Ngày làm việc thứ 9, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII:

Dự toán đầu tư sân bay Long Thành có độ chính xác chưa cao

Thứ năm, 30/10/2014 07:52

(Cadn.com.vn) - Sáng 29-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường nghe Tờ trình Báo cáo đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thảo luận các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam.

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận, cho ý kiến về 2 dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Giai đoạn 1 của sân bay Long Thành cần 7,837 tỷ USD

Tờ trình Báo cáo đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành do Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trình bày nêu rõ việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết, vì sẽ hình thành và phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực nhằm phục vụ Chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam.

Bộ trưởng nhấn mạnh cùng với xu hướng phát triển của hàng không quốc tế, với lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển giao thông hàng không, nước ta cũng cần sớm hình thành một cảng hàng không quốc tế đóng vai trò trung tâm trung chuyển trong khu vực là một nhu cầu thực tế và mang tính chiến lược phát triển. Hơn nữa việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải.

Báo cáo nêu rõ: Việc lựa chọn vị trí quy hoạch và xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được các cơ quan chuyên môn của ngành hàng không dân dụng nghiên cứu kỹ lưỡng từ năm 1993.

Bên cạnh đó, các quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác đã được phê duyệt cũng đồng bộ với việc hình thành nên cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Nhiều công trình quy hoạch đã được triển khai đầu tư, nhất là các tuyến giao thông tạo điều kiện kết nối thuận tiện giữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành với TP Hồ Chí Minh và các vùng lân cận.

Bộ trưởng cho biết, mục tiêu đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành từng bước đạt cấp 4F (theo phân cấp của ICAO); giữ vai trò là Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng bậc nhất của quốc gia, dự kiến trong tương lai sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á.

Toàn bộ Dự án dự kiến chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Đầu tư nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, 2 đường cất hạ cánh song song có cấu hình đóng, nhằm chia sẻ sự quá tải cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trong đó giai đoạn 1a: Xây dựng nhà ga chính có 01 nhánh trung tâm, 01 đường cất hạ cánh đáp ứng lượng hành khách 17 triệu khách/năm, mở cửa vào năm 2023; giai đoạn 1b: Xây dựng hai cánh còn lại của nhà ga chính trung tâm và đường cất hạ cánh thứ hai, mở cửa vào năm 2025.

Giai đoạn 2: Nhà ga hành khách công suất 50 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm, thêm một đường cất hạ cánh, mở cửa vào năm 2030. Giai đoạn sau cùng: Nhà ga hành khách đạt công suất 100 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 5,0 triệu tấn hàng hóa/năm, 04 đường cất hạ cánh.

Khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án khoảng 7,837 tỷ USD ( tương đương 164.5 89 tỷ đồng) , trong đó, phân kỳ giai đoạn 1a có tổng mức đầu tư khoảng 5,662 tỷ USD (tương đương 118.910 tỷ đồng).

Cơ cấu nguồn vốn: Dự kiến vốn nhà nước (vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA...) giai đoạn 1 là 84.624 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1a là 57.857,7 tỷ đồng (khoảng 48,65% khái toán tổng mức đầu tư). Vốn huy động khu vực ngoài nhà nước (vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư) là 79.965 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1a là 61.052,6 tỷ đồng (51,35% khái toán tổng mức đầu tư).

Thẩm tra Báo cáo đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đáp ứng tiêu chí là dự án quan trọng quốc gia; tán thành chủ trương của Đảng và Nhà nước ta cần có một Cảng hàng không quốc tế hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị làm rõ tính cấp thiết hay là tính cần thiết của việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nếu chưa cấp thiết thì cân nhắc thời điểm đầu tư thích hợp.

