Ngày kinh hoàng ở Sydney
* 5 con tin trốn thoát
* Nhìn thấy cờ Hồi giáo màu đen với tiếng Arab bên trong quán
* Kẻ bắt cóc là giáo sĩ Hồi giáo
(Cadn.com.vn) - Ít nhất 5 con tin trốn thoát khỏi hiện trường quán cà-phê Lindt tại trung tâm Sydney, nơi một tay súng bắt giữ hàng chục con tin vào giờ cao điểm sáng 15-12, vụ việc gây chấn động Australia và cả thế giới.
Cả thế giới đang dõi theo Sydney. Đã gần 1 ngày trôi qua, giới chức Australia vẫn chưa thể thương lượng được với tay súng bắt cóc con tin bên trong quán cà-phê Lindt tại tòa nhà Martin Place ở trung tâm Sydney.
Cuộc khủng hoảng con tin bắt đầu vào khoảng 9 giờ 45 (giờ địa phương) tại tòa nhà Martin Place, trung tâm thương mại - tài chính trọng yếu, có nhà ga xe lửa và thu hút hàng ngàn người mua sắm cũng như du khách mỗi ngày. Theo các nguồn tin, khi vụ việc xảy ra, trong quán có vài nhân viên và khoảng 30 khách hàng.
Hàng trăm sĩ quan cảnh sát, trong đó có đội siêu đặc nhiệm SWAT, được triển khai. Cảnh sát cũng chặn các tàu, xe buýt, đồng thời phong tỏa các con đường tại khu vực này, đóng cửa khu vực nhộn nhịp nhất thành phố đông dân nhất Australia.
Cảnh sát bao vây quanh hiện trường quán cà-phê Lindt. Ảnh: EPA |
5 người trốn thoát
Kẻ bắt cóc yêu cầu chuyển cho y lá cờ của IS, nói chuyện với Thủ tướng Australia nếu không sẽ cho nổ tung 4 quả bom - 2 quả trong quán Lindt và 2 quả khác ở trung tâm Sydney - đã được cài sẵn quanh thành phố, làm dấy lên nhiều lo ngại cho số phận các con tin.
Những đòi hỏi này được đưa ra sau khi có thông tin 5 con tin trốn thoát khỏi tòa nhà, để lại số lượng chưa xác nhận các con tin bị mắc kẹt bên trong. Sau đó, người ta đếm được khoảng 15 khuôn mặt khác nhau bị buộc giơ tay lên qua các cửa sổ. 2 con tin, vốn là nữ nhân viên phục vụ trong quán, chạy ra ngoài sau khi 3 con tin khác chạy thoát khỏi quán này.
Kênh 10 cho biết, một con tin bên trong quán cà-phê chuyển tiếp yêu cầu của tay súng cho giới chức cảnh sát. Cảnh sát cũng tiếp tục lấy lời khai của các con tin chạy thoát trước đó để thu thập thông tin về diễn biến bên trong quán. Theo phát thanh viên Ray Hadle của đài 2GB - người mà kẻ bắt cóc muốn nói chuyện để phát sóng trực tiếp cuộc nói chuyện của y - thủ phạm có vẻ hết sức bình tĩnh và không có biểu hiện nóng vội.
Trong khi đó, người phát ngôn cảnh sát Australia Catherine Burns tuyên bố đang nỗ lực làm việc để “giải quyết tình hình trong hòa bình”. “Chúng tôi đang làm tất cả có thể để các con tin được tự do”, Ủy viên cảnh sát New South Wales Andrew Scipione nhấn mạnh. Sau khi tuyên bố “rất sốc và đau buồn” về vụ việc này và triệu tập khẩn cấp cuộc họp với Ủy ban An ninh Quốc gia, Thủ tướng Tony Abbott có bài phát biểu thứ hai trong ngày về vụ việc để trấn an người dân.
Một con tin chạy ra khỏi quán cà-phê Lindt. Ảnh: Reuters |
Tấn công khủng bố?
Cảnh sát Australia vẫn chưa sử dụng tới từ “khủng bố” trong vụ việc này. Thủ tướng Abbott cũng cho rằng, vụ bắt cóc con tin có thể mang động cơ chính trị. “Mấu chốt vụ việc bạo lực mang động cơ chính trị trên là nhằm đe dọa mọi người. Australia là xã hội hòa bình và không gì có thể thay đổi”, Thủ tướng Australia nói.
Tuy nhiên, khả năng khủng bố tại thành phố lớn nhất Australia càng được nói nhiều đến khi hình ảnh trên Kênh 10 cho thấy, một số người bị ép phải giương cao lá cờ màu đen trắng của Hồi giáo viết chữ Arab, mà những kẻ cực đoan thường sử dụng, trên cửa sổ. AAP tối 15-12 đưa tin, giáo sĩ Hồi giáo cực đoan Sheik Man Haron Monis được cho là kẻ bắt cóc con tin. Hắn trốn từ Iran sang Australia năm 1996.
Lo ngại khủng bố khiến nhiều nước, như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ... ban bố cánh báo đến công dân của mình đang ở Sydney và sơ tán các nhân viên ở Lãnh sự quán ở đây. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thậm chí miêu tả vụ bắt cóc là vô nhân đạo, đồng thời cho biết, đang cầu nguyện an toàn cho các nạn nhân.
Ở trong nước, hơn 40 nhóm Hồi giáo cùng lên án vụ bắt cóc gây chấn động này, đồng thời cho rằng đây là “hành động hèn hạ”. Lãnh tụ Hồi giáo, Đại giáo sĩ Ibrahim Abu Mohamed cũng ra tuyên bố cho rằng, hình ảnh của cộng đồng Hồi giáo bị vụ bắt cóc này hủy hoại nghiêm trọng.
Nhưng giới phân tích cho rằng, vụ bắt cóc này là kịch bản được báo trước. Australia – liên minh ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria – liên tục gia tăng an ninh và cảnh báo khủng bố trong thời gian gần đây. Và giờ đây, vụ việc này đẩy quốc gia Châu đại dương vào con đường tàn bạo của các nhóm khủng bố, nhất là nhóm mới nổi IS.
Khả Anh