Nga và Iran - Một liên minh không dễ dàng
(Cadn.com.vn) - Chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin đến Iran trong tuần này được Tehran chào đón nồng nhiệt. Cuộc gặp giữa ông Putin với nhà lãnh đạo tối cao, Ayatollah Khamenei được mô tả là "tốt nhất và quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử của nước Cộng hòa Hồi giáo".
Mặc dù chi tiết cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo vẫn chưa được công bố, các phương tiện truyền thông Iran cho rằng, điều quan trọng mà ông Putin muốn nói với ông Ayatollah là: "Không giống như người khác, chúng tôi không bao giờ đâm sau lưng đồng minh của mình".
Một liên minh...
Rõ ràng, đối với Tehran, việc tham gia vào các chiến dịch ở Syria là sự thay đổi lớn trong các hoạt động ở nước ngoài. Đây là hoạt động cứu trợ rất lớn sau mùa hè khó khăn mà Iran, Hezbollah và quân đội Syria nỗ lực để hỗ trợ Tổng thống Bashar Assad trên mặt đất. Với số binh sĩ Iran thiệt mạng tăng hàng tuần, quyết định tham gia vào cuộc xung đột của Tổng thống Putin rõ ràng là tin tốt cho Tehran và cho cả Syria.
Nhưng không phải tất cả người dân Iran đều cho rằng, một liên minh với Nga là ý tưởng tốt. Chuyến thăm của Tổng thống Putin khiến giới truyền thông nhắc nhở về những sự kiện hợp tác Iran-Nga không thành công gần đây. Đó là nhà máy hạt nhân mà Moscow xây dựng cho Tehran trong 20 năm qua. "Đáng lẽ ra nó phải hoạt động cách đây 10 năm, nhưng thậm chí hiện giờ nó vẫn chưa xong một nửa", một người dân nhắc lại việc Nga nhiều lần trì hoãn xây dựng nhà máy hạt nhân Bushehr. Đằng sau thái độ hoài nghi là lịch sử khó khăn Iran-Nga kéo dài hàng thế kỷ. Quốc gia Hồi giáo từng chiến đấu chống Nga và chịu thất bại cay đắng.
Tổng thống Putin (trái) tổ chức họp báo với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Ảnh: BBC |
...có thể kéo dài?
Nhiều người đặt câu hỏi, liệu với một lịch sử như vậy, liên minh Nga-Iran liệu có kéo dài?
Hiện giờ, rõ ràng, các nhà lãnh đạo Nga và Iran xem liên minh mới của họ là cơ hội tốt nhất để duy trì ảnh hưởng tại Syria nói riêng và trong khu vực nói chung. Nó xảy ra vào thời điểm căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia không có dấu hiệu thuyên giảm. Nỗ lực tiếp cận và cải thiện mối quan hệ với Saudi Arabia của Tổng thống Hassan Rouhani cho đến nay đã thất bại. Ngày càng có nhiều người Iran xem Saudi Arabia là "kẻ thù" vì Riyadh hỗ trợ nhóm cực đoan Hồi giáo IS và do đó là mối đe dọa trực tiếp đến Iran. Điều này khiến nhiều người Iran ca ngợi lực lượng Vệ binh cách mạng là những người hùng mạo hiểm cuộc sống để bảo vệ Iran và Trung Đông khỏi chủ nghĩa cực đoan của IS. Nhìn từ quan điểm này, Nga đến trợ giúp Iran vào đúng thời điểm, giúp Tehran trong cuộc chiến đơn độc chống lại những kẻ cực đoan đang di chuyển đến rất gần biên giới của mình. Và thực tế, sự can thiệp của Moscow đã dẫn đến một số thành công quân sự trên mặt đất của quân đội Syria.
Tuy nhiên, nhiều khả năng mối quan hệ của Nga với Iran trong những tháng tới sẽ gặp trục trặc. Tổng thống Putin đến Iran với lời hứa về những kế hoạch lớn trong việc hợp tác và đầu tư vào đa dạng các lĩnh vực, từ dầu mỏ và khí đốt đến xây dựng, phát điện và đường sắt. Tuy nhiên cả hai nước đều đang trải qua suy thoái kinh tế, để những lời hứa trên trở thành hiện thực vẫn còn là một câu hỏi.
An Bình
(Theo BBC)