Nặng lòng với trẻ em bất hạnh
Có một người phụ nữ quốc tịch Úc nhưng lại trót đem lòng yêu Hội An (Quảng Nam) từ lần ghé thăm đầu tiên. Suốt 15 năm qua, người phụ nữ ấy vẫn nguyên vẹn một tình yêu với thành phố cổ, đặc biệt với trẻ em bất hạnh nơi đây.
Bà Maire (đứng giữa) cùng tình nguyện viên luôn đồng hành cùng các em nhỏ kém may mắn. |
“Yêu Hội An từ cái nhìn đầu tiên”
Một ngày giữa tháng 7, chúng tôi có dịp ghé thăm ngôi trường mang tên Hearing and Beyond in Vietnam “Educating Deaf and Hard of Hearing Children”. Nơi đây nhận nuôi dạy hàng chục trẻ em khiếm thính. Chủ nhân của ngôi trường là bà Maire McCainn (65 tuổi, quốc tịch Úc). Thực ra, trước khi đến đây, chúng tôi đã nghe kể nhiều về câu chuyện của bà Maire, về tình yêu đặc biệt của bà dành cho Hội An, cho con trẻ. Dù vậy, chúng tôi cũng chưa thể hình dung được rằng, người phụ nữ đã đi qua quá nửa đời người ấy lại xem Hội An như hơi thở, xem những đứa trẻ kém may mắn nơi đây như một phần không thể thiếu của cuộc đời mình.
Dáng người cao ráo, mái đầu bạc trắng cùng giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp, bà Maire gây ấn tượng với chúng tôi từ cái nhìn đầu tiên. Chưa kịp mở đầu câu chuyện, dường như bà Maire đã đọc được suy nghĩ của chúng tôi. Bà nhẹ nhàng kể: “Cũng cái ấn tượng ấy từ ngày tôi lần đầu tiên đặt chân đến Hội An đã khiến tôi quyết định chọn nơi đây là quê hương thứ hai của cuộc đời mình. Hội An nhẹ nhàng, quyến rũ, an bình đã “mê hoặc” tôi từ cái nhìn đầu tiên. Tôi yêu nơi đây hơn tất thảy mọi thứ trên đời”. Quả thật, khi trò chuyện với bà Maire mới thấu hết tình yêu ấy của bà sâu đến nhường nào. Không chỉ yêu Hội An theo cách thông thường, bà Maire đã chọn gắn bó và đã có rất nhiều cống hiến đáng biểu dương cho quê hương thứ hai này.
Bà Maire kể thêm, năm 2006, khi lần đầu tiên đến Hội An, bà tham gia cùng đoàn trong chuyến làm tình nguyện viên y tế. Bà Maire cũng thú thật rằng, dù trên danh nghĩa lần đó bà đi làm tình nguyện nhưng với cá nhân bà có thể xem là để “chạy trốn” nỗi đau sau ly hôn. “Duyên kia đứt thì duyên khác lại đến. Lần đi ấy đã “se duyên” giữa tôi và Hội An để bây giờ nhìn lại, tôi vẫn thấy lựa chọn gắn bó với nơi này là một trong những quyết định sáng suốt nhất của cuộc đời mình”, bà Maire thổ lộ.
Câu chuyện đẹp giữa lòng phố Hội
Cũng tại Hội An, với tấm lòng nhân hậu của mình, bà Maire quyết định hỗ trợ cho trẻ em khiếm thính. Bà Maire nhìn nhận, trẻ em khiếm thính dù không thể nghe và nói được nhưng tư duy, trí não của chúng hoàn toàn bình thường. Ở các nước phương Tây, nhiều trẻ em có hoàn cảnh tương tự như thế đã vươn lên chiến thắng số phận và giúp ích cho mình, cho đời.
