Nếu Mỹ hủy bỏ thỏa thuận Iran!

Thứ bảy, 30/09/2017 09:48

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những tuyên bố rất cứng rắn về thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran tại phiên họp Đại hội đồng LHQ vừa qua, làm dấy lên tin cho rằng, ông có ý định kéo Mỹ ra khỏi thỏa thuận này trước thời hạn chót vào giữa tháng 10 tới.

Bên trong một lò phản ứng hạt nhân của Iran. Hình ảnh được công bố trước khi các bên ký kết thỏa thuận hạt nhân lịch sử.     Ảnh: CBS

Ông chủ Nhà Trắng sẽ tái  kiểm định thỏa thuận hạt  nhân lịch sử giữa các cường quốc P5+1 với Iran vào ngày 15-10 tới theo lịch trình 3 tháng một lần.

Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Trump sẽ không tuyên bố xác nhận lại thỏa thuận này, động thái có thể kích hoạt việc Mỹ rút khỏi hiệp định hợp tác quốc tế này, để lại những hậu quả sâu xa đối với quan hệ Mỹ-Iran, sự ổn định ở Trung Đông, và các thị trường toàn cầu.

Mỹ muốn dồn Iran “vào chân tường”

Các chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân hàng đầu đã đưa ra một tuyên bố chung cho rằng, thỏa thuận hạt nhân lịch sử này “đã chứng minh tính hiệu quả và có thể kiểm chứng các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân         quốc tế”.

Nhưng Tổng thống Trump đã gọi đây là “thỏa thuận đáng hổ thẹn nhất” của Mỹ từ trước đến nay và trước đó luôn nói rằng, đó là một trong những “thỏa thuận tồi tệ nhất” mà ông từng nhìn thấy. Ông đã kiểm định lại thỏa thuận này vài tháng trước, nhưng đã ám chỉ sẽ sớm ra quyết định hủy bỏ nó. Ông cho rằng, Iran đã vi phạm thỏa thuận, mặc dù Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IEAE), cơ quan giám sát chính thức về hạt nhân cho biết, Tehran đã tuân thủ.

Đe dọa của ông Trump thật sự rất đáng lo ngại. Trên thực tế, tờ New York Times cho biết, ông Trump đã giao nhiệm vụ cho các trợ lý tìm ra lý do để tuyên bố rằng, quốc gia Hồi giáo đang vi phạm các điều khoản của thỏa thuận. Rõ ràng, Tổng thống Trump đang cố gắng tìm một lý do để hủy bỏ thỏa thuận, mặc dù thiếu bằng chứng về việc Iran không tuân thủ. Gần đây nhất, ông Trump đã tố cáo các hành động thử tên lửa của Iran cũng như cáo buộc nước này hỗ trợ khủng bố, những vụ việc không liên quan gì đến thỏa thuận hạt nhân.

Dù ông Trump dường như ưu tiên mục đích loại bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran và tỏ ra cứng rắn với quốc gia này, việc ông đơn phương thổi phồng vấn đề này là vô cùng nguy hiểm. Các đồng minh Châu Âu của Mỹ sẽ có xu hướng chống lại Iran với nỗ lực trở lại xu hướng đối đầu với Tehran. “Chúng ta đã có một cuộc khủng hoảng hạt nhân tiềm tàng (khủng hoảng Triều Tiên). Và chúng ta chắc chắn không cần phải liều mình vào một cuộc khủng hoảng thứ hai”, Đại diện Cao cấp về Các Vấn đề Đối ngoại của EU nói với các phóng viên tại LHQ. Tồi tệ hơn, động thái này có thể làm suy yếu các hệ thống giám sát hoạt động hạt nhân của Iran, và chắc chắn sẽ khiến quốc gia này tiếp tục nỗ lực chạy đua sản xuất vũ khí hạt nhân.

Những hậu quả khó lường

Vấn đề đối với ông Trump là đánh giá quá cao những gì Mỹ có thể tự làm. Các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran là nhằm hạn chế khả năng bán dầu của Iran. Kết quả của sự phối hợp đó là giảm đáng kể xuất khẩu dầu của Iran - động thái làm tổn hại nghiêm trọng nền kinh tế và buộc nước này phải ngồi vào bàn đàm phán.

Tuy nhiên, Mỹ có thể sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng khi hạn chế xuất khẩu dầu của Iran. Và trên tất cả, việc rút khỏi thỏa thuận về cơ bản sẽ khiến cho bất kỳ giải pháp ngoại giao nào nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên là bất khả thi. Triều Tiên sẽ đặt câu hỏi, tại sao họ lại phải ký một thỏa thuận hạt nhân nếu Mỹ không thể giải quyết một cách hợp lý thỏa thuận mà Washhington chỉ mới ký kết 2 năm trước. Các thị trường dầu mỏ sẽ bùng nổ khi ông Trump phá vỡ thỏa thuận hạt nhân trong khi Iran “không hề lo lắng” về khả năng xuất khẩu dầu của họ.

Iran hiện sản xuất khoảng 3,8 triệu thùng mỗi ngày và xuất khẩu khoảng 2,2 triệu thùng mỗi ngày. Khoảng 60% đến Châu Á trong khi 40% đến Châu Âu. Trước khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ vào đầu năm 2016, xuất khẩu dầu thô của Iran đã giảm xuống mức kỷ lục khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày. Nhưng Mỹ sẽ không có khả năng gây ra một mức thiệt hại tương tự cho Iran khi gỡ bỏ thỏa thuận hạt nhân. “Toàn Châu Âu sẽ không tuân theo chính  sách của Mỹ”, ông Khoshrou nhận định.

KHẢ ANH