Báo cáo đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 164.589 tỷ đồng (tương đương 7,8 tỷ USD), trong đó: Vốn Nhà nước bao gồm ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ và ODA là 84.624 tỷ đồng, vốn khác là 79.965 tỷ đồng.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây mới là vốn đầu tư của giai đoạn 1 của dự án, nếu tính cả 3 giai đoạn thì tổng mức đầu tư sẽ rất lớn (khoảng 18,7 tỷ USD). Mặt khác, dự toán mức đầu tư cho giai đoạn 1 là ước tính, mức độ chính xác chưa cao. Ngoài ra, các dự án thuộc hệ thống hạ tầng kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành cần được tính toán, cân đối cùng với tổng vốn đầu tư Cảng hàng không này.

Về phương án huy động vốn: Việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sử dụng nguồn vốn Nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách Nhà nước khó khăn thì chưa bảo đảm tính khả thi. Mặt khác, nếu khả năng vay được từ nguồn của các tổ chức tài chính quốc tế thì cũng phải có sự bảo lãnh của Chính phủ. Có ý kiến đề nghị về huy động vốn cần quán triệt Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-1-2012 của Ban chấp hành Trung ương, theo đó, huy động vốn ODA và khuyến khích hợp tác công tư.

Mô hình sân bay quốc tế Long Thành. 

Khắc phục tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến

Thảo luận các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến trong vận chuyển hàng không dân dụng.

Theo đại biểu Quốc hội, việc chậm chuyến, hủy chuyến trong vận chuyển hàng không dân dụng là vi phạm hợp đồng vận chuyển, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hành khách. Tuy nhiên, Luật hiện hành thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp vận chuyển trong việc bảo đảm thực hiện các điều kiện vận chuyển, việc duy trì chất lượng tối thiểu của dịch vụ, thiếu các quy định về tiêu chuẩn tối thiểu mà doanh nghiệp phải bảo đảm cho hành khách.

Quan tâm đến giá cả dịch vụ tại sân bay, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) đề nghị, phải đấu thầu các dịch vụ tại sân bay để có giá cả phù hợp giá thị trường, “việc Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ra văn bản chỉ đạo giảm giá dịch vụ chỉ thể hiện được sự quan tâm, nhưng về quản lý Nhà nước lại có vấn đề và khó sâu sát cho quyền lợi người tiêu dùng” - đại biểu nhấn mạnh.

Theo một số đại biểu, cần quan tâm nhiều hơn đến công tác phối hợp trong quản lý các sân bay, “không thể để như việc khai thác sân bay Tân Sơn Nhất có quá nhiều bài học đắt giá do yếu kém trong quản lý, phân cấp không rõ ràng, buộc Quốc hội phải xem xét chủ trương đầu tư xây dựng mới cảng hàng không Long Thành để khắc phục” – đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) lưu ý. Đại biểu Trần Du Lịch (thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị sửa đổi Luật này cần xem xét hai nội dung về phát triển hàng không giá rẻ và phân phối đường bay ngắn.

Bảo đảm minh bạch trong quản lý, sử dụng ngân sách

Thảo luận tại tổ, tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị dự án Luật cần tiếp tục bổ sung, rà soát, làm rõ ngân sách Nhà nước là thống nhất, có phân cấp quản lý, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, thể hiện rõ nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương gắn với nhiệm vụ chi quốc gia; phân cấp rõ chức năng, nhiệm vụ gắn liền với phân cấp ngân sách giữa Trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, dự án luật cần có quy định nhằm bảo đảm kỷ luật chi, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng ngân sách; đặc biệt trong việc quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước cần tuân thủ, cụ thể hóa nguyên tắc cơ bản đã được quy định trong Hiến pháp. Việc quyết định ban hành chính sách mới làm tăng chi ngân sách Nhà nước phải bảo đảm cân đối được nguồn tài chính để thực hiện; kiểm soát bội chi ngân sách Nhà nước và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia...

Về dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), các đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội về việc cần thiết ban hành dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) nhằm bảo đảm nâng cao tính độc lập trong tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; quy định rõ địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước; giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước trong việc tham gia vào quá trình quản lý ngân sách Nhà nước; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán...

Thu Thủy – TTXVN