Ngày ấy ở trại Davis (2)
* Kỳ 2: Một cuộc điều tra không kết thúc
(Cadn.com.vn) - Sau Tết 1973 vài ngày xảy ra vụ máy bay lên thẳng CH47 của Mỹ rơi ở phía Nam thị xã An Lộc (tỉnh Bình Long cũ). Phía Mỹ cho rằng chúng ta bắn rơi máy bay có cần cẩu khi đang làm nhiệm vụ chở đồ cho phái đoàn Ủy ban quốc tế (UBQT), cần phải điều tra. Đoàn cử tôi tham gia, bắt đầu cuộc điều tra ở bệnh viện Cơ Đốc. Tôi còn nhớ khoảng 5 giờ chiều, xe của sĩ quan liên lạc Mỹ đến đón chúng tôi đi ra cổng sân bay theo hướng ra Lăng Cha Cả, quẹo đường Võ Tánh (nay là đường Hoàng Văn Thụ) rồi vào bệnh viện Cơ Đốc. Đây là lần đầu tiên tôi ra đường phố Sài Gòn, khoảng đường này không khác bây giờ bao nhiêu cũng xe cộ tấp nập. Tôi ước lượng từ trại Davis ra đây khoảng 2 km. Bệnh viện Cơ Đốc lúc đó mang tên Bệnh viện dã chiến số 3 của quân đội Mỹ, chuyên điều trị cho thương binh Mỹ.
Đại tá Hà Cân. |
Cuộc họp được bố trí giữa khoảng trống giữa hai buồng bệnh, chỉ có ghế không có bàn phía ta có tôi và Thiếu tá Cảnh ở đoàn miền Bắc, còn phía VNCH là Thiếu tá Ngọc. Nghe giọng nói, tôi nhận ra Ngọc cũng là người Quảng Nam. Đang bàn thủ tục về cuộc điều tra thì một lính Mỹ nằm trên cáng thương được đẩy ra, và cho biết là một người trong tổ lái máy bay bị bắn rơi. Tôi yêu cầu đẩy người bị thương về buồng nghỉ vỉ chưa thống nhất cách thức điều tra. Cuộc họp đến 9 giờ 30 mới tạm thỏa thuận là sẽ hỏi hai nhân chứng là một người Mỹ trong tổ máy bay rơi và một bộ đội ở đơn vị tại điểm máy bay rơi. Lúc chúng tôi rời cuộc họp, lính Mỹ bị thương, đứa băng tay, đứa chống nạng đứng dọc hành lang ý chừng muốn nhìn mặt mấy ông sĩ quan Bắc Việt và Việt Cộng. Một quân cảnh Mỹ người cao to hộ tống chúng tôi ra xe về lại trại Davis để tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Ngày hỏi nhân chứng Mỹ là một chuẩn úy lái trực thăng diễn ra tại phòng họp của khu họp các bên. Khi chúng tôi yêu cầu viên chuẩn úy kể lại diễn biến, y kể: “Đơn vị chúng tôi ở sân bay Bình Thủy nhận được lệnh lên căn cứ Plantation (Long Bình) để chở đồ cho tổ quốc tế. Máy bay tôi chở một số bàn ghế và cẩu một chiếc xe Jeep lên An Lộc, lúc lên không có việc gì xảy ra, lúc về ngang Tân Khai phía Nam An Lộc thì bị bắn rơi. Trong tổ bay có hai người bị thương”. Tôi hỏi:
- Tại sao anh nói là anh bị bắn rơi?
- Vì tôi nghe đạn ở mặt đất bắn lên.
- Lúc đó anh có đội mũ bay không?
Người lái máy bay nói lúc nào cũng đội mũ trong suốt quá trình bay. Tôi truy luôn:
- Anh khẳng định rằng trong suốt chuyến bay anh luôn đội mũ bay phải không?
- Đúng như vậy.
Tôi hỏi tiếp:
- Máy bay bị mặt đất bắn rơi anh có nghe tiếng đạn chạm vào máy không?
- Tôi không nghe tiếng đạn chạm vào máy bay.
Thế là y bị tôi gài bẫy trả lời không nhất quán vì đã đội mũ bay thì không thể nghe được tiếng đạn ở mặt đất và không thể nghe tiếng đạn chạm máy bay.
- Anh có mang theo sứ vụ lệnh trong lúc bay không?
