Nga bác tin đồn đưa vũ khí hạt nhân vào không gian

Thứ năm, 22/02/2024 16:21
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã bác tin cho rằng Moscow có thể triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian, nói rằng Moscow luôn phản đối hành động này.

Lập trường của chúng ta rất rõ ràng và minh bạch: chúng ta luôn kiên quyết phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu về thông tin trên trong một cuộc họp ngày 20-2 tại Moscow. Tổng thống Nga tiếp tục: "Chúng ta kêu gọi không chỉ tuân thủ tất cả các thỏa thuận tồn tại trong lĩnh vực này, mà còn đề nghị tăng cường hợp tác nhiều lần". Ông Putin cho biết các hoạt động trong không gian của Nga không khác biệt so với các nước khác, trong đó có Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cũng lên tiếng về những tin đồn từ Mỹ. "Nga chưa triển khai và không có ý định triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian. Nga không có kế hoạch đó", ông Shoigu nhấn mạnh.

Theo kênh Al Jazeera, tuyên bố của ông Putin được đưa ra sau khi Nhà Trắng vào tuần trước nói rằng Nga đã có khả năng về vũ khí chống vệ tinh mặc dù loại vũ khí đó vẫn chưa hoạt động. Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói rằng điều đó sẽ khiến Nga vi phạm Hiệp ước Vũ trụ quốc tế, nhưng từ chối bình luận về việc liệu vũ khí này có khả năng hạt nhân hay không. Hiệp ước Vũ trụ được hơn 130 quốc gia ký kết, trong đó có cả Nga. Hiệp ước này cấm triển khai vũ khí hạt nhân hoặc loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nào khác trên quỹ đạo, cấm bố trí vũ khí trên vũ trụ dưới bất kỳ hình thức nào khác. Nhà Trắng cho biết họ sẽ tìm cách trao đổi trực tiếp với Nga về những lo ngại này.

Trước đó, một nguồn tin nói với hãng tin Reuters rằng, Mỹ đã thông báo với Quốc hội nước này và các đồng minh châu Âu tin tình báo mới liên quan đến hoạt động hạt nhân của Nga và những nỗ lực phát triển vũ khí trong không gian. Tuy nhiên, nguồn tin này nói thêm, vũ khí mới của Nga không gây ra mối đe dọa khẩn cấp nào cho Mỹ. Giới phân tích theo dõi các chương trình không gian của Nga cho biết mối đe dọa trong không gian đó có thể không phải là đầu đạn hạt nhân, mà là một thiết bị năng lượng cao, cần năng lượng hạt nhân để thực hiện một loạt cuộc tấn công chống lại vệ tinh. Chúng có thể bao gồm thiết bị gây nhiễu tín hiệu, vũ khí có thể làm mù cảm biến hình ảnh hoặc xung điện từ (EMP) đốt cháy tất cả các thiết bị điện tử của vệ tinh trong một vùng quỹ đạo nhất định. Một báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ năm 2023 cho biết, Nga đang phát triển một loạt vũ khí được thiết kế để nhắm vào các vệ tinh riêng lẻ và cũng có thể đang phát triển "các hệ thống sử dụng năng lượng cao hơn nhắm vào các vệ tinh".

Điện Kremlin bác bỏ cảnh báo của Mỹ về vũ khí hạt nhân mới của Moscow trong không gian, gọi đó là "sự bịa đặt ác ý". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết cảnh báo của Washington rõ ràng là nỗ lực nhằm thuyết phục Quốc hội chi thêm ngân sách chống Nga. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu cho rằng Nhà Trắng có thể đưa ra cáo buộc về năng lực không gian mới của Nga để buộc Quốc hội Mỹ đồng ý viện trợ cho Ukraine. Ngoài ra, mục đích của Mỹ cũng là thúc đẩy Nga tham gia lại các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân mà Nga đã đình chỉ trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ liên quan vấn đề Ukraine.

Ông Putin không loại trừ khả năng liên lạc trong tương lai với Mỹ, nhưng tái khẳng định quan điểm của ông rằng việc Mỹ muốn Nga bị đánh bại ở Ukraine khiến cho kịch bản như vậy hiện nay là không thể. Ông nói: "Mỹ và phương Tây một mặt đang kêu gọi đánh bại Nga về mặt chiến lược, mặt khác, họ muốn có một cuộc đối thoại về ổn định chiến lược, giả vờ rằng những điều đó không có liên quan đến nhau. Điều này sẽ không có tác dụng".

AN BÌNH