Nghệ An: Lại “nóng” chuyện bạo lực học đường

Thứ sáu, 06/10/2023 08:14
Dù đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn, nhưng tình trạng bạo lực ở lứa tuổi học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn tiếp tục tái diễn. Trăn trở và báo động hơn cả, phần lớn vụ việc xảy ra gần đây đều liên quan đến nữ sinh...
Nhiều vụ bạo lực học đường được các nữ sinh quay và phát tán lên mạng xã hội (ảnh cắt từ clip).
Lực lượng công an xử lý những vụ việc liên quan đến bạo lực học đường.

Những con số báo động

Chỉ vài ngày sau khai giảng năm học mới 2023-2024, tại TP Vinh đã xảy ra một vụ bạo lực học đường giữa nữ sinh lớp 9 Trường THCS Lê Lợi và nữ sinh Trường THCS Hưng Bình.Sự việc chưa kịp lắng xuống thì đến ngày 27-9 lại tiếp tục xảy ra một vụ bạo lực liên quan đến nữ sinh tại xã Thanh Đức, H. Thanh Chương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do có mâu thuẫn trên mạng xã hội nên chiều 27-9, nhóm 3 em nữ sinh của Trường THCS Phong Thịnh, Trường THCS Cát Văn và Trường THCS Thanh Tiên kéo nhau lên nhà một em nữ sinh của Trường THCS Thanh Mỹ để rủ bạn đi uống nước, nói chuyện. Tuy nhiên, thay vì đến quán nước, 3 nữ sinh này lại chở em đến đoạn đường vắng thuộc xã Thanh Đức để hành hung và quay video. Tối cùng ngày, video này đã được phát tán lên mạng xã hội. Điều đáng nói, trong video, 3 nữ sinh này không chỉ có hành động cầm tóc lôi, đánh đập mà còn lột áo của bạn nữ nạn nhân kèm theo những lời bình luận rất thô tục, phản cảm. Vụ việc đã ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, nhân phẩm đến nữ sinh bị bạo hành…

Ngay sau khi nắm được thông tin, nhận thấy vụ việc phức tạp, nhạy cảm dễ lan truyền gây ảnh hưởng xấu đến bản thân nữ sinh bị bạo hành, gia đình, nhà trường và xã hội nên nhà trường đã hướng dẫn gia đình em nữ sinh này làm đơn trình báo Công an xã Thanh Mỹ. Công an xã Thanh Mỹ và các trường liên quan đã yêu cầu những em học sinh (HS) đăng tin gỡ bài và quán triệt trong toàn trường những em có video phải xóa và tuyệt đối không phát tán dưới bất kỳ hình thức nào. Sự việc đang được Công an H.Thanh Chương thụ lý, điều tra…

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, từ 2021 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 245 vụ bạo lực học đường. Trong đó, riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 40 vụ bạo lực học đường. Trong đó, một số vụ việc bạo lực xảy ra ngoài nhà trường có quay video đưa lên mạng xã hội gây dư luận bức xúc.

Lý giải vì sao ngày càng có nhiều vụ bạo lực học đường liên quan đến nữ sinh, theo ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, các em đang độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý có nhiều sự thay đổi. Hầu hết những vụ việc xảy ra đều liên quan đến tình cảm bạn bè, yêu đương... Hơn nữa, bản chất tính cách của HS nam thường biểu hiện ở phần trội (biểu hiện ra ngoài) nên thầy cô, bố mẹ cũng dễ nắm bắt hơn, trong khi HS nữ thường biểu hiện phần chìm (không biểu hiện ra ngoài) nên rất khó để nhận biết và can thiệp. Bởi vậy, nhiều sự việc diễn ra âm ỉ trong thời gian dài nhưng không được nắm bắt, xử lý kịp thời. Hậu quả là các em sẽ tìm cách giải quyết mâu thuẫn dẫn đến bạo hành.

Nhiều vụ bạo lực học đường được các nữ sinh quay và phát tán lên mạng xã hội (ảnh cắt từ clip).

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Hoàn, công tác phòng chống bạo lực học đường không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà cả một quá trình dài, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội. Trong đó, trước hết là trách nhiệm của nhà trường, gia đình rồi đến các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội. Nhà trường cần tăng cường tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường để HS nhận thức được việc bạo hành là vi phạm pháp luật. Hiện tại, các quy định xử lý về bạo lực học đường có nhiều nội dung đã cũ, cần sự thay đổi để phù hợp với tình hình hiện nay để có sức răn đe.

“Hàng năm, Sở đều có các văn bản hướng dẫn đến các nhà trường, trong 1 tuần phải bố trí dành ra một thời gian thích hợp để trao đổi, phổ biến với HS về các kỹ năng sống, trong đó có bạo lực học đường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã thành lập các tổ tư vấn tâm lý học đường để nắm bắt tâm lý, tình cảm của học trò. Tổ này do nhà trường chọn ra những giáo viên có trình độ, năng lực, có nhiều am hiểu kiến thức xã hội, có thể là thầy cô dạy các bộ môn khác nhau tham gia. Hiện tại, toàn tỉnh đã có 2.700 giáo viên được bồi dưỡng về tâm lý học đường và được cấp chứng chỉ” – ông Hoàn cho biết.

Tại kỳ họp 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2016 diễn ra vào tháng 7 vừa qua, vấn đề bạo lực học đường đã được đưa ra chất vấn. Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, phòng chống bạo lực học đường được ngành xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, phải tiến hành thường xuyên. Thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn nhằm hạn chế tối đa các vụ việc bạo lực học đường. Công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống cho HS đóng vai trò hết sức quan trọng, hiện đang được ngành giáo dục triển khai bằng nhiều giải pháp, mô hình.

Tuy nhiên, bên cạnh vai trò trách nhiệm của nhà trường, của chính bản thân các em HS và xã hội, thì vai trò, trách nhiệm của phụ huynh cũng như các thành viên trong gia đình là vô cùng quan trọng. Cha mẹ, các thành viên trong gia đình phải thường xuyên quan tâm, động viên, chia sẻ; phối hợp nhà trường để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cùng những diễn biến tâm lý của con và cùng thực hiện các biện pháp giáo dục. Người làm cha, làm mẹ phải gương mẫu trong đạo đức, lối sống; tích cực học tập để cập nhật và bổ sung thêm các kiến thức và kỹ năng chăm sóc, giáo dục con, đồng hành cùng con.

Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức để từ đó chuyển biến thành hành động cho các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống bạo lực học đường. Vấn đề chăm lo, bảo vệ trẻ em cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, tất cả “vì tương lai con em của chúng ta”.

Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn; thân thiện, phòng chống bạo lực học đường gắn với việc xây dựng kịch bản cụ thể để kịp thời giải quyết, xử lý các vấn đề, tình huống xảy ra. Trong đó, đặc biệt cần chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Nắm bắt tâm sinh lý của HS để kịp thời tư vấn và giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt học tập. Mặt khác, thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật,phổ biến pháp luật, kỹ năng sư phạm cho giáo viên để đảm bảo đủ khả năng bao quát hỗ trợ, giúp đỡ HS; nghiên cứu tăng cường thời lượng giáo dục kỹ năng sống…

Dương Hóa