huỳnh Tri Bôn-Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên “chốt” ngắn gọn đầy biểu cảm: “Bà con  khổ lắm!”.  Ông Thanh đưa chúng tôi đi quanh thôn, một cảnh tượng hoang vắng, xác xơ đến chạnh lòng, nhà cửa xuống cấp, ruộng vườn bỏ hoang, công ăn việc làm không có, trong làng ban ngày chỉ còn người già và người mất sức lao động, còn tất cả tứ tán đi làm thuê, làm mướn…

Nước thải từ KCN Hòa Khánh đổ thẳng vào giữa thôn Trung Sơn.

Nỗi khổ thứ hai ở Trung Sơn cũng khủng khiếp không kém: Dòng kênh thoát nước thải của KCN Hòa Khánh chảy qua giữa thôn, để thoát ra sông Cu Đê là nỗi ám ảnh với người dân nơi đây.  Dòng nước đen ngòm, đặc sánh, bà Hà Kim Cúc, có nhà ở ngay sát đường kênh, khẳng định minh chứng đầy ấn tượng: “Trâu lội xuống vài ba bữa là thối loét chân, bò uống nước là ỉa chảy mà chết…còn người thì hãy tránh xa dòng nước này…”. Nhưng tránh xa làm sao được, khi nó chảy ở giữa thôn, ngày nắng, dòng kênh bốc mùi hôi thối nồng nặc khắp làng, ngày mưa, nước kênh dâng tràn vào từng  ngõ ngách mỗi gia đình…Ông Thanh và bà Cúc đều cho biết, dòng nước thải ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, ruộng đất bỏ hoang không thể trồng cấy hoa màu vì không có nước, đến cây rau cũng không thể trồng vì ô nhiễm từ nước thải. Trong thôn, đầu năm 2015 có hai người chết vì bệnh ung thư, vậy là rộ lên tin đồn, do bị ô nhiễm môi trường từ nước thải của KCN mà  gây bệnh, chính quyền và ngành chức năng thành phố đã tới kiểm tra, lấy mẫu nước, đất đi xét nghiệm…

Ngày 14-4-2015, UBND TP Đà Nẵng đã có Kế hoạch về việc “Xử lý tình trạng xả trộm nước thải ra môi trường của các doanh nghiệp KCN Hòa Khánh….”, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành chức năng như Sở TN-MT, CS Môi trường, chính quyền địa phương…kiểm tra hệ thống thu gom nước mưa, nước thải KCN…phát hiện và xử lý nghiêm các doanh nghiệp xả trộm nước thải chưa qua xử lý nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải công nghiệp gây ra tại thôn Trung Sơn. Mới đây nhất, ngày 17-7-2015, UBND TP Đà Nẵng có Công văn gửi Sở TN-MT và một số địa phương về việc “triển khai thực hiện Báo cáo số 103/BC-BTT-MTTQ ngày 24-6-2015 của UBMTTQVN TP Đà Nẵng”, trong đó có nội dung, có biện pháp xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường thôn Trung Sơn, Hòa Liên. Tuy nhiên, người dân ở thôn Trung Sơn cho biết, việc xả nước thải chưa qua xử lý của một số doanh nghiệp tại KCN Hòa Khánh vẫn tái diễn, tình trạng  này thường xảy ra vào ban đêm các ngày thứ bảy, chủ nhật. Cho đến thời điểm hiện tại, tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải từ KCN Hòa Khánh vẫn chưa được xử lý triệt để tại thôn  Trung Sơn.

Người dân ở thôn Trung Sơn khẩn thiết đề nghị, chính quyền và ngành chức năng cần nhanh chóng xem xét, đẩy nhanh, triển khai công tác giải tỏa, đền bù, tái định cư cho nhân dân có cuộc sống ổn định. Xử lý nghiêm, triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải từ KCN gây ra tại khu vực thôn Trung Sơn và các địa phương lân cận.

Hồng Thanh
(còn nữa)