Nên rút ngắn thời gian nghỉ thai sản và tăng chế độ chính sách cho lao động nữ

Thứ ba, 06/10/2015 09:06

(Cadn.com.vn) - Chiều 5-10, gần 200 cán bộ phụ nữ các cấp; đại diện các hiệp hội nữ doanh nhân, trí thức, phụ nữ LLVT, đại diện các tầng lớp phụ nữ TP Đà Nẵng tham dự buổi tiếp xúc cử tri (TXCT) chuyên đề tại Hội LHPN TP do  bà Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách (Đoàn ĐBQH  TP) và bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP đồng chủ trì. Buổi TXCT tập trung vào 2 nội dung chính: lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em (sửa đổi) dự định sẽ đưa ra trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 cuối năm nay và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên phụ nữ. Góp ý vào dự thảo Luật, ý kiến đa số các đại biểu (ĐB) cho rằng tên của dự thảo Luật quá dài, đề nghị tên gọi là Luật Trẻ em.

Về độ tuổi trẻ em, một số ĐB thống nhất với đề xuất của dự thảo Luật, nâng độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi vì hiện nay Việt Nam đang ngày hội nhập quốc tế cao, nâng độ tuổi trẻ em sẽ phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, phù hợp với quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013, tuy nhiên cần có chế tài cụ thể đối với trẻ em phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều ĐB khác lại đề nghị mức tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi vì lo ngại, việc nâng độ tuổi trẻ em sẽ làm thay đổi nhiều bộ luật liên quan khác, đặc biệt sẽ làm gia tăng tỉ lệ người trẻ phạm tội.

Các đại biểu nữ đóng góp ý kiến và trình bày tâm tư, nguyện vọng.

Bà Hà Thị Minh Phượng (Hội Nữ trí thức TP) đề nghị Quốc hội nên xây dựng dự thảo Luật Phụ nữ vì hiện nay phụ nữ chiếm hơn 50% dân số và cần có cơ quan quản lý Nhà nước về phụ nữ, về bình đẳng giới độc lập để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác phụ nữ. Bà Lê Thị Phượng (Hội Phụ nữ H. Hòa Vang) phản ánh việc làm thủ tục cho làm con nuôi hiện nay còn vướng vì theo quy định của văn bản luật hiện hành thì người mẹ phải trực tiếp cho làm con nuôi mới hợp lệ, trong khi có trường hợp người mẹ bỏ đi khi đứa trẻ còn nhỏ, người thân không thể làm thủ tục cho đứa trẻ làm con nuôi, mà nuôi dưỡng thì không có khả năng, vì vậy khi gửi vào các trung tâm thì họ chỉ nhận nuôi tạm. Bà Phượng cũng đề nghị Quốc hội có văn bản yêu cầu các cơ quan đảm bảo tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy và lãnh đạo, quản lý các cấp và nên cơ cấu phụ nữ vào những vị trí phù hợp để họ có thể phát huy tốt khả năng chứ không phải cơ cấu cho có.

ĐB Phạm Hoa Lê (Liên đoàn Lao động TP) đề nghị Quốc hội có ý kiến với cơ quan quản lý Nhà nước cho ứng trước chế độ BHXH, sau đó sẽ truy thu lại của doanh nghiệp vì hiện nay, trong các khu công nghiệp, tỉ lệ nữ chiếm hơn 70%, trong đó hơn 78% trong độ tuổi sinh đẻ. Tình trạng nợ đọng BHXH đã gây thiệt hại trực tiếp cho công nhân lao động nói chung, lao động nữ nói riêng. Bà Lê cũng đề nghị thành phố sớm triển khai các dự án nhà ở cho công nhân và các công trình phụ trợ. Bà Hồ Thị Bích Hường (Hiệp hội nữ doanh nhân) kiến nghị việc lao động nữ nghỉ thai sản 6 tháng như luật hiện hành là khó khăn cho một số doanh nghiệp, nên chăng rút ngắn thời gian nghỉ và tăng cường chế độ cho chị em và có chế độ khuyến khích các chị em đủ điều kiện có thể đi làm sớm nhưng vẫn được bảo đảm chính sách xã hội về thai sản...

K.T