Nghịch lý thị trường mặt bằng cho thuê Đà Nẵng

Thứ hai, 07/10/2024 09:45

Trái ngược với sự phục hồi về kinh tế ấn tượng của TP Đà Nẵng, thị trường mặt bằng cho thuê trên địa bàn TP trong thời gian qua rơi vào tình trạng ế ẩm, ngày càng có nhiều khách hàng trả lại mặt bằng, thậm chí có nhiều chủ mặt bằng giảm mạnh giá cho thuê nhưng vẫn không có khách thuê...

Mặt bằng ở vị trí đắc địa 2 mặt tiền Hoàng Hoa Thám - Lý Thái Tổ (TP Đà Nẵng) hiện treo bảng cho thuê.
Trục đường Nguyễn Văn Linh (TP Đà Nẵng) được mệnh danh là "Phố Wall" (phố tài chính) hiện có nhiều mặt bằng mặt tiền cho thuê.

Ghi nhận của phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng trên địa bàn TP Đà Nẵng, hiện nay, từ khu vực ngoại ô cho đến nội đô, đặc biệt là ở khu vực trung tâm TP, xuất hiện rất nhiều mặt bằng vắng bóng người thuê, mặt bằng nào cũng đóng cửa im ỉm, bên ngoài, những tờ rao cho thuê mặt bằng được treo, dán ngổn ngang. Khác với thời kỳ vàng son kinh tế của TP tăng trưởng mạnh mẽ, việc tìm và thuê được mặt bằng tại các trục đường chính ở trung tâm TP rất khó, có khi phải "phá giá" tăng mức giá thuê lên gấp bội mới cạnh tranh giành được việc thuê mặt bằng.

Nay, người đi thuê dễ dàng tìm thấy nhiều mặt bằng ở mặt tiền các tuyến đường sầm suất như: Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Lê Duẩn, Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Pasteur, Bạch Đằng, Trần Phú, 2-9, v.v… và có thể mặc cả thoải mái với chủ nhà để được mức giá thuê rẻ. Đơn cử, hiện trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh đang có hàng chục mặt bằng mặt tiền treo bảng cho thuê với nhiều diện tích lớn nhỏ khác nhau. Trong đó, có một mặt bằng có diện tích khoảng 450m2, ngay cạnh cầu Rồng. Trước đây, do một chủ tiệm cà phê thuê và nay đã trả lại sau nhiều năm kinh doanh. Theo môi giới, sau nhiều tháng tìm khách thuê nhưng đến nay vẫn chưa có ai "chốt", hiện chủ mặt bằng đưa ra mức giá cho thuê khoảng 250 triệu/tháng với thời gian thuê dài hạn.

Những mặt bằng cho thuê ở các trục đường chính nói trên trước đây từng là nơi kinh doanh của các quán cà phê, thời trang, nhà hàng, điện tử, điện thoại di động, bất động sản, ngân hàng… Tuy nhiên vì kinh doanh bết bát, người thuê lần lượt trả mặt bằng để rời đi. Nhiều nơi cho thuê lại được nhưng "ba bảy hăm mốt ngày", người thuê mới cũng vội vàng… tháo chạy vì buôn bán ế ẩm. Có nhiều trường hợp mặt bằng rao suốt cả năm qua nhưng vẫn không nhận được bất kỳ lời ngỏ hay đề nghị thuê mặt bằng nào. Anh Trần Văn Châu, ở Q.Hải Châu (TP Đà Nẵng), làm nghề môi giới bất động sản, trong đó, có "cò" cho thuê mặt bằng, chia sẻ rằng những năm trước đây thị trường nhộn nhịp, công việc môi giới cho thuê mặt bằng cũng mang lại cho anh một nguồn thu nhập kha khá từ hoa hồng.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thị trường cho thuê mặt bằng trên địa bàn TP trở nên ế ẩm khiến cho công việc môi giới của anh đã chững lại và thu nhập không có bao nhiêu. Chị Ngô Thị Kim Chi, ngụ Q.Thanh Khê, hành nghề môi giới bất động sản, chia sẻ thêm, có trường hợp chủ mặt bằng trên đường Hoàng Hoa Thám (Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng) gửi căn nhà mặt tiền cho chị để kiếm khách thuê và chị đã cố gắng tìm mọi cách để tìm khách thuê, nhưng gần cả năm nay vẫn không có khách hàng nào ngó ngàng tới, mặt dù vị trí mặt bằng rộng rãi, khang trang thích hợp cho việc kinh doanh nhiều loại ngành nghề và mức giá cho thuê lại giảm xuống nhiều so với trước đây.

