Ngày ấy ở Vạn Tường

Thứ hai, 10/08/2015 10:06

(Cadn.com.vn) - Có dịp về xã Bình Hải (H. Bình Sơn, Quảng Ngãi), tôi đã được nghe về những đóng góp thầm lặng của những người dân để làm nên chiến công lừng lẫy cách đây 50 năm-trận đánh Vạn Tường ngày 18-8-1965-mở ra một cục diện mới cho chiến trường miền Nam: dám đánh và đánh thắng quân Mỹ xâm lược.

Tôi gặp bà Trần Thị Mùi, người y tá từng đưa trên 40 cán bộ, chiến sĩ của Trung Đoàn 1 chủ lực Quân Khu V (Trung đoàn Ba Gia) vượt ra khỏi vòng vây quân Mỹ ngày đó. Bà Mùi kể: "Vào lúc 5 giờ sáng 18-8-1965, tôi được địa phương giao nhiệm vụ thu gom gọn gàng hệ thống đường dây điện thoại truyền tin đưa đi cất giấu cẩn thận, không để địch phát hiện, sau đó đem trao trả lại cho Chỉ huy Trung Đoàn 1 đóng tại xóm Hải Nam, thôn Vạn Tường. Khi chiến sự diễn ra mỗi lúc một ác liệt, tôi được điều động qua bên mương Động Triều làm nhiệm vụ cứu thương. Giấu các loại dụng cụ y tế, thuốc men vào người, trên tay cầm chiếc câu liêm để ngụy trang, tôi đến đó băng bó vết thương cho  anh em, trong đó có anh Tấn là du kích xã Bình Hòa.

Cuối ngày 18-8, trời tối dần, khi bám theo con đường hầm trở về lại nhà, tôi trông thấy từ phía xa anh em vẫy tay gọi vào, nói: "Cô làm thế nào dẫn bộ đội ra khỏi vòng vây bọn Mỹ chứ không thì tình hình gay go lắm đấy". Tôi lập tức báo cáo với lãnh đạo rồi sau đó quay lại dẫn đường cho hơn 40 anh em Trung đoàn I rời khỏi công sự, đi xuống đường Thanh Thủy. Đi được vài trăm mét thì tôi ngửi thấy mùi thuốc lá và phát hiện có toán quân Mỹ nằm phục kích sau một cái giếng. Tôi nhanh chóng dẫn anh em quay lại và chuyển hướng đi về phía An Cường (xã Bình Hải) thoát đến vùng Lạc Sơn thuộc xã Bình Hòa an toàn. Bàn giao anh em cho du kích địa phương, tôi ghé vào nhà người dân bên đường xin rơm rạ gói dụng cụ y tế, thuốc men đội lên đầu, tay cầm roi và chiếc lồng bịt miệng bò giả người đi tìm bò chạy lạc. Thấy tôi trong bộ dạng như vậy, bọn Mỹ không nghi ngờ gì, thế là thoát"...

Bà Trần Thị Mùi.

Tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi, bà Trần Thị Mùi đã có những năm tháng gian khổ, cống hiến. Sau chiến tranh, bà sống một mình trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, thỉnh thoảng đón con cháu ở xa về thăm. Bà bảo được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống hiện nay cũng đã ổn rồi, không đòi hỏi, yêu cầu gì cao hơn. Các phong trào chung ở địa phương, đều có bà tham gia dẫu không được nhiều song cũng có tác dụng động viên con cháu, cộng đồng làm theo...

Cùng với bà Mùi, các mẹ Trương Thị Tân, Phạm Thị Kiểm, nay đã ngoài tuổi 80 nhưng vẫn còn rất minh mẫn khi kể lại những ngày tham gia nuôi quân, chuyển quân đánh Mỹ ở địa phương. Cụ Tân còn nhớ sau đêm 18-8-1965 có một chiến sĩ bị thương, chưa đưa được về tuyến sau, phải nằm trong hầm bí mật ở nhà ông Lê Khanh gần đó. Nhà còn lưng lon gạo, bà đã đem nấu cháo đưa đến cho anh, cùng gia đình ông Khanh chăm sóc anh rất chu đáo cho đến ngày đơn vị về đón. Bà cứ ao ước giá như người chiến sĩ ấy còn sống và về lại với quê mình trong dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Vạn Tường này thì vui biết mấy...Chuyện giúp đỡ, chăm sóc cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn I ngày ấy còn có rất nhiều người dân ở các xã Bình Hòa, Bình Hải, Bình Phú, Bình Châu, Bình Thanh... tham gia.

Họ đã dũng cảm vượt qua bom đạn ác liệt để chôn cất tử sĩ, cất giấu, cứu chữa, vận chuyển thương binh, đưa cán bộ chiến sĩ Trung đoàn I vượt vây an toàn. Hôm tôi đến thăm, cụ Kiểm và cụ Tân đang ngồi bên nhau thủ thỉ chuyện trò, ôn lại những kỷ niệm khắc sâu trong tâm khảm về một thời chiến tranh, những chuyện buồn vui, mất còn trong cuộc sống, về những đổi thay của quê hương, về con cháu... Người Vạn Tường  xưa son sắt, gan góc trong mưa bom bão đạn chiến đấu giành độc lập tự do, nay năng động và sáng tạo chung sức đồng lòng dựng xây no ấm, hạnh phúc cho gia đình và cộng đồng. Dâng nén hương tưởng niệm các liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang Vạn Tường; nghe tiếng chim chiền chiện hót vang trên bầu trời cao xanh lồng lộng mà thêm tin vào tương lai...

Hoàng Giang