Nga, Ukraine nỗ lực tháo ngòi nổ xung đột

Thứ sáu, 11/03/2022 19:29

Chiều 10-3 (theo giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã bắt đầu đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (giữa, bên trái) gặp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (giữa, bên phải), với việc Thổ Nhĩ Kỳ là trung gian đàm phán. Ảnh: Anadolu

Vẫn chưa đạt được lệnh ngừng bắn

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các quan chức ngoại giao hàng đầu của hai nước kể từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng tham dự cuộc gặp này. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov đánh giá cuộc gặp có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình đàm phán giữa Nga và Ukraine.

Sau đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba thừa nhận, cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov là "rất khó khăn" và hai bên không đạt được bất cứ thỏa thuận nào về lệnh ngừng bắn. Ông Kuleba cho biết, 2 nhà ngoại giao hàng đầu của 2 nước đã bàn về việc mở các hành lang nhân đạo và cơ chế ngừng bắn trong cuộc trao đổi. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine cho biết, hai bên không thể đạt được bất cứ thỏa thuận nào liên quan tới lệnh ngừng bắn. Ông Kuleba cũng thừa nhận việc đàm phán với ông Lavrov ở Thổ Nhĩ Kỳ là rất "khó khăn". Cụ thể, ông Kuleba nói rằng, ông đã nêu quan điểm về việc 2 bên sẽ thực hiện lệnh ngừng bắn kéo dài 24 giờ, nhưng không đạt được thỏa thuận với Nga "Dường như là có những người khác có quyền đưa quyết định trong vấn đề này ở Nga", ông nói, nhấn mạnh rằng việc cần làm hiện tại là "giải quyết vấn đề nhân đạo cấp bách nhất ở Ukraine".

Trong cuộc họp báo được tổ chức sau cuộc gặp với ông Kuleba, Ngoại trưởng Lavrov cho biết, hai bên không thống nhất được giải pháp nào thay thế cho các cuộc đàm phán Nga-Ukraine đã tổ chức 3 vòng tại Belarus. Ngoại trưởng Nga nói, Moscow muốn Ukraine trở thành quốc gia trung lập và Nga sẵn sàng thảo luận về việc đảm bảo an ninh liên quan tới vấn đề này. Ông Lavrov nói rằng, Nga muốn Ukraine trở thành một quốc gia thân thiện, từ bỏ các lệnh cấm với ngôn ngữ và văn hóa Nga. Ông Lavrov cho hay, Tổng thống Nga Vladimir Putin không bao giờ nói không với các cơ hội để tiếp xúc nhằm tháo gỡ căng thẳng, nhưng với điều kiện là những cuộc gặp đó không phải chỉ tổ chức "cho có".

Cần cuộc gặp cấp thượng đỉnh?

Ukraine và Nga đã tiến hành 3 vòng đàm phán nhằm tìm giải pháp hòa bình cho xung đột tại Ukraine nhưng chưa có nhiều tiến triển. Cho đến nay, phái đoàn 2 bên hiện mới chỉ nhất trí về việc mở hành lang nhân đạo để dân thường di tản khỏi vùng chiến sự. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện việc này tới nay được đánh giá là khá chậm, do 2 bên nhiều lần cáo buộc lẫn nhau là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên.

Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng cuộc xung đột hiện nay ở nước này chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại trực tiếp giữa ông và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Trả lời phỏng vấn tờ Bild của Đức, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh mục tiêu của ông trong bất kỳ cuộc đối thoại nào là chấm dứt xung đột. Ông khẳng định sẵn sàng đàm phán và thỏa hiệp, đồng thời hy vọng các bên liên quan cũng có quan điểm tương tự.

Tổng thống Zelensky đã kêu gọi tổ chức gặp mặt trực tiếp với người đồng cấp Putin, nhưng Kremlin tới nay vẫn chưa lên tiếng về vấn đề này. Cho đến nay, chưa có cuộc tiếp xúc nào giữa Tổng thống Zelensky và Tổng thống Nga Putin. Tuy nhiên, trong thông tin mới nhất, Reuters và Sputniknews cho biết Tổng thống Putin sẽ gặp người đồng cấp Ukraine Zelensky vào hôm nay (11-3). Theo kênh Telegram Pul Pervogo, hai nhà lãnh đạo này sẽ gặp nhau tại thủ đô Moscow.

KHẢ ANH

LHQ kêu gọi bảo đảm quyền lợi của dân Nga trước các lệnh trừng phạt

Người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric kêu gọi các biện pháp trừng phạt Nga không được phép gây tổn hại tới lợi ích của người dân nước này.

Tại họp báo, trả lời câu hỏi về khả năng các biện pháp trừng phạt Nga gây cản trở việc vận chuyển vaccine ngừa COVID-19, ông Dujarric nói: "Quan điểm của Liên hợp quốc là các biện pháp trừng phạt cần tránh gây tổn hại cho người dân". Trong một diễn biến liên quan, Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tài chính Sovereign Wealth Management, ông Gary Korolev, nhận định các nước châu Âu không thể áp đặt lệnh cấm hoàn toàn dầu mỏ và các sản phẩm năng lượng khác của Nga. Tuy nhiên, trong trường hợp thực hiện, biện pháp này sẽ chỉ kéo dài trong thời gian ngắn vì một động thái như vậy có thể gây tổn hại cho nền kinh tế các nước này.

Trong ngày, có thêm nhiều công ty đa quốc gia đã thông báo rút khỏi Nga. Hãng Nestle, Philip Morris và công ty sản xuất trò chơi điện tử Sony đã thêm tên mình vào danh sách này. Công ty sản xuất thuốc lá Philip Morris cho biết sẽ giảm quy mô sản xuất, trong khi Imperial Brands ngừng sản xuất và Tobacco Plc cho biết ngừng đầu tư tài chính, song vẫn duy trì hoạt động tại Nga. Trong khi đó, hãng Sony cho biết bộ phận trò chơi điện tử PlayStation sẽ không chuyển hàng tới Nga và ngừng các giao dịch tại Nga. Các tập đoàn kinh doanh khách sạn như Hilton Worldwide Holdings và Hyatt Hotels Corp cũng thông báo ngừng hoạt động tại Nga.

Ukraine mở 7 hành lang nhân đạo

Người Ukraine di tản qua biên giới Ukraine -Ba Lan ngày 5-3. Ảnh: Reuters

 

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk thông báo nước này mở 7 hành lang nhân đạo trong ngày 10-3 để người dân sơ tán khỏi các thành phố xảy ra chiến sự, trong đó có cảng biển Mariupol ở miền Nam.

Cùng ngày, Tỉnh trưởng tỉnh Sumy ở Đông Bắc Ukraine, ông Dmytro Zhyvytskyy, cho biết nhiều người đã bắt đầu rời khỏi thành phố Sumy qua "hành lang nhân đạo" sau một thỏa thuận ngừng bắn tại địa phương. Theo ông Zhyvytskyy, hàng nghìn đã rời khỏi Sumy trong tuần này theo thỏa thuận với Nga. Ngoài ra, người dân cũng đang rời khỏi các khu dân cư Krasnopillya và Trostyanets gần đó. Trong khi đó, Tỉnh trưởng Kiev Oleksiy Kuleba cho biết hơn 10.000 người đã sơ tán khỏi các làng mạc và thành phố quanh thủ đô Kiev trong ngày 9-3. Theo thống kê của Lực lượng bảo vệ biên giới Ba Lan, 1,43 triệu người từ Ukraine đã vào nước này kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào ngày 24-2. Tính riêng trong ngày 9-3, có 117.600 người đã vào Ba Lan.