Nạn tảo hôn và bùng nổ dân số tại xã nghèo
(Cadn.com.vn) - Dù đói nghèo đeo bám nhưng nhiều gia đình tại xã Ea Kuêh (H. Cư Mgar, tỉnh Đắc Lắc) đều "thi nhau" sinh con đàn, cháu đống. Không chỉ thế, nạn tảo hôn tại địa phương này cũng là nỗi trăn trở khôn nguôi đối với các cơ quan chức năng. Ông Sằn A Mùi (1964, ngụ buôn Xê Đăng, xã Ea Kuêh), có tới 8 người con gái. Vợ A Mùi cho hay: "Con cái đông nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Vợ chồng làm lụng đủ thứ nghề vất vả nhưng vẫn không đủ cho các con ăn no, huống hồ là được đi học. Các cháu phải nghỉ học sớm để đi làm ăn kinh tế phụ giúp bố mẹ, tui lại bị bệnh tim, khổ lắm!".
Cách nhà A Mùi vài chục mét, gia đình ông Y Blong Kbua cũng có tới 5 cô con gái. Trong đó, cô con gái sinh năm 1999, chưa có chồng nhưng đã mang bầu và sinh một đứa con. Tương tự, hộ ông Pàn Văn Lành (1963) cũng có tới 7 đứa con. Y Danh, mới 30 tuổi nhưng đã là mẹ của 4 đứa con. Ông A Phát (1942, bố của Y Danh) cho biết: "Để lo cho đàn con, vợ chồng Y Danh phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Trong nhà chẳng có nỗi đồ vật gì đáng giá ngoài quần áo cũ. Vợ chồng tôi lớn tuổi, già yếu lại bị mù nên không thể làm gì phụ giúp con được"...
Con cái đông không chỉ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói nghèo "bền vững" của người dân buôn Xê Đăng mà còn khiến cho nhiều người không màng đến chuyện học hành. Ông Đức cho hay: "Buôn Xê Đăng có tổng cộng 96 hộ dân, với 434 nhân khẩu. Tuy nhiên, có tới 79 hộ nghèo và cận nghèo. Đáng lo ngại hơn, toàn buôn có tới 30 trường hợp mù chữ. Trong đó, có tới 15 trường hợp ở tuổi trung niên và vị thành niên".
4 đứa con của người mẹ 30 tuổi tại buôn Xê Đăng. Ảnh: T.T |
Nạn bùng nổ dân số không chỉ diễn ra tại buôn Xê Đăng mà còn hiện hữu rải rác ở một số thôn, buôn khác. Đó là trường hợp của gia đình chị H'Hương Niê và anh Y'Núc M'Yao (ngụ buôn Wing, xã Ea Kuêh) có tới 6 người con, trong đó có 2 đứa đã mất vì bệnh tật. Không chỉ khó khăn về kinh tế, con cái của vợ chồng người đồng bào này còn bệnh tật triền miên. Đứa con 6 tháng tuổi của vợ chồng chị H'Hương bị bệnh não úng thủy. Đứa kế út 5 tuổi đã sốt nhiều ngày không ăn cơm nhưng gia đình vẫn chăm sóc tại nhà vì không có điều kiện đưa đi bệnh viện. Đứa thứ 2 bị dị tật không thể cầm bút.
Thực trạng sinh con đông tại các thôn, buôn đặc biệt là buôn Xê Đăng đã khiến cho những người làm công tác quản lý tại xã Ea Kuêh không khỏi đau đầu, trăn trở. Trao đổi với P.V, ông Ngân Hoài Lu, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kuêh cho hay: "Trước nhiều biện pháp tuyên truyền của chính quyền địa phương, người dân trong xã ngày càng có ý thức chấp hành nghiêm và chỉ sinh đến con thứ 2. Tuy nhiên, chỉ riêng buôn Xê Đăng thì tình trạng sinh con đông không những không giảm còn diễn biến phức tạp. Là người quản lý, tôi đã quyết định lội bộ vào từng hộ gia đình của buôn để tìm nguyên nhân". Kết quả cho thấy, ngoài việc ý thức kém thì hầu hết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đều theo đạo nên không sử dụng các biện pháp tránh thai theo khoa học. "Quan niệm của họ là không được bỏ thai. Do đó, họ không sử dụng thuốc tránh thai, bao cao su, càng không phá thai mà chỉ tránh thai bằng cách tính ngày và làm theo cuốn sổ gia đình. Trước tình hình này, chúng tôi đã liên hệ để gặp gỡ người đứng đầu giáo dân trong buôn. Vị này cũng không khỏi lo ngại trước tình trạng dân số trong buôn ngày càng tăng lên chóng mặt. Tuy nhiên, cho đến nay, ý thức của người dân trong buôn về hệ lụy sinh con đông còn khá mờ mịt" - ông Ngân Hoài Lu chỉ rõ.
Cùng với việc bùng nổ dân số, nạn tảo hôn trên địa bàn xã Ea Kuêh cũng khiến cho các nhà chức trách mất ăn, mất ngủ. Từ đầu năm 2016 đến nay, xã phát hiện tới 6 trường hợp kết hôn không đủ tuổi. Trong đó, có những trường hợp lập gia đình khi chỉ mới 15-16 tuổi. Tại buôn Xê Đăng, năm 2015 có tới 4-5 trường hợp kết hôn dưới tuổi 18. Năm 2016, buôn này có 2 trường hợp tảo hôn. Có những trường hợp gia đình quá khó khăn không có điều kiện tổ chức đám cưới nhưng vẫn "sống chết" lấy nhau cho bằng được. Ông Ngân Hoài Lu phân trần: "Tình trạng kết hôn và mang thai khi chưa đủ tuổi, sinh con đông trên địa bàn xã Ea Kuêh xảy ra chủ yếu ở bộ phận người dân tộc thiểu số. Những trường hợp kết hôn không đủ tuổi đều không đến chính quyền địa phương làm thủ tục đăng ký mà âm thầm tổ chức đám cưới tại hai bên gia đình. Khi chúng tôi phát hiện, vào ngăn cản thì họ xin lỗi nhưng rồi đâu lại vào đấy".
Thơ Trịnh