Xe buýt Đà Nẵng - Tam Kỳ: Bức xúc với chủ trương “ngắt” tuyến
(Cadn.com.vn) - Trong những ngày qua, đội ngũ tài xế cũng như các doanh nghiệp vận tải có phương tiện phục vụ các tuyến xe buýt liền kề không trợ giá tuyến Đà Nẵng – Tam Kỳ hết sức bất ngờ và bức xúc với chủ trương “ngắt” tuyến để chia sẻ cho xe buýt có trợ giá. 7 đơn vị của Đà Nẵng và Quảng Nam đã có tờ trình gửi Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng nêu những vấn đề bất hợp lý, thiếu công bằng trong chủ trương này đồng thời đề nghị giữ nguyên lộ trình.
Không hợp lý, thiếu công bằng
Theo các đơn vị có phương tiện phục vụ các tuyến xe buýt liền kề không trợ giá tuyến Đà Nẵng – Tam Kỳ, sự thiếu công bằng được thể hiện tại cuộc họp rà soát tình hình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt được tổ chức vào ngày 14-2 vừa qua. Dù nội dung liên quan trực tiếp đến mình nhưng cả 7 đơn vị này đều không được mời tham dự, trong khi một đơn vị mới khác là Cty CP Công nghiệp Quảng An 1, đơn vị có tuyến xe buýt trợ giá lại có mặt. Ông Hồ Văn Tùng – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Vận tải Hải Vân cho hay: “Chúng tôi có phương tiện hoạt động đã 20 năm nay, giải quyết nhu cầu đi lại cho người dân từng đó thời gian nhưng không một ai được mời. Nhưng một đơn vị mới ra đời lại có mặt trong một cuộc họp mà chủ trương đưa ra có lợi cho họ. Như vậy là không công bằng, không khách quan”.
Đến ngày 27-2, Văn phòng UBND thành phố có thông báo kết luận về nội dung cuộc họp khiến 7 đơn vị có xe buýt hoạt động tuyến Đà Nẵng – Tam Kỳ hết sức bất ngờ. Theo đó, UBND thành phố “Giao Sở GTVT thành phố làm việc với Sở GTVT tỉnh Quảng Nam thống nhất phương án điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt không trợ giá theo hướng không đi vào trung tâm thành phố” đồng thời “Nghiên cứu lộ trình một số tuyến xe buýt có trợ giá theo hướng tiếp cận vào trung tâm thành phố”. Các đơn vị vận tải đều cho rằng, điểm mấu chốt nhất của chủ trương này chính là việc “ngắt” tuyến của xe không trợ giá, chỉ cho xuất phát và kết thúc ở bến xe phía Nam để “nối” tuyến cho xe có trợ giá là Quảng An 1. Tức là thay vì chạy vào nội thành như 20 năm nay thì các tuyến liền kề giữa Đà Nẵng và Quảng Nam chỉ được chạy đến đường Phạm Hùng, sau đó phải nhường lại cho Quảng An 1 chở khách vào nội thành.
Ông Đinh Văn Ba – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô-tô Đà Nẵng phân tích: Chủ trương điều chỉnh lộ trình này có sự phân biệt trong quản lý nhà nước đối với 2 loại hình xe buýt trên cùng một địa bàn theo hướng tạo thuận lợi cho loại hình này và gây khó khăn cho loại hình kia. “Nếu chủ trương này thực hiện thì không chỉ gây khó khăn cho các đơn vị vận tải mà quan trọng nữa là gây bất tiện cho việc đi lại của người dân. Họ sẽ phải đi 2 chặng mới tới được điểm đến thay vì chỉ một chặng như từ trước tới nay. Quan điểm của Hiệp hội là nếu có ưu tiên thì nên ưu tiên cho xe buýt không trợ giá vì loại hình này đã được xã hội hóa lâu nay”, ông Ba nhấn mạnh.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các đơn vị vận tải cho biết, các tuyến xe buýt có trợ giá mới đi vào hoạt động 3 tháng trở lại đây được vận hành bởi một tập đoàn có tiềm năng kinh tế mạnh đã trúng thầu. Như vậy, trước khi tham gia đấu thầu, doanh nghiệp đã nghiên cứu kỹ lộ trình và khảo sát chi phí để đưa ra mức đấu giá hợp lý thì bản thân họ phải chịu trách nhiệm về quyết định và giá cả tham gia đấu giá của mình. Không thể bắt các đơn vị xe buýt không trợ giá chia sẻ thị phần, gánh vác phần lỗ lãi cho họ được. Vì bản thân các tuyến xe buýt Đà Nẵng – Tam Kỳ khi mới đi vào hoạt động cũng vô vàn khó khăn và tự họ phải vượt qua sau 2-3 năm cầm cự.
