"Ngắt" tuyến xe buýt không trợ giá để "nối" tuyến cho xe trợ giá: Lợi cho... xe dù!
(Cadn.com.vn) - Sau khi Báo Công an TP Đà Nẵng đăng tải bài viết “Xe buýt Đà Nẵng – Tam Kỳ bức xúc với chủ trương “ngắt” tuyến” phản ánh chủ trương không cho các tuyến xe buýt liền kề vào nội thành, nhiều bạn đọc là hành khách cũng như các doanh nghiệp vận tải có xe buýt chạy tuyến Đà Nẵng – Quảng Nam đã tiếp tục chia sẻ ý kiến để mong thành phố xem xét lại chủ trương cũng như lộ trình thực hiện.
Không những gây khó khăn, phiền hà việc đi lại của người dân, nếu chủ trương “ngắt” tuyến thực hiện thì tình trạng xe dù vốn đang mọc như nấm sau mưa sẽ càng có cơ hội để phát triển.
Tuyến xe buýt liền kề Đà Nẵng – Tam Kỳ với 60 chuyến/ngày đang đối mặt với nhiều khó khăn nếu bị cấm vào nội thành. Ảnh: Công Khanh |
Có mới nới cũ?
Không chỉ 5 doanh nghiệp vận tải Đà Nẵng mà 2 doanh nghiệp khác tại Quảng Nam có xe buýt hoạt động trên tuyến này hàng chục năm qua cũng thể hiện sự bất ngờ và bức xúc khi biết được chủ trương theo Thông báo số 66/TB-VP của Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng. Hầu hết các đơn vị đều khẳng định rằng, sự ra đời và đi vào khai thác tuyến xe buýt liền kề (liền nhau giữa 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương) không trợ giá đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân từ những lúc còn khó khăn. Dù không được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách, nhưng các hợp tác xã vận tải vào thời điểm sau khi chia tách tỉnh đã huy động vốn để nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ. Rất nhiều thế hệ cán bộ, con em sinh viên, học sinh, người lao động của 2 địa phương đã gắn bó với những tuyến xe buýt này từ hàng chục năm qua.
Ông Hồ Tấn Ba - Giám đốc Hợp tác xã Vận tải và kinh doanh tổng hợp TP Tam Kỳ cho biết, khi nhận thấy cần thiết phải tái đầu tư, nâng cấp phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ, các đơn vị đã ngồi lại với nhau để vạch ra lộ trình thực hiện. Đang chuẩn bị bắt tay cho một chu kỳ mới thì xe buýt có trợ giá của Đà Nẵng ra đời, chưa hết ngạc nhiên thì sau cuộc họp, Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng có thông báo “Giao Sở GTVT thành phố làm việc với Sở GTVT tỉnh Quảng Nam thống nhất phương án điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt không trợ giá theo hướng không đi vào trung tâm thành phố” đồng thời “Nghiên cứu lộ trình một số tuyến xe buýt có trợ giá theo hướng tiếp cận vào trung tâm thành phố”. “Họ giống như có mới nới cũ, ưu ái cho loại hình này và ép loại hình kia. Các doanh nghiệp, hợp tác xã của cả Quảng Nam và Đà Nẵng đang hoạt động trên tuyến cảm thấy rất thiếu công bằng”, ông Ba nêu ý kiến.
Là một hành khách đi về thường xuyên trên các chuyến xe buýt Đà Nẵng – Tam Kỳ, chị Nguyễn Thị An (quê Duy Xuyên, buôn bán tại Đà Nẵng) cũng tỏ ra ngạc nhiên khi biết chủ trương “chia đôi” hành trình của hành khách bằng 2 loại hình xe buýt khác nhau. “Phiền phức quá, đi người không đã thấy rườm rà rồi, có thêm hành lý, hàng hóa nữa thì mệt nữa. Răng đang đi một chặng lại “xé” thành 2 chặng phiền ghê rứa”, chị An khó hiểu. Trong khi đó, em Hoàng Bảo Hân (quê Tam Kỳ, đang học tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) cũng cho rằng phân ra 2 chặng cho 2 loại hình xe buýt trên quãng đường 70km là bất tiện cho việc đi lại của người dân. “Chưa nói chuyện tiền nong lắt nhắt, việc “sang khách” như vậy chẳng hợp lý chút nào”, Hân phân tích.