- Các chuyến khác thì có, lần này thì không, nhiệm vụ tổ bay được ghi trên bảng của phòng họp.
- Như vậy chuyến bay của anh không có gì chứng minh phục vụ cho Ủy ban quốc tế. Rất có thể anh đi tiếp tế cho căn cứ An Lộc đang bị chúng tôi đang vây chặt. Tất cả máy bay Mỹ bị chúng tôi bắn rơi trước đây chúng tôi đều thu được sứ vụ lệnh nếu máy bay không bị cháy hoàn toàn.
Qua một ngày hỏi nhân chứng Mỹ, tôi thấy rằng không có bằng chứng nào buộc ta bắn rơi máy bay, mà trái lại ta có thể buộc phía Mỹ vi phạm vùng kiểm soát của ta.
Chiều hôm sau (26-2), chúng tôi ra sân bay đi Tân Khai xem hiện trường và gặp nhân chứng của ta. Máy bay hạ xuống sân bay Lai Khê để lấy thêm dầu và sơn 4 vạch màu da cam, qua Lai Khê một chút là vùng giải phóng, dọc hai bên đường 13 bị phát quang, máy bay đỗ trên đường cái, nhìn chung quanh không một bóng người. Tôi đi tìm người của ta như đã hẹn là khi máy bay hạ cánh người của ta ra đón, nhưng không nhìn thấy ai cả. Một lát sau đi ngược lên một đoạn thấy một đồng chí bộ đội của ta đi xuống, đồng chí đứng tuổi, đội mũ cối, cổ quấn vải dù ngụy trang. Đồng chí ấy giới thiệu là Tám Bảo, phụ trách đại đội bộ đội địa phương ở đây được báo là hôm nay Ủy ban Liên hợp đến hỏi về vụ máy bay rơi. Cuộc họp diễn ra ngay trên đường cái, đồng chí Tám Bảo kể: sáng hôm ấy có một chiếc CH47 cẩu một chiếc xe Jeep từ phía Nam bay lên An Lộc, khi máy bay về đi ngang qua đây chúng tôi thấy máy bay chòng chành, mất thăng bằng và rơi xuống đằng kia, liền sau đó có một số máy bay UH1 võ trang đến bắn xung quanh chiếc máy bay rơi đang cháy. Chúng tôi định đến cứu những người bị thương nhưng không tiếp cận được. Dưới sự yểm trợ hỏa lực của mấy chiếc UH1 vũ trang, một chiếc UH1 đã bốc những người bị thương chuyển đi, vì không đến gần được nên không biết bao nhiêu người bị thương.
Lời khai của nhân chứng khớp với những điều mà chúng tôi cung cấp cho tổ điều tra. Tuy nhiên phía VNCH vẫn còn đưa ra nhiều lý do khác nhau với đồng chí Tám Bảo. Khi đồng chí dẫn đoàn điều tra đi xem máy bay cháy, không còn gì để phán đoán nguyên nhân bị nạn vì chỉ còn là một đống tro sắt kể cả nòng đại liên bị cháy queo. Chỉ vào nòng súng, đồng chí Tám Bảo nói: Loại trực thăng này vẫn bắn chúng tôi bằng loại súng này.
Sau đó, tổ điều tra lên máy bay trở về. Tôi báo cáo lại với các đồng chí lãnh đạo của Đoàn về quá trình xem hiện trường và gặp nhân chứng của ta. Ngày hôm sau đến phòng họp tiếp tục đấu tranh qua hai cuộc tiếp xúc với nhân chứng Mỹ và ta, mỗi bên cũng để lộ một chút sơ hở. Phía VNCH đề nghị tổ điều tra gặp thêm nhân chứng VNCH, một sĩ quan biệt động gần An Lộc hôm đó chứng kiến xảy ra tai nạn chúng tôi phản đối vì mỗi bên một nhân chứng đã hỏi xong.
Trải qua 5, 6 phiên họp nhưng vẫn không thống nhất. Phía Mỹ tuyên bố không thể trực tiếp tham gia tổ điều tra khi mà các thành viên không thực sự muốn hợp tác và tôi tuyên bố: Tổ điều tra này hoạt động là do phía Hoa Kỳ, nay Hoa Kỳ dừng cuộc điều tra thì Hoa Kỳ chịu trách nhiệm. Các thành viên đứng lên và ra về. Thế là cuộc điều tra kết thúc nhưng không hề có kết luận nào.
Mai Phúc (lược trích)
(còn nữa)