Ngăn chặn tình trạng học sinh đi xe máy đến trường

Thứ ba, 05/11/2019 17:00

Sáng 4-11, CAX Hòa Phong (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) kiểm tra, tạm giữ 44 xe máy các loại, trong đó có 5 xe trên 50 phân khối do học sinh Trường THPT Ông Ích Khiêm điều khiển đến trường và dựng bừa bãi trước sân nhà dân, xung quanh cổng trường ở thôn Cẩm Toại Trung (xã Hòa Phong).

CAX Hòa Phong tạm giữ nhiều xe máy của học sinh Trường THPT Ông Ích Khiêm dựng "liều" ở nhà dân.

Thiếu tá Võ Hữu Kiên - Trưởng CAX Hòa Phong cho biết, từ đầu năm học đến nay, địa phương đã 2 lần phối hợp với Đội Cảnh sát Giao thông CAH Hòa Vang, nhà trường tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cho học sinh về việc không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông; đồng thời, tổ chức cho hơn 60 hộ dân sống ven đường, gần trường cam kết không cho các em gửi nhờ xe nhằm góp phần hạn chế tai nạn, đảm bảo TTATGT.

Song, trong lúc cơ quan chức năng nỗ lực ngăn chặn tình trạng này thì nhiều học sinh cũng tìm đủ mọi cách di chuyển. 1 nam sinh học lớp 11 Trường THPT Ông Ích Khiêm thú nhận: "Nhà em ở xã Hòa Phú, đoạn đường đến trường hơn 7km nên phải đi xe máy mới kịp giờ vào lớp, khi chạy xe còn phải luồn lách qua các tuyến bê-tông kiệt hẻm, tránh lực lượng tuần tra. Còn chỗ để xe thì nhiều lắm, thấy sân nhà nào gần trường vắng người là dựng "liều", không được thì để ven đường hoặc khu vực có quán bán hàng"... Còn phía các bậc phụ huynh mỗi khi được cơ quan chức năng mời giải quyết việc vi phạm TTATGT của con em mình thì họ đưa ra rất nhiều lý do như nhà xa, bận công việc mưu sinh nên không thể trực tiếp đưa đón. Tuy nhiên, những lý do ấy đều không thuyết phục. Bởi không thể nhà xa hay bận việc mà để con vi phạm pháp luật, đó là chưa nói đến chuyện tai nạn trên đường đi có thể ập tới bất cứ lúc nào cho con em mình. Đành rằng chú trọng giáo dục pháp luật cho lứa tuổi học sinh là chuyện không thể thiếu, nhưng giải pháp cần thiết nhất hiện nay là các bậc phụ huynh cần phải ý thức việc chấp hành pháp luật, phải cứng rắn hơn nữa với bản thân con em mình trong việc giao xe cho con điều khiển đến trường.

Thiết nghĩ, để ngăn chặn hiệu quả việc học sinh đi xe máy đến trường, theo chúng tôi phải cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng; trong đó gia đình đóng vai trò quyết định. Việc làm đầu tiên là phải thay đổi nhận thức của phụ huynh học sinh, họ cần giáo dục con em mình không được đi xe máy đến trường, hình thành thói quen cho các em trong việc chấp hành pháp luật, tuyệt đối không bao biện, dung túng, tiếp tay cho các em vi phạm. Về phía nhà trường, cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn; phát động thi đua, đăng ký và quyết tâm thực hiện quy định không đi xe máy đến trường đối với mỗi học sinh. Mặt khác phát huy tốt vai trò của Đoàn trường, đội ngũ giáo viên để nhắc nhở, xử lý nghiêm học sinh sai phạm... Có thể nói, an toàn giao thông trong học đường phải xuất phát từ nhiều phía. Ngoài nhà trường thì trách nhiệm của các bậc phụ huynh là rất quan trọng. Khi ý thức, văn hóa giao thông được nâng cao thì những hình ảnh học sinh vi phạm sẽ không còn diễn ra.

VY HẬU