Nga đưa ra liều thuốc thử cho Georgia và Phương Tây?
(Cadn.com.vn) - Sau một thời gian lắng dịu, những bất đồng giữa Nga và Georgia lại bùng phát mạnh mẽ trong những ngày gần đây. Khởi đầu là ngày 16-4, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Tổng thống V. Putin đã chỉ thị cho chính phủ của ông thiết lập quan hệ gần gũi hơn với các khu vực Abkhazia và Nam Ossetia ly khai ở Georgia. Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga viết: “Chính phủ Nga đã được chỉ thị hợp tác với các chính quyền trên thực tế ở Abkhazia và Nam Ossetia, kể cả việc tổ chức hợp tác về thương mại và kinh tế, xã hội và khoa học”.
Ngay lập tức, Ngoại trưởng Georgia David Bakradze nói: “Đây là một nỗ lực nhằm hợp pháp hóa việc thôn tính hai khu vực của Georgia. Việc này trái với mọi điều luật quốc tế. Georgia sẽ sử dụng mọi công cụ chính trị, ngoại giao và pháp lý để ngăn chặn tiến trình này, một tiến trình sẽ gây mất ổn định tình hình tại khu vực”. Ngày 18-4, cả Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đều lên tiếng lo ngại về quyết định của Nga tăng cường hợp tác với các khu vực lý khai Abkhazia và Nam Ossetia của Georgia. Slovakia, nước đang giữ chức Chủ tịch EU, thông báo rằng, khối này “hết sức lo ngại” về quyết định của Nga tăng cường quan hệ với Abkhazia và Nam Ossetia trên các lĩnh vực thương mại, kinh tế, dịch vụ xã hội, văn hóa và giáo dục mà không có sự đồng ý của chính phủ Georgia. Thông báo nhấn mạnh: “EU kêu gọi Liên bang Nga không thực hiện quyết định này”.
![]() |
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Georgia Mikhail Saakashvili, |
Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice cũng tuyên bố “hết sức lo ngại” về những căng thẳng giữa Nga và Georgia liên quan đến quyết định trên của Moscow đồng thời nói rằng bà đã gọi điện thoại cho người đồng cấp Nga Sergei Lavrov để bàn về vấn đề này. Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski đã cử một “đoàn đại biểu đặc biệt” sang Georgia để bàn cách “phối hợp hành động nhằm ủng hộ Georgia” bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trong bối cảnh Nga vừa quyết định “nâng cấp” quan hệ với hai vùng lãnh thổ đòi ly khai khỏi Georgia là Abkhazia và Nam Ossetia. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ukraine ra tuyên bố bày tỏ sự lo ngại về chỉ thị ngày 16-4 của Tổng thống Nga V. Putin đối với chính phủ nước này nhằm tăng cường quan hệ với Abkhazia và Nam Ossetia.
Cũng như tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng, hành động mới nhất của Moscow “trái với quy chế Liên bang Nga là nhà trung gian” tham gia giải quyết xung đột giữa Georgia với Abkhazia và Nam Ossetia. Đặc biệt, ngày 21-4, Tổng thống Georgia Mikhail Saakashvili cáo buộc Nga có hành động gây hấn với nước ông và đã gọi điện cho Tổng thống Nga V. Putin để yêu cầu Moscow ngừng “các cuộc tấn công gây hấn”. Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Saakashvili nói: “Hôm nay, tôi đã nói chuyện với Tổng thống LB Nga V. Putin. Đây là một cuộc nói chuyện không dễ dàng. Tôi đã thẳng thừng yêu cầu vị nguyên thủ quốc gia Nga phải ngừng các cuộc tấn công gây hấn trên lãnh thổ Georgia ngay lập tức”.
![]() |
Máy bay MIG-29 của Nga. |
Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết trong cuộc điện đàm trên, Tổng thống Putin đã bày tỏ lo ngại trước sự hiện diện của máy bay do thám không người lái của Georgia tại một “khu vực xung đột”. Tuyên bố của Điện Kremlin nêu rõ: “Trong khi xem xét sự vụ liên quan đến chiếc máy bay không người lái của Georgia, Tổng thống V.Putin đã bày tỏ sự bối rối trước việc phía Georgia đang tổ chức các chuyến bay quân sự qua khu vực xung đột”. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Georgia đã triệu đại sứ Nga tại nước này để phản đối vụ việc mà Tbilisi cho là một máy bay chiến đấu Nga đã bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Georgia hôm 20-4. Phát biểu với các nhà báo, Thứ trưởng Ngoại giao Georgia Grigol Vashadze chỉ rõ:
“Ngày 20-4-2008, Liên bang Nga đã có hành động gây hấn với Georgia. Vào 9 giờ 53 (giờ địa phương), một máy bay MiG-29 của Nga đã cất cánh từ căn cứ quân sự Gudauta (ở Abkhazia) bị chiếm đóng trái phép và bắn hạ một chiếc máy bay không người lái của Bộ Nội vụ Georgia. Lúc 10 giờ 6, chiếc máy bay này đã quay lại không phận Nga”. Trong một diễn biến liên quan, HĐBA LHQ ngày 21-4 thảo luận yêu cầu của Georgia đòi tổ chức một phiên họp đặc biệt về cuộc khủng hoảng mới nhất giữa Tbilisi và Moscow liên quan đến khu vực ly khai Abkhazia của Georgia.
Giới phân tích cho rằng, những động thái của Nga đối với khu vực Abkhazia và Nam Ossetia như một liều thuốc thử nhằm nhiều mục đích khác nhau. Trước hết là bày tỏ sự phản ứng của Nga trước việc Georgia đang xa rời các quan hệ truyền thống với Nga, nỗ lực hội nhập với phương Tây, nhất là gia nhập NATO. Đồng thời Nga cũng muốn tỏ rõ sự phản ứng của mình khi Mỹ và phương Tây công nhận nền độc lập Kosovo, mở rộng NATO về sát đường biên giới của Nga, lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu... Liều thuốc thử này có hiệu nghiệm đến đâu thì chúng ta còn phải chờ xem trong những ngày tới.
Lê Diệu Nguyên