Ngày ấy ở K20
(Cadn.com.vn) - Bên chén trà Móc Câu đậm đặc, ông Đặng Văn Khá, nguyên Trưởng ban An ninh Quận 3, Đà Nẵng (BANQ3) kể cho tôi nghe một số kỷ niệm về quá khứ đau thương và vô cùng oanh liệt của đồng đội và cá nhân ông. Hồi ấy, căn cứ vùng lõm K20, thuộc P. Bắc Mỹ An, Q. 3, TP Đà Nẵng (cũ) là một địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng. Quận ủy Quận 3 giao cho BANQ3 tập trung xây dựng mạng lưới cơ sở bí mật đồng thời tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm bảo vệ và đưa Quận ủy từ bên ngoài vào đây để lãnh đạo trực tiếp phong trào cách mạng.
Xác định K20 là địa bàn xung yếu, địch cũng tăng cường các lực lượng ngày đêm lùng sục đàn áp rất ác liệt. Đặc biệt, sau đợt tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, địch tăng cường nơi đây hơn 6.000 quân, đủ các binh chủng, sắc lính điên cuồng mở nhiều đợt càn quét nhằm tìm và diệt các cơ sở cách mạng, bắn giết bất cứ những người dân nào chúng nghi là cộng sản.
Trong thời gian này, tại khu vực Bắc Mỹ An cũng như các xã vùng đông H. Hòa Vang thường xuất hiện một số người lạ mặt đi rao bán đủ thứ hàng rong, cắt tóc dạo, thả lưới, câu cá... Họ lùng sục hầu hết các ngõ ngách, xóm thôn và chỉ ít ngày sau đó một số hầm bí mật của ta bị địch phát hiện, không ít cơ sở cách mạng bị bắt bớ, tra tấn dã man, nhiều cán bộ của cách mạng hy sinh, phong trào đấu tranh tại K20 lắng xuống do mất liên lạc, các cơ quan chủ chốt của Quận 3 bị địch đánh bật ra vòng ngoài, buộc phải chuyển địa bàn khác hoạt động.
Ông Đặng Văn Khá (bìa trái) và ông Trần Công Dũng. |
Chạng vạng tối một ngày đầu năm 1969, ông Đặng Hồng Vân, Bí thư Quận ủy Quận 3, ông Đặng Văn Khá, và ông Trần Công Dũng, Đội trưởng trinh sát vũ trang, BANQ3 dò dẫm ra cánh đồng Hồ Tre, An Thượng, Bắc Mỹ An nắm tình hình địch và đào hầm bí mật để ẩn nấp mỗi khi lâm vào tình huống khó khăn. Bóng đêm bao phủ kín mít, cánh đồng hiu hắt, vắng tanh, chỉ râm ran tiếng ếch nhái xa xa vọng lại đều đặn. Ông Vân và ông Dũng giật thót khi thấy lờ mờ trong rặng tre phía trước mặt cách mình vài mét thấp thoáng bóng người.
Ông Dũng chĩa súng, nói như hét: “Đứng im, giơ tay lên!”. Tiếng hô như vỡ toạc màn đêm yên ắng, làm cho kẻ lạ mặt hoảng hốt vứt vội chiếc cần câu rồi giơ hai tay lên trời. Qua kiểm tra thì chiếc cần câu không có...lưỡi, đồ mồi để câu cá cũng không có? Qua đấu tranh, khai thác kẻ lạ mặt thú nhận là cộng tác viên của địch. Y còn cho biết những người giả dạng đi bán hàng rong, cắt tóc dạo...đều là bọn chỉ điểm, thám báo hết sức nguy hiểm. Xác định được đối tượng, ông Khá nhanh chóng chỉ đạo lực lượng phải tăng cường cảnh giác, đồng thời xin ý kiến cấp trên trừng trị những kẻ ngoan cố, gây nhiều tội ác với nhân dân để bảo vệ mạng lưới bí mật.
Ông Hoàng Văn Lai, Trưởng ban An ninh tỉnh Quảng Đà giao nhiệm vụ cho ông Khá phải nhanh chóng khôi phục lại các cơ sở cách mạng vùng lõm K20 để tạo thế tấn công khu căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng. Thế là ông Khá cùng Đội trinh sát vũ trang ngày đêm bám chặt địa bàn. Những ngày đầu bí mật trở lại K20, ông cũng như một số trinh sát phải chịu đựng sự gian khổ không thể nào nói hết bằng lời bởi những người ủng hộ cách mạng cũng như cơ sở của ta hầu hết bị bắt bớ, tù đày, số khác phải lánh đi nơi khác ẩn náu.
