Nghệ An: Gian nan hành trình “kéo” học sinh bỏ học trở lại trường

Bài 1: Muôn kiểu bỏ học

Thứ sáu, 29/03/2024 10:00
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán dài ngày, tình trạng học sinh (HS) bỏ học, không trở lại trường ở các huyện vùng cao Nghệ An lại trở nên nhức nhối. Sở dĩ có tình trạng này là do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan tác động. Để vận động HS trở lại trường cần sự nỗ lực, chung tay với nhiều biện pháp quyết liệt của các cấp, các ngành.

Ông Vi Văn Phúc (bìa trái) - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, huyện Tương Dương cùng tham gia trong tổ vận động.
Tổ vận động xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn với nhiều cơ quan, đoàn thể được thành lập sau kỳ nghỉ Tết.

Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Tương Dương- một trong số những huyện miền núi có số HS bỏ học sau tết khá đông của tỉnh Nghệ An,thực trạng HS không trở lại học sau kỳ nghỉ tết là câu chuyện muôn thủa đối với các huyện miền núi nói chung, Tương Dương nói riêng. Có thời điểm chỉ riêng bậc THCS, THPT đã có trên 200 em nghỉ học. Các em bỏ học vì nhiều lý do: Bỏ học vì hoàn cảnh gia đình, bỏ học để đi làm nương rẫy, bỏ học để đi lấy chồng hoặc đơn giản chỉ vì không thích học… Dù chính quyền địa phương cùng ngành giáo dục đã có nhiều biện pháp vận động nhưng hiện nay vẫn còn trên 50 em ở hai cấp học này chưa trở lại trường và có nguy cơ bỏ học cao.

Bỏ học để đi làm công nhân

Năm học 2023 – 2024, trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Lượng Minh có 352 học sinh, trong đó 317 em ở bán trú. Điều đáng nói, hầu hết HS của trường đều có hoàn cảnh khó khăn, trong đó hàng chục em có gia cảnh hết sức éo le: em thì bố đi tù, em thì mất mẹ vì ma túy, có em mất cả bố mẹ giờ ở với ông bà. “Trường hợp các em tiểu học vắng hầu hết nguyên nhân là do mải chơi và thiếu sự quan tâm, chăm lo từ gia đình. Người lớn đi làm ăn xa, các em ở nhà với ông bà nên không ai quản lý, dẫn đến việc không muốn đi học. Nhiều trường hợp tôi đến tận nhà rất nhiều lần nhưng các em vẫn không chịu đến lớp. Thậm chí ép buộc các em đến thì sau đó cũng trốn về nhà. Có những trường hợp chỉ cần nhìn thấy bóng dáng thầy cô hoặc tổ vận động là các em chạy trốn. Nhưng đáng quan ngại hơn cả là các em bỏ học để đi làm công nhân tự do ở các tỉnh khác, hoặc để lấy vợ, lấy chồng. Những trường hợp này sẽ rất khó vận động các em đi học trở lại”- thầy Trần Hưng Thái, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Lượng Minh chia sẻ. Điển hình như trường hợp của em Cụt Văn Quân (HS lớp 7) nghỉ học để đi làm công nhân. Quân là HS ngoan, học lực khá so với mặt bằng chung toàn trường. Thế nhưng, sau Tết Nguyên đán không thấy em đến lớp, các thầy cô tìm hiểu thì mới hay em muốn nghỉ học để vào Quảng Nam làm công nhân.“Trong 3 ngày liên tục, các thầy cô đã đến nhà em Quân để vận động. Lần đầu tiên chỉ gặp bố mẹ, tổ vận động đã phân tích về việc để trẻ em chưa đủ 18 tuổi đi làm là bóc lột sức lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe. Lần thứ hai, các thầy cô gặp được Quân thuyết phục thì em hứa sẽ đến lớp. Ấy thế nhưng ngày thứ 3 đến thì bố mẹ nói Quân đã bắt xe đi Quảng Nam từ tối hôm qua”- thầy Trần Hưng Thái cho biết.