Nếu chặng xe buýt bị chẻ làm 2, các loại hình xe dù sẽ có thêm cơ hội hoạt động. Trong ảnh: CSGT Cửa ô Hòa Phước xử lý một tài xế xe Innova 7 chỗ nhận hoạt động chở khách không phép tuyến Đà Nẵng – Tam Kỳ. |
Xe dù hưởng lợi!
Trong loạt bài “Xe dù lộng hành” mới đây, Báo Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh nhiều doanh nghiệp vận tải hoạt động đúng quy định của pháp luật đang lâm vào cảnh lao đao khi càng ngày càng có nhiều hình thức xe dù ra đời. Ngoài các xe Ford Transit hoạt động ngoài bến, quần thảo đón khách dọc đường Trường Chinh lên đến cầu vượt Hòa Cầm, gần đây loại xe dù 7 “chỗ gọi đâu đón đó” hiệu Innova, Fortuner... hoạt động trái phép với nhiều hình thức lách luật đã lấy đi một lượng khách đáng kể của các doanh nghiệp hoạt động trong bến. Các tài xế cũng như đại diện các đơn vị vận tải cho rằng, nếu chặng xe buýt Đà Nẵng – Tam Kỳ bị “ngắt” làm đôi, những phiền phức sẽ đổ lên đầu hành khách và chắc chắn họ sẽ chuyển qua đi xe dù với giá đắt hơn một tí nhưng được đón, trả tận nơi, đặt vé qua mạng, qua điện thoại. Lúc đó, xe buýt không trợ giá từ chỗ suy yếu sẽ đi đến... chết hẳn, xe dù nghiễm nhiên hưởng lợi, cơ quan chức năng lại thêm việc, thuế Nhà nước tiếp tục thất thoát. “Không chỉ gây khó khăn cho các đơn vị vận tải, bất tiện trong việc đi lại của nhân dân và du khách 2 địa phương, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của hàng trăm lao động mà chủ trương này nếu được thực hiện sẽ tạo điều kiện cho các loại hình kinh doanh bất hợp pháp phát triển. Từ đó sẽ làm mất trật tự vận tải trên địa bàn thành phố Đà Nẵng mà lâu nay lãnh đạo thành phố và các ngành chức năng đang ra sức gìn giữ”, đơn kiến nghị của các doanh nghiệp và Hiệp hội Vận tải ô-tô Đà Nẵng nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Đà Nẵng Đinh Văn Ba cho rằng, thành phố cần có chủ trương và lộ trình để các đơn vị vận tải tham gia hoạt động trên các tuyến xe buýt liền kề không trợ giá nâng cao chất lượng phương tiện và chất lượng dịch vụ theo quy định chung và quy định của thành phố. Không có sự phân biệt giữa xe buýt trợ giá và xe buýt không trợ giá. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các vi phạm một cách nghiêm minh, công bằng để hoạt động xe buýt Đà Nẵng ngày càng văn hóa, văn minh. Trong khi đó, lãnh đạo Sở GTVT Quảng Nam cũng cho hay, ngành chức năng sẽ tham mưu UBND tỉnh này có văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng về việc đề nghị lùi thời gian thực hiện điều chỉnh cũng như xây dựng lộ trình triển khai cho phù hợp chủ trương này để hài hòa quyền lợi cho các đơn vị vận tải.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Thanh Thuận – Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết, việc điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt không trợ giá đã có ý kiến chỉ đạo triển khai thực hiện và có trong quy hoạch được công bố công khai, các doanh nghiệp tham gia trên tuyến phải chủ động tổ chức kinh doanh cho phù hợp với quy hoạch chung của thành phố. Hiện nay, Sở GTVT Đà Nẵng đang phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất UBND thành phố cho phép thuê tư vấn để rà soát hiện trạng và đề xuất phương án điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt không trợ giá và mở mới các tuyến xe buýt có trợ giá, phối hợp với Sở GTVT Quảng Nam báo cáo lãnh đạo hai địa phương xem xét, quyết định trong năm 2017.
Đông A