Có những lúc bị địch truy lùng gay gắt, ông phải dầm mình, đội bèo ở dưới sông nước nhiều ngày, chịu đói cơm, lạt muối đợi đêm xuống mới lên đào hàng chục hầm bí mật để trú ẩn, từng bước liên lạc với các cơ sở cũ, tiếp tục lựa chọn, xây dựng các cơ sở mới. Sau khi củng cố lại mạng lưới cơ sở đủ tin cậy, tiếp tục triển khai các phương án đánh địch, diệt ác, trừ gian... tạo được sự an toàn căn cứ K20 ông mới đề xuất đưa Quận ủy và các ban, ngành của quận vào lại căn cứ chỉ đạo trực tiếp phong trào đấu tranh cách mạng cho đến ngày Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng.
Đầu năm 1972, thấy ông bị thương quá nặng, tổ chức quyết định đưa ông ra miền Bắc điều trị. Khi lên tới Trạm chờ tại Đại Lộc, ông cố gắng tập luyện để tự đi được rồi xin quay trở lại K20 đầy mất mát để tiếp tục chiến đấu. Từ phó rồi trưởng ban An ninh quận, ông đã trực tiếp lãnh đạo BANQ3 trong suốt 8 năm chiến đấu, chống Mỹ cứu nước và lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc. BANQ3 đã đánh hàng trăm trận táo bạo, bất ngờ ngay trong lòng địch, tiêu diệt hơn 530 tên, trong đó có không ít tình báo, cảnh sát, gián điệp, phá hủy 6 xe quân sự, 9 trụ sở của bọn ngụy quyền, thu giữ hàng trăm súng quân dụng các loại.
Những tiếng mìn vang vọng tại Câu lạc bộ sĩ quan Mỹ ở Sân bay Nước Mặn, Trụ sở hội đồng Mỹ Thị, ngọn lửa ngùn ngụt tại Kho xăng Mỹ Khê... đều gắn với tên tuổi của ông. Để đạt được thành tích ấy, ông đã cùng với CBCS đã dày công móc nối, xây dựng hơn 180 cơ sở, trong đó có nhiều người được cài cắm vào hàng ngũ nội bộ địch, đào hàng trăm hầm bí mật để che giấu các cán bộ lãnh đạo cũng như trú ẩn khi bị vây ráp. Trong suốt chặng đường đấu tranh đầy máu lửa ấy, BANQ3 có 30 CBCS tuổi đời còn phơi phới sức xuân đã nằm sâu trong lòng đất của quê hương, xứ sở, 12 người khác bị địch bắt dùng đủ mọi thủ đoạn nhục hình, tra tấn hết sức tàn bạo, song vẫn tuyệt đối trung thành với Đảng, kiên định mục tiêu, con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, không khuất phục trước đòn roi, họng súng của kẻ thù...
Sinh thời, trong một lần đến thăm căn cứ lõm K20, cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã khen ngợi: “K20 là biểu tượng của lòng quả cảm, một sáng tạo của cách mạng miền Nam, của quân và dân Quảng Đà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Và ngày 24-9-2010, căn cứ vùng lõm K20 đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Với những chiến công lẫy lừng đó, ngày 6-11-1978, Chủ tịch nước ký Lệnh số 102/LCT phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho BANQ3. Tuy ông không nói về vai trò của mình nhưng tôi hiểu trong niềm vinh dự lớn lao đó đều có phần trí tuệ, công sức và máu thịt của ông đóng góp.
Bây giờ trong ngôi nhà nhỏ của mình tại Tổ 27, P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn, ông vẫn thường tiếp đón những người đồng đội năm xưa đến thăm thú, chuyện trò. Mỗi lần như thế, trong ký ức ông lại ùa về những tháng ngày đầy đau thương, nhớ đến những đồng đội của mình đã vĩnh viễn chia xa. Khi tôi viết những dòng này về ông thì hay tin Ban liên lạc Quận ủy Quận 3 và BANQ3 đã đồng thuận rất cao trong việc đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét để trình Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND cho ông, người Trưởng an An ninh quận một thời.
Thái Mỹ