Bỏ học để… lập gia đình!

Tại huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn, tình trạng HS bỏ học sau các kỳ nghỉ lễ dài ngày cũng diễn ra phổ biến. Theo thống kê, toàn huyện có gần 11.000 lao động đang đi làm ăn xa, trong đó có nhiều gia đình cả bố và mẹ đều không ở nhà, để lại con cho người thân nuôi dưỡng. Không được bố mẹ chăm sóc, kèm cặp, nhiều em đang ở tuổi dậy thì đã về ở với nhau như vợ chồng. Đặc biệt, mấy năm trở lại đây, thông qua mạng xã hội, các em có điều kiện quen, gặp gỡ và trao đổi nhiều hơn. Mỗi dịp nghỉ lễ, Tết dài ngày là điều kiện để các em gặp nhau cùng với tập quán của đồng bào dân tộc như tục bắt vợ dân tộc HMông, hay tư tưởng muốn lấy chồng, vợ sớm khiến nhiều em nghỉ học giữa chừng.

Ông Vi Văn Phúc (bìa trái) - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, huyện Tương Dương cùng tham gia trong tổ vận động.

Theo thầy Đinh Tiến Hoàng - Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS Nậm Cắn, sau Tết Nguyên đán, trường có 5 HS bỏ học nhưng có 2 trường hợp đã được vận động đi học trở lại, còn 3 trường hợp không quay lại trường. Trong đó có 2 trường hợp nghỉ học để... đi lấy chồng. Đó là em Lầu Phương C. (HS lớp 9, Trường PTDTBT THCS Nậm Cắn) do hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi làm xa, thiếu sự quan tâm, chăm sóc nên sau đợt Tết vừa qua, C. nghỉ học lấy chồng rồi theo chồng đi vào Nam. Hoặc trường hợp em Lỳ Y D. (trú bản Trường Sơn) lấy chồng về xã Na Ngoi (cách nhà hơn 60km) nên cũng không quay lại trường học nữa.

Theo thống kê của UBND huyện Kỳ Sơn, từ năm 2020 đến năm 2024, toàn huyện có 768 trường hợp vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Thời điểm trước và sau tết nguyên đán Giáp Thìn, toàn huyện có 84 trường hợp vi phạm, trong đó có 9 trường hợp bỏ học. Trong số này có đến 6 trường hợp tảo hôn lấy chồng sớm. Các em lấy chồng khi tuổi đời mới chỉ 14-15, tập trung ở các xã có đồng bào H'Mông sinh sống như Na Ngoi, Huồi Tụ, Nậm Càn, Mường Lống, Tây Sơn…

Và nhiều nguyên nhân khác

Ngoài những trường hợp như Quân, C., D…nghỉ học để đi làm công nhân, lập gia đình, còn có nhiều trường hợp nghỉ học vì lý do thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình và tư tưởng chỉ muốn đi chơi, không muốn đi học đã ăn sâu trong tiềm thức các em. Như trường hợp em L.T.M.(HS lớp 3, điểm trường bản Chăm Puông). Mặc dù nhà của em M. ở sát cổng trường nhưng vì bố mẹ đi làm ăn xa, M. ở nhà với ông ngoại. Do thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ bố mẹ và có tư tưởng không muốn đi học nên từ sau Tết Nguyên đán thì em không đi học nữa. Tổ vận động đã nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện nhưng em M. chỉ khóc chứ nhất quyết không đến lớp.

Qua trao đổi với các thầy cô giáo và lãnh đạo ngành GD-ĐT huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, dù đã đưa ra nhiều giải pháp, dù đã nhiều lần vận động, thuyết phục nhưng câu chuyện đưa HS trở lại trường ở hai địa phương này vẫn vô cùng khó khăn.

Dương Hóa

(còn nữa)