Mặt bằng ở vị trí đắc địa 2 mặt tiền Hoàng Hoa Thám - Lý Thái Tổ (TP Đà Nẵng) hiện treo bảng cho thuê.

Lý giải cho tình trạng ế ẩm mặt bằng cho thuê tại TP Đà Nẵng như hiện nay, ông Trần Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty CP Bất động sản Đông Phong (Q.Hải Châu) cho rằng mặc dù kinh tế của TP Đà Nẵng đã có sự hồi phục, tuy nhiên vẫn chưa có sự khởi sắc đột phá. Mặt khác, với những doanh nghiệp lớn, họ có nhu cầu thuê mặt bằng ở các trục đường chính khu vực trung tâm TP để kinh doanh và dù mức giá cho thuê đã có sự gia giảm nhưng vẫn còn cao. Đơn cử như mặt bằng rộng 450m2 ở đường Nguyễn Văn Linh nói trên có mức giá cho thuê đến 250 triệu đồng/tháng, với những mặt bằng là căn nhà mặt tiền đơn rộng 5m, tùy vị trí có giá thuê khoảng 40 - 90 triệu đồng/tháng, còn những căn đôi rộng 9 - 10m, tùy vị trí giá cho thuê từ 100 - 350 triệu đồng/tháng, tương đương, mỗi năm, số tiền thuê lên đến hàng tỷ đồng.

Điều này khiến cho nhiều khách hàng có tâm lý lo ngại thuê mặt bằng để kinh doanh vì nếu bỏ ra số tiền lớn để thuê mặt bằng nhưng kinh doanh lại không "phất" như kỳ vọng thì rất dễ dẫn đến thua lỗ. Bên cạnh đó, môi giới Trần Văn Châu cho biết thêm, tình hình kinh doanh ở nhiều lĩnh vực vẫn còn gặp khó nên tác động không nhỏ đến nhu cầu thuê mặt bằng. Nhiều người trẻ khởi nghiệp kinh doanh không còn quá mặn mà việc thuê mặt bằng ở các vị trí đắc địa, ngã ba, ngã tư, nơi đông đúc… mà thay vào đó, họ quyết định buôn bán trực tuyến, hoặc thuê ở những kiệt, hẻm, vùng ngoại ô nhằm giảm chi phí tiền thuê mặt bằng. Ngoài ra, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ thu hút ngày càng nhiều người kinh doanh trên nền tảng trực tuyến cũng góp phần làm cho tình hình cho thuê mặt bằng thêm ế ẩm.

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều chủ có mặt bằng cho thuê trên địa bàn TP cho biết nếu bỏ trống mặt bằng sẽ rất lãng phí, kém hiệu quả nên sắp tới họ sẽ cân nhắc chia sẻ với khó khăn của người đi thuê mà tiếp tục hạ giá cho thuê mặt bằng để mong sớm có được khách hàng thuê. Ông Nguyễn Văn Chiến, có mặt bằng mặt tiền cho thuê trên đường Hoàng Diệu (Q.Hải Châu) chia sẻ thêm: "Hy vọng, trong thời gian đến, kinh tế đất nước nói chung, kinh tế Đà Nẵng nói riêng phát triển mạnh mẽ, tình hình kinh doanh, buôn bán trở nên nhộn nhịp, sôi động… Như vậy, tôi mới có cơ hội cho thuê được căn nhà mặt tiền của tôi đã treo bảng rao cho thuê từ hơn nửa năm nay".

PHÚ NAM

Quản lý quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản ổn định và minh bạch

Ngày 27-5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở (dự án thí điểm).

“Khát” mặt bằng!

- Mặt bằng gì vậy Tư công nghiệp?

Những chính sách đặc thù sẽ tác động rất lớn tới sự phát triển Đà Nẵng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý liên quan tới một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Trong đó Đà Nẵng đề xuất nhiều chính sách đặc thù mới phù hợp với thực tiễn địa phương. Dưới đây là một số chính sách đặc thù nổi bật, có tác động rất lớn với sự phát triển thành phố (TP).