Nghị định số 100/2019/NĐ-CP: Mức xử phạt nghiêm khắc nhưng cần thiết

Thứ bảy, 11/01/2020 19:00

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt vừa được Thủ tướng ký ban hành ngày 30-12-2019 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Nghị định này bổ sung nhiều hành vi và tăng mức xử phạt lên 218 hành vi, nhóm hành vi, trong đó đáng chú ý là mức xử phạt hành chính đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0.25 miligam/1 lít khí thở…

Lực lượng CSGT Đà Nẵng đến tận bàn nhậu để tuyên truyền cho người dân về Nghị định 100.

Bổ sung nhiều hành vi, tăng mức xử phạt

Theo luật sư Nguyễn Văn Vĩnh Điền, Văn phòng Luật sư Đồng Thông (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) thì Nghị định 100 bổ sung nhiều hành vi và tăng mức xử phạt với 218 hành vi, nhóm hành vi, trong đó tăng mức xử phạt cao với 61 hành vi, nhóm hành vi. Trong đó, tất cả các lỗi cơ bản trong quá trình lưu thông trên đường đều bị xử phạt như lỗi xi nhan, dùng điện thoại, thiết bị âm thanh, vượt đèn đỏ, sai làn, chạm vạch kẻ đường, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, không có gương chiếu hậu, không cài dây an toàn… đều bị tăng mức xử phạt hành chính từ vài trăm đến vài triệu đồng.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến phản hồi nhất trong những ngày gần đây là quy định xử phạt hành chính về nồng độ cồn trong hơi thở có phần "mạnh tay". Theo Nghị định này, chỉ cần trong hơi thở có nồng độ cồn từ 0-0,24 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng/đối với người điều khiển xe máy và 6-8 triệu đồng/đối với người điều khiển ô-tô; từ 0,25-0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt 4-5 triệu đồng/đối với người điều khiển xe máy và 16-18 triệu đồng/đối với người điều khiển ô-tô; đặc biệt, khi nồng độ cồn từ 0,40 miligam/1 lít khí thở trở lên thì người điều khiển xe máy bị phạt từ 6-8 triệu đồng và người điều khiển ô-tô bị xử phạt từ 30-40 triệu đồng.

Như vậy có thể thấy theo Nghị định 100, chỉ cần người tham gia giao thông trong máu có nồng độ cồn đã bị phạt với mức tiền phạt khá cao. Chưa kể, người có nồng độ cồn 0,40 miligam/1 lít khí thở trở lên còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (Nghị định 46/2016/NĐ-CP chỉ quy định phạt đến 16 - 18 triệu đồng, tước quyền dùng giấy phép lái xe 4 - 6 tháng)…

Luật sư Nguyễn Văn Vĩnh Điền cho biết, hiện nay người đi xe đạp, xe đạp điện có nồng độ cồn cũng bị xử phạt hành chính, đây cũng là điểm mới trong Nghị định 100. Bởi, trong các văn bản luật trước đó, những đối tượng này không có mức xử phạt cụ thể. Điều này cho thấy Chính phủ đã khá cứng rắn khi thông qua Nghị định 100 nhằm khắc phục tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, cũng như ngay lập tức áp dụng từ đầu năm 2020. "Bản thân tôi ủng hộ Nghị định này, vì lái xe khi đã uống bia, rượu rất nguy hiểm cho bản thân, cho người đi đường, làm suy kiệt nền kinh tế, ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội. Xử phạt cao là nghiêm khắc, nhưng cần thiết bởi hiện nay các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng phần lớn xảy ra khi người cầm lái có nồng độ trong máu khá cao", luật sư Điền nêu quan điểm.

CSGT Đà Nẵng tăng cường tuần tra, phát hiện các trường hợp vi phạm Nghị định 100.

