Nâng cao vị thế
(Cadn.com.vn) - Hôm nay, Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) chính thức khai mạc ở Thủ đô Hà Nội, do Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đăng cai tổ chức. Đây được xem là sự kiện đối ngoại lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cách đây gần 10 năm, cũng tại Thủ đô Hà Nội, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai một hội nghị tầm cỡ: Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 14 (APEC – 14) với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế, đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình hội nhập, phát triển. Tiếp đó, năm 2010, Việt Nam đăng cai thành công Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 16 (ASEAN – 16) và các hội nghị liên quan, với sự tham gia của tất cả lãnh đạo các nước ASEAN và nhiều đối tác lớn, như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc.
Có thể nhận thấy, từ sau APEC – 14 năm 2006 và ASEAN – 16 năm 2010 trở đi, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế đã được chú ý quan tâm, chia sẻ, ủng hộ nhiều hơn, mạnh mẽ hơn; những thông điệp các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát đi ngày càng có những phản hồi tích cực. Điều đó một mặt khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Việt Nam, mặt khác cho thấy khả năng thực sự của Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề của nhân loại, vai trò, vị thế đang lên của Việt Nam trong cộng đồng nhân loại. Giờ đây, IPU-132, với sự tham gia của 160 đoàn quốc tế, hứa hẹn thành công tốt đẹp, sẽ một lần nữa chứng minh điều đó.
Trong buổi họp báo quốc tế đầu tiên trước thềm Đại hội đồng IPU-132 và các hội nghị liên quan, ông Saber Chowdhury, Chủ tịch IPU nhấn mạnh: Việt Nam đã đạt đến hình mẫu qua công tác tổ chức Đại hội đồng IPU-132. Ông Saber Chowdhury cho rằng, đây là một sự kiện bước ngoặt lớn, thể hiện sự đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với sự phát triển chung của IPU và tạo ra mô hình mẫu cho các nước trên thế giới trong việc tăng cường hợp tác giữa chính phủ và quốc hội.
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury khẳng định: Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng trên thế giới và được cộng đồng quốc tế ghi nhận về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Những nội dung do Ban tổ chức Đại hội đồng IPU-132 đưa ra rất phong phú và thiết thực vì đã “chạm” đến những vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là bình đẳng giới, an ninh mạng, phát triển bền vững, tăng cường hợp tác giữa các nghị viện, giữa nghị viện với chính phủ và quan trọng nhất là việc thực thi, giám sát thực thi các văn kiện, thỏa thuận đạt được...
Cũng cần nhấn mạnh rằng, IPU – 132 và các sự kiện quốc tế lớn khác còn là cơ hội quý giá để Việt Nam giới thiệu, quảng bá đất nước, con người, nền văn hóa, thành tựu phát triển... với cộng đồng nhân loại. Đây là kênh quảng bá hiệu quả hơn tất thảy mọi phương tiện, như ông bà ta hay nói “trăm nghe không bằng một thấy”. Ở một khía cạnh hẹp hơn, các sự kiện như thế chứng tỏ một cách thuyết phục cho thế giới biết, cơ sở hạ tầng, dịch vụ của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất, đủ sức đăng cai, tổ chức các sự kiện tầm cỡ - không phải ngẫu nhiên, các thành viên APEC thống nhất cho Việt Nam đăng cai Hội nghị Cấp cao vào năm 2017, dù nếu luân phiên thì phải đến năm 2027 Việt Nam mới đăng cai.
IPU – 132 chỉ diễn ra trong khoảng thời gian tương đối ngắn, từ 28-3 đến 1-4, nhưng sự chuẩn bị của Việt Nam là cả một quá trình dài; tất cả điều đó chắc chắn sẽ được bạn bè quốc tế ghi nhận. Quan trọng hơn, tất cả sự chuẩn bị, xét theo khía cạnh nào đó, chính là sự chuẩn bị cho Việt Nam trong một công việc vô cùng quan trọng, đó là: Nâng cao vị thế quốc gia, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nguyễn Văn Hiếu