Nếu bị “ngắt” tuyến vào nội thành, 7 doanh nghiệp có xe buýt không trợ giá Đà Nẵng – Tam Kỳ đứng bên bờ vực phá sản. Ảnh: Công Khanh |
Nguy cơ phá sản
Trong tờ trình gửi lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng cùng cơ quan chức năng, 7 đơn vị vận tải đều kiến nghị giữ nguyên lộ trình các tuyến xe buýt liền kề không trợ giá giữa Đà Nẵng và Quảng Nam đã được phê duyệt để phục vụ cho nhu cầu đi lại của cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên 2 địa phương như lâu nay và đảm bảo cuộc sống cho người lao động và xã viên của các đơn vị. Hiệp hội Vận tải ô-tô Đà Nẵng cũng cho rằng, nếu chủ trương “ngắt” tuyến được thực hiện thì không chỉ gần 300 lao động trực tiếp và gia đình họ bị ảnh hưởng, việc đi lại của người dân thêm phức tạp mà vô hình trung đây cũng là cơ hội để các loại hình kinh doanh không hợp tác khác, đặc biệt là xe dù tiếp tục mọc lên, mất kiểm soát. Trong văn bản gửi UBND thành phố, Sở GTVT, ông Đinh Văn Ba cũng đề nghị thành phố có chủ trương và lộ trình để các đơn vị vận tải tham gia hoạt động trên các tuyến xe buýt liền kề không trợ giá nâng cao chất lượng phương tiện và dịch vụ theo quy định, không có sự phân biệt giữa xe trợ giá và không trợ giá.
Trên mạng xã hội, thông tin về việc điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt không trợ giá theo hướng không đi vào trung tâm cũng được dư luận quan tâm với 2 luồng ý kiến khác nhau. Một số cho rằng sự điều chỉnh này xuất phát từ việc cơ sở vật chất của xe buýt không trợ giá đã xuống cấp, thái độ phục vụ của một số nhân viên không chuyên nghiệp. Số còn lại cho rằng để chạy 60 chuyến mỗi ngày, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân 2 địa phương như hiện nay thì xe buýt Đà Nẵng – Tam Kỳ cũng đã trải qua rất nhiều khó khăn. Đây cũng là cách đi lại đã trở thành thói quen của rất nhiều thế hệ cán bộ, học sinh, sinh viên kể từ ngày chia tách tỉnh. Cơ sở vật chất cũ kỹ thì yêu cầu các đơn vị đầu tư mới, dịch vụ kém thì bắt buộc phải nâng cao để đảm bảo quyền lợi của hành khách. Nếu thành phố yêu cầu các đơn vị phải khắc phục những tồn tại nói trên mà không đáp ứng được thì khi đó hãy có những thay đổi. Ông Hồ Văn Tùng thừa nhận: “Chúng tôi cũng đã nhận ra những hạn chế của mình, các doanh nghiệp đều cam kết trong năm 2018 tiến hành thay thế phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ ngang bằng với các tuyến xe buýt nội đô hiện nay để phục vụ nhân dân. Sự thay đổi nào cũng phải có lộ trình chứ”, ông Tùng bức xúc.
Trong những ngày qua, tài xế và nhân viên phục vụ trên các tuyến xe buýt không trợ giá Đà Nẵng – Tam Kỳ cũng rối bời khi nghe thông tin về chủ trương này. Bà Đinh Thị Phương, nhân viên phục vụ của xe BKS 43H-6847 lo lắng: “Đây là cuộc sống của gia đình chúng tôi hàng chục năm nay. Góp vốn vào hoạt động hợp tác xã cũng khó khăn đủ đường. Thời gian vừa qua loại xe dù 7 chỗ hoạt động trái phép đã khiến các doanh nghiệp lao đao. Mong chính quyền và ngành chức năng thành phố xem xét lại chứ “ngắt” của người khó san qua cho người giàu vừa không hợp tình, cũng không hợp lý. Tội cho chúng tôi”.
Công Khanh