Nghĩa tình người Gò Bá
Chuyện người dân xóm Gò Bá (thuộc cụm dân cư số 2, thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) thầm lặng quy tập những ngôi mộ vô chủ nằm rải rác làng trên, xóm dưới rồi tình nguyện góp tiền xây dựng một khu nghĩa trang nhỏ cạnh âm linh xóm để tiện việc chăm sóc, hương khói đã khơi dậy về tính nhân bản, về tình yêu thương giữa con người với con người.
Nghĩa trang vô chủ ở xóm Gò Bá được người dân đầu tư, xây dựng kiên cố. |
Sáng 12-3 (25 tháng Giêng năm Mậu Tuất), tại lễ vía hằng năm và dựng Văn bia âm linh xóm Gò Bá, trước mắt chúng tôi, giữa những hàng keo xanh mát đang rợp bóng là khu nghĩa trang vô chủ. Những hàng mộ chí vuông vức nằm thẳng hàng ngay ngắn vẫn còn mới tinh, thoang thoảng mùi vôi vữa... Tìm hiểu sự ra đời của khu nghĩa trang này, chúng tôi được biết, thời kỳ chống Pháp, gia đình ông Phan Công Hạnh (còn gọi là ông Hương Ba) đã bỏ kinh phí vận động bà con trong làng góp công xây dựng nơi thờ tự các bậc tiền hiền và quy tập các ngôi mộ vô chủ. Khi giặc Mỹ leo thang, bom đạn đánh phá ác liệt, khu nghĩa trang từ xóm Lồi Ý Thượng (gần Bàu Trúc) được di dời về đây để dân làng tiếp tục hương khói. Trải qua bao biến cố thăng trầm, khu Gò Bá rậm rạp, hoang sơ ngày xưa cũng dần biến mất. Từ năm 2016, dân làng cảm thấy xót xa trước thực trạng những ngôi mộ vô chủ được đắp bằng đất cát có nguy cơ bị xóa dấu vết, nên tự nguyện đóng góp và vận động con cháu làm ăn xa quê, Mạnh Thường Quân để có kinh phí đầu tư, xây dựng kiên cố nghĩa trang với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng... Sau nhiều đợt ròng rã vận chuyển vật liệu thi công xây dựng, cuối tháng 2-2018, khu nghĩa trang Gò Bá đã hoàn thành. Chúng tôi càng xúc động hơn trước tấm lòng của người dân trong xóm, bởi họ rất nhiệt tình tham gia vào công việc chung đầy ý nghĩa này dù có những gia đình vẫn còn nghèo khó.
Nhiều cụ cao niên xác nhận, diện tích khu vực Gò Bá rộng hơn 3.000m2 thuộc xã quản lý và giao lại cho người dân trồng cây lâm nghiệp. Dân làng đã sử dụng 1.200m2 để quy tập hơn 350 phần mộ vô chủ và dự kiến thời gian đến sẽ có thêm những hài cốt khác khi được người dân phát hiện, muốn quy tập chung để tiện việc hương khói. Theo cụ Trần Văn Toán (86 tuổi), qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, số mộ ở đây tăng dần lên. Phần lớn họ là những người bị chết do bom đạn nhưng không có người thân thích. Hòa bình lập lại, trong quá trình xây dựng, mở rộng các công trình dân sinh, khi phát hiện những bộ hài cốt nằm lẩn khuất trong đất ở những cánh đồng ngập ngụa bùn, góc vườn, rìa làng, người Gò Bá và cả người dân các thôn lân cận Phú Sơn 1, Phú Sơn 3, Phú Sơn Tây lại quy tập về khu nghĩa trang này. Đến hôm nay, dẫu chẳng rõ chủ nhân của những ngôi mộ này là ai, quê quán nơi đâu nhưng dân làng vẫn chăm chút hương khói chu đáo, nhất là trong những dịp lễ, Tết. Dẫu mỗi lễ cúng không phải là mâm cao, cỗ đầy nhưng tất cả đều thể hiện tấm lòng thành kính với những người đã khuất. Những nghĩa cử chân tình ấy sẽ là ngọn lửa sưởi ấm những linh hồn vô danh bất hạnh...
Trưởng xóm Gò Bá Lê Văn Định cho biết, thực ra ý nguyện xây dựng khu nghĩa trang này được người dân ấp ủ từ lâu, nhưng lúc đó vẫn còn nhiều gia đình chạy ăn từng bữa do mùa vụ lúc được, lúc mất. Nay đời sống của bà con có phần cải thiện hơn nên chúng tôi mới quyết tâm thực hiện. Khi làm khu nghĩa trang này, chúng tôi cũng chỉ tâm niệm một điều là làm sao để những ngôi mộ vô chủ có nơi thờ tự, hương khói như người thân của mình vậy. Mình ăn đời ở kiếp nơi đây nên không thể nào không nghĩ đến những linh hồn cô quạnh, không có người thờ tự. Chúng tôi nghĩ đó là điều nên làm và bây giờ người dân cảm thấy mãn nguyện vì đã làm được điều nghĩa tình đó.
VY HẬU