Thay đổi "văn hóa bia rượu"

Việt Nam là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về tiêu thụ bia, rượu, với khoảng trên 4 tỷ lít bia/năm. Bỏ khá nhiều thời gian nghiên cứu về nội dung Nghị định mới, nhà báo Trần Trọng An (Báo điện tử Gia đình mới) cho biết trên thế giới hiện có 28 trong số 221 quốc gia và vùng lãnh thổ quy định khi lái xe nồng độ cồn trong máu và khí thở phải bằng 0; có 87 quốc gia cấm lái xe khi nồng độ cồn trong máu trên 50mg/100mL và có 70 quốc gia cấm lái xe khi nồng độ cồn trong máu trên 80mg/100mL. Như vậy, Việt Nam không phải là quốc gia cá biệt áp dụng quy định về nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe như nhiều ý kiến đưa ra. Theo nhà báo Trần Trọng An, có một số trường hợp có thể có nồng độ cồn lớn hơn 0 nhưng không phải do uống bia, rượu như ăn trái cây, uống si-ro ho, nước súc miệng có thành phần là cồn… "Tôi cho rằng, quy định về nồng độ cồn bằng 0 hướng tới một lợi ích lớn hơn cho toàn xã hội là "đã uống rượu, bia thì không lái xe". Và, thành tựu lớn nhất của quy định lần này không phải là số tiền ngân sách thu được thông qua việc xử phạt mà chính là tác động của quy định này tới hành vi của số đông", nhà báo Trần Trọng An cho biết.

Thạc sĩ, bác sĩ Mai Hữu Phước (Trung tâm Y tế Q. Ngũ Hành Sơn) đưa ra khuyến cáo người uống rượu, bia chỉ nên lái xe sau khi cơ thể đã đào thải hết lượng  cồn có trong máu, trong hơi thở (khoảng 10 giờ đồng hồ). "Trung bình, mỗi giờ cơ thể có thể loại bỏ 0,015g cồn trong 100mililit máu. Ví dụ một người đàn ông uống 200mililit rượu 42 độ, thì phải sau 10 giờ, lượng cồn trong người mới đào thải hết. "Theo các nghiên cứu thì nồng độ cồn trong máu và tốc độ suy giảm phụ thuộc phần lớn vào cân nặng, giới tính, độ tuổi, khả năng chuyển hóa rượu của gan, tình trạng sức khỏe cơ thể… Do đó, rất khó đưa ra một con số chính xác, tuy nhiên mọi người cần ý thức rằng sau khi uống bia, rượu, cơ thể cần một thời gian dài để nghỉ ngơi, đào thải, phục hồi để không quá ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc và gây nguy hiểm cho bản thân khi tham gia giao thông", bác sĩ Mai Hữu Phước cho hay.

Theo quan sát của chúng tôi, chỉ sau 10 ngày áp dụng hình thức xử phạt theo Nghị định mới, không ít người dân đang dần thay đổi thói quen nhậu nhẹt như giảm lượng tiêu thụ, quyết định không lái xe khi đã uống bia, rượu. Ông Nguyễn Tuấn Hưng (đường Dương Đình Nghệ, Q. Sơn Trà) cho biết, từ khi áp dụng Nghị định mới, bản thân ông thường xuyên để xe ở nhà khi tham gia tiệc tùng, liên hoan, gặp mặt bạn bè. "Dù chưa thật sự quen và thoải mái với việc phải phụ thuộc vào các hãng vận chuyển khi đi uống bia nhưng bản thân tôi thấy cấm là đúng vì nó giúp tôi ý thức hơn đến sức khỏe, hành vi và quan trọng hơn là không còn tư tưởng lái xe sau khi đã uống rượu, bia", ông Hưng cho biết.

Mới đây hãng taxi Tiên Sa (Đà Nẵng) đã quyết định giảm ngay 50% giá phí taxi từ ngày 10-1 đến 16-1 để hưởng ứng Nghị định 100 của Chính phủ. Ông Lê Vinh Quang- Chủ tịch HĐQT  kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng- Taxi Tiên Sa cho biết Nghị định 100 đi vào cuộc sống sẽ góp phần thay đổi thói quen dùng bia, rượu của người dân. Trong vai trò đơn vị vận tải, taxi Tiên Sa luôn cố gắng mang đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất, trong đó, từ ngày 10-1 đến 16-1, taxi Tiên Sa sẽ giảm 50% giá cước mỗi chặng với thông điệp "Bạn uống- Tiên Sa lái". Với dịch vụ này, hãng Tiên Sa không chỉ đưa khách hàng mà còn đưa cả phương tiện của khách hàng về nhà an toàn.

Có thể nói rằng, Nghị định 100 không cấm người dân uống bia, rượu, mà chỉ cấm người dân không được lái xe sau khi đã uống rượu, bia. Và, trước thực tế tai nạn giao thông do rượu, bia gây nên ngày càng nhiều, thì việc cấm này là phù hợp và cần thiết, ít nhất cũng sẽ gia tăng ý thức của người tham gia giao thông.

HUỲNH LÊ