Ngỡ ngàng Đông Giang

Thứ hai, 14/04/2014 11:20

(Cadn.com.vn) - Huyện Đông Giang (Quảng Nam) được ví như vùng đất phên giậu phía tây thành phố Đà Nẵng hiện ra trong tầm mắt tôi với bao ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt. Trụ sở UBND huyện với những dãy nhà tầng sạch bong, phòng làm việc ngăn nắp. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Bằng thân mật tiếp chúng tôi qua những cái bắt tay rất chặt. Khi trò chuyện, giọng ông luôn hào sảng bởi cái chất của miền núi, tuôn trào sức sống mạnh mẽ và niềm vui say với đời bừng lên trong ánh mắt, khóe môi.

Đứng từ ban công của trụ sở UBND huyện, đủ tầm mắt để quan sát cả thị trấn Prao. Con đường Hồ Chí Minh vắt qua các sườn núi, nhiều nóc nhà san sát mọc lên. Bí thư Nguyễn Bằng cho biết, nguồn thu ngân sách của địa phương năm 2013 đạt giá trị gần 335 tỷ đồng là con số ấn tượng của huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Tốc độ giảm nghèo của huyện nhanh nhất trong nhóm 6 huyện miền núi khó khăn của tỉnh. Kinh tế phát triển được thể hiện ở các ngành dịch vụ, thương mại gia tăng khi thị trấn Prao bé nhỏ đã đem lại nguồn doanh thu gần 12 tỷ đồng từ dịch vụ khách sạn, nhà hàng. Cơ sở hạ tầng ở Đông Giang được đầu tư đồng bộ với điện, đường, trường, trạm; 90% hộ gia đình được dùng nước sạch trong sinh hoạt; 10/10 xã được đầu tư xây dựng Nông thôn mới.

Xanh ngát đồi chè Nông trường Quyết Thắng, H. Đông Giang.

Nâng chén rượu “ba kích” đãi khách, Bí thư Nguyễn Bằng hứng khởi: Nguồn tài nguyên không là vô tận mà phải trăn trở với trách nhiệm bảo vệ và khai thác hiệu quả. Người Đông Giang đang hưởng lợi, cải thiện được cuộc sống qua thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng. Để nâng thêm thu nhập cho người dân nên chính quyền H. Đông Giang đang quán triệt đến từng xã triển khai đề án sản xuất nông nghiệp bền vững. Tại các xã Ba, Tư, Jơ Ngây, Sông Kôn, Cà Dăng... hình thành những vùng trồng bắp có sản lượng hàng hóa. H. Đông Giang xác định đô thị Đà Nẵng là thị trường tiêu thụ của những hàng hóa lâm thổ sản chất lượng cao.

Chuối Đông Giang có hương vị thơm ngon là sản phẩm hàng hóa có tính cạnh tranh. Một sản phẩm gia vị của hương đồng gió núi là thứ ớt xiêm. Đây là cây trồng thâm canh ở các tán rừng, bờ suối nhưng khi được đầu tư chế biến, đóng gói vẫn hiên ngang vào siêu thị. Hiệu quả của canh tác nông nghiệp là sản xuất sản phẩm mà thị trường cần nên cây lòong boong trái vụ ở xã Kà Dăng, Mà Cooil cũng là thế mạnh của nông dân H. Đông Giang. Những ai lên Đông Giang và khi trở về không quên đem theo về những gói chè búp hay lít mật ong mang thương hiệu Quyết Thắng. Những thứ lâm thổ sản của vùng cao Đông Giang thấm đẫm hương của đất quyện với tình người.

Vẻ đẹp cầu treo qua các buôn làng H. Đông Giang.

Một vùng đất phên giậu của Đà Nẵng về phía tây với những trầm tích văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu dưới dãy Trường Sơn. Phát triển du lịch ở Đông Giang như bổ sung thêm gói sản phẩm du lịch cho những ai ở đồng bằng thích ngược lên rừng, trèo đèo, lội suối. Ở Đà Nẵng nếu những ai thích đi phượt (du lịch dã ngoại) thì hãy chọn Đông Giang. Từ Đà Nẵng, vượt qua dốc Kiền theo hướng QL14B cao sừng sững là đến khu vực bình nguyên Xã Ba, H. Đông Giang với những đồi chè xanh mởn. Du khách cũng không quên tạo dáng dưới những tán rừng cao su để chụp ảnh kỷ niệm, hay tung tăng, nhún nhảy trên những chiếc cầu treo vắt vẻo. Trên những cung đường uốn lượn dẫn đến các bản làng đồng bào Cơ Tu đẹp quá đỗi và đậm trữ tình như từng nốt nhạc trên bản đàn trời.

 “Trong 400.000 ha rừng tự nhiên của tỉnh Quảng Nam thì đến năm 2014 sẽ có 270.000 ha được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Toàn bộ diện tích rừng này đều thật sự có chủ để quản lý, bảo vệ. Tình trạng phá rừng được hạn chế, những cánh rừng ngày thêm xanh”. (Nguồn: Tổng Cục Lâm nghiệp)

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Bằng cho hay, H. Đông Giang đang tập trung đầu tư xây dựng các điểm du lịch văn hóa Cơ Tu  làm điểm nhấn, vận động chính người đồng bào Cơ Tu làm du lịch dựa vào tiềm năng của cộng đồng làng để làm du lịch nhằm hướng tới mục tiêu tạo việc làm ổn định và giảm nghèo bền vững; đồng thời tìm nhiều giải pháp để quảng bá các điểm du lịch sâu trong đất liền, du lịch sinh thái, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Cơ Tu...

Đến Đông Giang không thể bỏ qua việc thăm nhà Gươi của đồng bào dân tộc để nghe đánh chiêng, gõ thanh la. Những lát cá chình, những xiên cá niêng nướng trên than hồng chấm muối ớt đưa cay với ly rượu “ba kích” để say với nắng, gió đại ngàn.

Gia Phúc