Để bắt đầu công việc thiện nguyện này, bà Maire đã xây dựng ngôi trường mang tên Hearing and Beyond in Vietnam “Educating Deaf and Hard of Hearing Children”. Tất cả những gì bà có đều dành tặng cho trẻ em bất hạnh nơi đây. Bà Maire kể rằng, những ngày đầu, khi biết bà nhận nuôi dạy, chăm sóc những trẻ em khiếm thính, nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con được đến trường. Với tình yêu dành cho con trẻ, bà đã không thể từ chối một trường hợp nào. Thế là, mười mấy năm qua, bà và các nhân viên của trường đã nhận nuôi dạy hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn. Tại đây, các em được học tập, vui chơi và đào tạo nghề.
Để có kinh phí duy trì mọi hoạt động, bà Maire rút hết số tiền bà tiết kiệm nhiều năm qua. Không đủ, thỉnh thoảng bà lại quay trở về Úc làm việc để kiếm thêm tiền, đồng thời kêu gọi bạn bè của bà chung tay đóng góp. “Nhiều lúc kinh phí cạn dần, đã tính đến việc sẽ đóng cửa trường nhưng rồi nghĩ về việc các con đang chờ mình, tôi không đủ can đảm làm điều đó. Với tôi, giờ niềm vui duy nhất là được nhìn thấy các con được học hành, vui chơi và lớn lên từng ngày nên khó mấy tôi cũng cố gắng xoay xở”, bà Maire trải lòng.
Khi trường phát triển, số lượng trẻ em đăng ký nhập học ngày một đông, bà Maire cũng đã thuê thêm người phụ giúp. Bà Maire biết rằng, với đồng lương ít ỏi bà trả cho các cô giáo là không đủ họ trang trải cuộc sống sinh hoạt thường ngày nhưng các cô vẫn tình nguyện bám trụ cùng bà, vì họ và bà có chung một tình yêu với trẻ kém may mắn.
Chị Đồng Thị Như Liên, người trực tiếp quản lý trường mỗi khi bà Maire vắng mặt cho hay, đến với trường nhiều em nhỏ đã có những tiến bộ mỗi ngày. Nơi đây nhận nuôi dạy cho các em độ tuổi từ cấp 1 đến cấp 2. Ngoài học tập, vui chơi, các em cũng có thể tham gia học thêm các nghề như: thợ mộc, thợ may, hội họa…, tùy vào sở thích mỗi em. “Với trẻ em khiếm thính, chúng có một thế giới riêng. Chỉ cần chúng ta “chạm” vào được thế giới của mỗi em thì việc hướng các em phát triển khả năng bản thân cũng dễ dàng hơn. Nhiều em nhỏ khi đến với trường không làm chủ được hành vi của mình nhưng qua thời gian ngắn đã có những sự tiến triển rõ rệt. Các phụ huynh cũng tỏ rõ sự yên tâm khi gửi các con vào trường”, chị Liên cho biết.
Nói về bà Maire, chị Liên bộc bạch: “Không có ai tuyệt vời như bà Maire. Dù không máu mủ ruột rà cũng chẳng có gốc gác, họ hàng gì tại Hội An nhưng bà luôn coi những đứa trẻ ở đây như con cái và Hội An như nơi chôn nhau cắt rốn của bà. Có thể, mọi người thấy, bà Maire là người tằn tiện trong chi tiêu cá nhân nhưng với bọn trẻ bà rất thoáng. Bà không phải là người giàu có về tiền bạc nhưng trái tim bà luôn giàu tình yêu với bọn trẻ và với cuộc sống này”.
Hiện, dịch COVID-19 bùng phát khiến bà Maire không thể trở về Úc làm việc kiếm tiền duy trì các hoạt động thiện nguyện tại Hội An. Tuy vậy, bà Maire vui vì có những người bạn thân ở xa vẫn luôn dõi theo và đồng hành cùng bà trước mọi khó khăn, trở ngại. Trước khi chia tay, chúng tôi có hỏi bà về dự định quay về Úc thăm gia đình, bạn bè khi dịch bệnh được kiểm soát, bà Maire cười đáp: “Có. Nhưng trước khi về bên đó tôi đã định sẵn ngày quay trở lại Hội An rồi!”.
Thành Danh