Ngày ấy trong đoàn quân Nam tiến

Thứ năm, 15/12/2016 11:09

(Cadn.com.vn) - Đại tá Lâm Quang Minh ở 47-Thanh Long (Đà Nẵng), người từng được cả thành phố biết đến khi bán căn nhà đang ở để lấy tiền làm từ thiện. Ít ai biết rằng ông còn là một trong những trí thức đầu tiên của trường Thanh niên Tiền tuyến Huế tham gia Nam tiến khi Pháp quay lại xâm lược nước ta. Có trí nhớ mẫn tiệp và đôi tai nhạy bén lạ lùng, vị đại tá già khẽ khàng kể về một thời hào hùng của Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế. Hồi ấy, vốn dòng dõi hiếu học ở Hòa Khương (Đà Nẵng) nhưng do cha mẹ mất sớm, ông vừa làm vừa học rất vất vả để ra được trường Quốc học Huế lấy bằng tú tài. Tại đây những lần đi hướng đạo sinh cùng giáo sư Tạ Quang Bửu, người ông vô cùng kính phục bởi sự thông thái và yêu nước, ông đã gia nhập trường Thanh niên Tiền tuyến Huế. Không chỉ riêng ông mà 43 học viên trong lớp đều là thành phần trí thức, học giỏi nức tiếng bấy giờ, nhiều người là cậu ấm con quan, có trường hợp như ông Lê Quang Long (sau này là NGND, giáo sư, tiến sĩ sinh vật học) là cháu ngoại của vua Thành Thái.

Đại tá Lâm Quang Minh (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội xem lại kỷ niệm năm xưa.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, luật sư Phan Anh lúc này là Bộ trưởng Bộ Thanh niên của Chính phủ Trần Trọng Kim đã cùng giáo sư Tạ Quang Bửu lập trường Thanh niên Tiền tuyến tại Huế nhằm huấn luyện quân sự, thể lực cho đội ngũ trí thức trẻ mai này phụng sự Tổ quốc. Chỉ trong vòng 2 tháng, mọi người đều được Việt Minh giác ngộ hướng theo cách mạng. Cách mạng Tháng Tám ở Huế nổ ra, trường Thanh niên Tiền tuyến trở thành lực lượng quan trọng cả về con người và binh lực góp phần vào thành công khởi nghĩa. Hai ông Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương (tức tướng Cao Pha) ngày 21-8-1945 đã chỉ huy lực lượng lính dõng của vua Bảo Đại hạ cờ vàng quẻ ly, treo cờ đỏ sao vàng tại kỳ đài chính diện Ngọ Môn, chấm dứt một triều đại trị vì 143 năm của nhà Nguyễn để chuyển qua cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Những học viên trường Thanh niên Tiền tuyến ngày ấy coi việc đi vào hòn tên mũi đạn nhẹ như lông hồng. Hàng chục người đã Nam tiến trên các mặt trận. Có người đã có mặt từ rất sớm ở Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Yên như Nguyễn Thế Lâm, Đoàn Huyên, Lâm Quang Minh, Võ Quang Hổ, Nguyễn Trung Lập, Phan Nhĩ, Phan Hạo, Võ Lê Ngân... Nhiều đồng chí đã hy sinh trên mảnh đất miền Trung khi đang là những trí thức tràn đầy hoài bão. Ai cũng nhớ lời dặn của đồng chí Nguyễn Chánh, Ủy trưởng Quốc phòng Trung bộ trước khi vào Nam: “Chuyến này anh em được đi Nam tiến, đó là một vinh dự lớn. Nhưng cần phải xem đây có phải là sự bồng bột của thanh niên trong cao trào cách mạng hay không? Bởi kỳ này thực dân Pháp với vũ khí hiện đại lại được đế quốc Anh giúp đỡ sẽ xâm lược lại miền Nam. Ngoài này từ Đà Nẵng trở ra tức là từ vĩ tuyến 16 thì quân Tàu Tưởng Giới Thạch sẽ vào tước vũ khí quan Nhật, nhân cơ hội đó sẽ quấy rối ta. Cuộc đấu tranh sẽ lâu dài, có thể ta sẽ rút ra khỏi các thành phố về căn cứ ở rừng núi. Anh em phải rõ để bền chí kháng chiến”. Những lời gan ruột của đồng chí Nguyễn Chánh càng làm lớp thanh niên trường Tiền tuyến càng quyết tâm lên đường cứu nước. Nhiều người hy sinh trên đường công tác, sau hòa bình, đồng đội mới quy tập được hài cốt.

Đại tá Lâm Quang Minh chỉ từng gương mặt của lớp chụp nhân kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám và gặp mặt ở Huế. Ngày ấy còn đông chứ chưa rơi rụng như bây giờ chỉ còn 5 người đều trên tuổi 90. Trong số 5 người hiện chỉ còn Đại tá Lâm Quang Minh và ông Đặng Văn Việt khỏe mạnh. Trong lịch sử Việt Nam chưa có lớp học nào đặc biệt như thế. Có 5 liệt sĩ, 8 tướng tài QĐND đứng đầu các quân, binh chủng có mặt ở hai cuộc kháng chiến; nhiều nhà khoa học trên các lĩnh vực, nhiều người định cư ở nước ngoài nhưng vẫn thường xuyên về cố vấn hoặc cử con cái về cố vấn giúp Chính phủ ta quản lý kinh tế. Hai người sáng lập trường sau này đều trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. 24 người là cán bộ lão thành và tiền khởi nghĩa. Có sinh viên đặc biệt như Lê Thiệu Huy đã hy sinh trên chiến trường Lào khi lấy thân che đạn cho Hoàng thân Xu-pha-nu-vông và đã được Nhà nước Lào tặng Huân chương Ít-xa-la hạng Nhất, Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ông Hoàng Xuân Bình khi tham gia cách mạng bị bắt làm tù binh đã cảm hóa được vị sĩ quan Pháp Phalon (sau này là tướng). Năm 2010, trường Thanh niên Tiền tuyến Huế được công nhận là di tích lịch sử cách mạng.

Gia đình Thanh niên Tiền tuyến đã sống xứng đáng với quá khứ hào hùng của mình. Đại tá Lâm Quang Minh nói rằng, những năm tháng Nam tiến vẫn mãi mãi trong tâm trí ông dù đã 70 năm trôi qua.

Hồng Vân