Nét đẹp từ những việc làm bình dị

Thứ hai, 27/02/2017 10:15

(Cadn.com.vn) - Tưởng chừng là những việc làm nhỏ nhưng lại tạo ra sức lan tỏa rất lớn. Qua những câu chuyện rất đời thường của tuổi trẻ CAQ Hải Châu (TP Đà Nẵng) càng thấy rõ hơn tinh thần “vì nhân dân phục vụ”.

Đại úy Nguyễn Văn Phước - Đội phó CSGT CAQ Hải Châu (TP Đà Nẵng) mở đầu câu chuyện diễn ra vào đêm mồng 2 Tết Đinh Dậu: Lúc ấy, khoảng 23 giờ, anh làm Tổ trưởng tổ tuần tra kiểm soát phòng chống đua xe và đảm bảo TTATGT trên địa bàn cùng Thượng úy Lê Phan Hoàng Vũ, Thiếu úy Phạm Trung Hiền và Thượng sĩ Nguyễn Hùng Quân. Khi Tổ công tác tuần tra đến khu vực đường 2-9 thì phát hiện một đôi nam nữ đi trên xe máy rất chậm, người đàn ông có biểu hiện đã sử dụng rượu bia. Trên tay chị phụ nữ phía sau có bồng theo một cháu nhỏ đang ngủ. Thời tiết lúc này đang rất lạnh nên tổ công tác bàn nhau giúp đỡ cặp vợ chồng này. Ngay khi vừa ra tín hiệu dừng xe, người đàn ông điều khiển xe máy rối rít xin lỗi và thừa nhận đã có sử dụng một chút bia do trước đó có đi chúc Tết bạn bè. Thấy vậy, tổ công tác liền giải thích là không phải yêu cầu dừng xe để xử phạt mà là để hỏi thăm tình hình.

Sau khi biết đây là hai vợ chồng và đang thuê nhà tại khu vực gần Bệnh viện Phụ sản- Nhi, Đại úy Phước nói rõ ý định sẽ chở chị vợ và cháu bé về nhà bằng ô-tô công vụ nhằm đảm bảo an toàn, còn anh chồng dẫn đường. Ban đầu cặp vợ chồng này từ chối vì sợ làm phiền nhưng Đại úy Phước lập tức giải thích: “Chúng tôi làm việc này không phải vì chị mà là vì cháu nhỏ. Anh chị cứ yên tâm để chúng tôi đưa về”... Thấy được sự chân thành và nhiệt tình của các chiến sĩ, người chồng đồng ý, để vợ và con lên ô-tô còn anh dẫn đường. Khi đưa họ về đến nhà, Đại úy Phước cũng không quên dặn dò chăm sóc cho cháu bé và lời chúc mừng năm mới...

Sau khi được Đại úy Phước giải thích, vị khách Trung Quốc cảm ơn và thực hiện việc đội MBH.

Câu chuyện của Đại úy Phước chưa dừng lại ở đó. Anh hóm hỉnh kể tiếp: Trước đó, khoảng 15 giờ cùng ngày mồng 2 Tết, khi tổ tuần tra làm nhiệm vụ trên tuyến đường Bạch Đằng thì bắt gặp một cặp vợ chồng người Trung Quốc đang đi xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm nên ra tín hiệu dừng xe. Lúc này, cặp vợ chồng này không hiểu chuyện gì nên “xổ” ra một tràng tiếng Trung. Thấy vậy, Đại úy Phước liền hỏi người đàn ông có biết tiếng Anh không thì anh này bảo có. Vậy là Đại úy Phước giải thích cho họ theo quy định của pháp luật Việt Nam, khi tham gia giao thông bằng mô-tô, xe máy thì bắt buộc phải đội MBH. Mặt khác, đây là xe thuê nên chắc chắn chủ xe đã để sẵn MBH trong cốp xe... Nghe vậy, người đàn ông liền mở cốp xe ra thì đúng là có một chiếc MBH trong đó. Thấy vậy, vị khách nam rối rít xin lỗi rồi lấy MBH đội. Tuy nhiên chị vợ lại không có mũ nên Đại úy Phước tiếp tục giải thích và hỏi địa điểm họ muốn đến. Nghe vậy, người phụ nữ nhờ tổ công tác gọi giúp một chiếc taxi để đưa đến cầu Trần Thị Lý, còn người đàn ông thì điều khiển xe máy chạy phía sau. Trước khi đi cả hai du khách không quên cảm ơn tổ công tác.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều câu chuyện mà tôi được nghe các CBCS CAQ Hải Châu kể về trong quá trình công tác. Những câu chuyện bình dị đó không quá đổi lớn lao, nhưng mỗi lần nghe đều có những cảm xúc khác nhau. Điều đáng biểu dương là những việc làm giản dị này được toàn CAQ Hải Châu nói chung và tuổi trẻ CAQ nói riêng nhân rộng. Trong năm 2017 này, các Chi đoàn trực thuộc còn đăng ký nhiều mô hình như: “cùng em đến trường”, “thanh niên đảm bảo TTATGT, đảm bảo ANTT”, “nồi cháo tình thương”, “tặng xe lăn cho người khuyết tật”, “thắp sáng tương lai trao quà cho trẻ em ở Bệnh viện Ung bướu”... Trong thực tế, sẽ còn có rất nhiều câu chuyện bình dị nhưng đầy cảm động khác. Tất cả đó cũng cần phải được chia sẻ, nhân rộng để những việc làm tử tế ngày càng nhiều hơn, giúp cho xã hội ngày càng văn minh, tốt đẹp hơn.

Nguyễn Tuấn