Nga vượt qua “cú sốc kinh tế” đầu tiên

Thứ sáu, 20/05/2022 14:52
Hãng tin RT ngày 19-5 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov thừa nhận rằng, không dễ dàng để vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng với chính sách tài khóa và ngân sách đúng đắn, Moscow đã vượt qua cú sốc kinh tế này và duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính.
Đường ống "Sức mạnh của Siberia" dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc đã giúp Moscow rất nhiều trong cuộc chiến chống lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảnh: Bloomberg
Đường ống "Sức mạnh của Siberia" dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc đã giúp Moscow rất nhiều trong cuộc chiến chống lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảnh: Bloomberg

"Tôi tin rằng chúng ta đã vượt qua cú sốc đầu tiên mặc dù phương Tây vẫn chuẩn bị tung ra các gói trừng phạt khác nhằm vào Nga. Những lệnh trừng phạt đó sẽ rất khắc nghiệt nếu như chính phủ không có các biện pháp ứng phó thích hợp", Bộ trưởng Siluanov nói. Ông cho hay, chính phủ Nga đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm ổn định hệ thống tài chính, trong đó có việc loại bỏ những hạn chế vốn ban hành ban đầu nhằm đối phó khẩn cấp với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ông tin các chính sách tiền tệ, ngân sách hợp lý sẽ cho phép Nga tiếp tục đối phó với bất cứ lệnh trừng phạt nào mà Moscow phải đối mặt.

Bộ trưởng Siluanov cũng bác bỏ thông tin cho rằng Nga có nguy cơ vỡ nợ. Ông cho biết, Nga sẽ thanh toán các khoản nợ nước ngoài bằng đồng rúp nếu Mỹ chặn các phương án khác của Moscow. "Trừ khi phương Tây tìm cách ngăn chúng tôi trả nợ, chúng tôi chắc chắn sẽ không vỡ nợ, chúng tôi có tiền. Chúng tôi có thể trả các khoản nợ nước ngoài bằng đồng rúp trong trường hợp bất đắc dĩ nếu các định chế tài chính của phương Tây không hợp tác với chúng tôi", ông nói. Phương Tây dồn dập áp lệnh trừng phạt Nga sau khi nước này mở chiến dịch tấn công quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Các lệnh trừng phạt chủ yếu nhằm vào ngành năng lượng của Nga như dầu mỏ, khí đốt.

Đáp lại lệnh trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành sắc lệnh yêu cầu những quốc gia "không thân thiện" phải thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp, tuyên bố cắt nguồn cung cho bất cứ nước nào không đáp ứng yêu cầu này. Ông Putin cũng cho rằng, châu Âu sẽ tự làm tổn thương mình, thậm chí "tự sát về kinh tế" nếu trừng phạt ngành năng lượng của Nga bởi khi đó giá năng lượng sẽ tăng mạnh, lạm phát cũng lên cao.

Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt chưa từng có với Nga và cũng đang thảo luận gói trừng phạt thứ 6, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của nước này. Tuy nhiên, đến nay EU vẫn chưa tìm được tiếng nói chung do nhiều nước vẫn còn phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung từ Nga. Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên và khoảng 1/4 nguồn cung dầu cho EU. Theo giới chuyên gia, ít nhất trong vài năm tới, EU sẽ chưa thể tìm được nguồn cung thay thế hoàn toàn nguồn cung từ Moscow.

Có nhiều nhân tố khiến trừng phạt dồn dập của phương Tây không làm Nga sụp đổ. Trước hết là vị thế riêng có của Nga trên thị trường năng lượng, hàng hóa. Nga là nhà xuất khẩu ròng các mặt hàng dầu mỏ, khí đốt, xăng dầu thành phẩm, ngũ cốc cũng như một số nguyên, nhiên liệu chủ chốt cho đầu vào các ngành sản xuất, chế tạo. Nguồn thu từ xuất khẩu này giúp Nga có được nguồn lực tài chính ổn định. Cũng là gói trừng phạt đó nếu áp đặt vào một nước nhập khẩu ròng những sản phẩm này, nước bị cấm vận sẽ đối diện với nạn đói, giải trừ công nghiệp, bất ổn…

Nhân tố mang tính quyết định chính là việc Chính phủ Nga đã thực thi một loạt biện pháp kinh tế khẩn cấp để giữ giá đồng nội tệ. Sau thời điểm bị Mỹ và phương Tây áp cấm vận năm 2014, Nga đã bắt tay xây dựng “pháo đài kinh tế” đủ sức chống đỡ với trừng phạt từ bên ngoài. Nổi bật là kho dự trữ ngoại tệ lên đến 640 tỷ USD, được coi là công cụ quan trọng để ứng phó trước nguy cơ khủng hoảng.

Kế đến, Nga đã có những phản ứng tức thời trước đòn cấm vận của phương Tây. Ngân hàng Trung ương Nga đã nâng lãi suất lên 20%, ra quy định buộc các nhà xuất khẩu phải bán 80% ngoại tệ thu được cho nhà nước, hạn chế lượng ngoại tệ tối đa mà người dân được quyền rút xuống còn 10.000 USD. Bước đi này cùng với sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin buộc “khách hàng không thân thiện” phải thực hiện cơ chế thanh toán bằng đồng rúp đối với các hợp đồng mua khí đốt đều có tác dụng hỗ trợ đồng nội tệ, kiểm soát tốt thị trường tiền tệ trong nước.

KHẢ ANH