"Ngôi làng" giữa biển khơi
(Cadn.com.vn) - Ấn tượng nhất trong chuyến hải trình về thăm Trường Sa đối với chúng tôi là được đến thăm khu nhà giàn DK1, cụm kỹ thuật - khoa học - dịch vụ được xây dựng tại khu vực thềm lục địa phía Nam thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhiệm vụ của các nhà giàn là lập các đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh cá và vận tải hàng hải đi lại trong vùng, nơi đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn, tránh bão và ứng cứu ngư dân... Nhưng quan trọng nhất của DK1 là chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên nơi thềm lục địa.
Lễ tưởng niệm các AHLS hy sinh trên thềm lục địa phía Nam-DK1. Ảnh: Tuyết Minh |
Hành trình theo kế hoạch của chúng tôi đến với nhà giàn trong một buổi sáng sớm. Trong màn sương sớm mai trên biển, nhà giàn hiện lên trước mắt thực sự mong manh. Tôi không khỏi ngạc nhiên vì không hiểu sao cuộc sống có thể diễn ra ngay trên ngôi nhà chông chênh đến vậy giữa biển khơi bao la bốn bề sóng? Tàu được neo lại để đưa đại biểu vào thăm các chiến sĩ trên nhà giàn DK1 tại Cụm Tư Chính.
Nhà giàn được xây trên nền san hô, nền đất bùn yếu với mực nước sâu hàng chục mét, được mệnh danh là "ngôi làng trên biển" dựng lên bằng thép treo lơ lửng ở độ cao cách mặt nước biển vài chục mét. Những người lính hải quân trên các nhà giàn từ 12 tháng có khi gần 2 năm mới được vào đất liền. Sống giữa biển và trời với thời gian dài như thế đương nhiên là khó khăn, vất vả và thiếu thốn đủ bề; ngoài việc tự trồng rau xanh, câu cá hay nuôi thêm heo, gà, nguồn thực phẩm được cung cấp qua hệ thống ròng rọc thả từ trên cao chuyền xuống, hầu như họ không được rời khỏi nhà giàn dù chỉ vài phút vì đó là chiến hào. Quả đúng như vậy, những năm 1990, 1996, 1998 và 2000, sức tàn phá khủng khiếp của những trận bão đã đánh sập một số khu nhà giàn, nơi mà đoàn chúng tôi đang có mặt. Với tất cả những tình cảm từ trong sâu thẳm của lòng mình, đoàn đại biểu dành phút mặc niệm trước những hy sinh cao cả ấy. Lễ tưởng niệm diễn ra ngay trên boong tàu với những lễ nghi giản đơn, nghi ngút khói hương, không gian trầm lắng, những cánh hoa bé nhỏ hòa vào biển khơi cùng với những cánh hạc giấy như mang theo bao nỗi tiếc thương vô hạn những người con một thời trai trẻ đầy kiêu hãnh, họ đến với biển và đã ra đi để về với biển.
Không thể tiếp cận được nhà giàn DK1, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng |
Tàu cứ neo chờ mãi từ sáng sớm đến tận chiều nhưng vẫn không vào được với lý do "Vì điều kiện thời tiết không thuận lợi, biển có sóng lớn, tàu chúng ta không thể đưa đại biểu vào thăm các chiến sĩ nhà giàn...", thông báo vừa phát ra từ hệ thống loa phóng thanh. Mọi người như vỡ òa, vậy là sự mong đợi nhất của chuyến hải trình đã không thành hiện thực. Nỗi buồn hiện rõ trên từng khuôn mặt, có cả tiếng thở dài và ánh mắt cứ nhìn đăm đắm về phía nhà giàn. Nhưng có lẽ nỗi thất vọng này của chúng tôi không thể sánh bằng nỗi khát khao của những người chiến sĩ kia, họ mong chờ từ rất lâu cuộc viếng thăm này. Được biết đây là đoàn cuối cùng trong năm đến thăm (những chuyến thăm lần trước hiếm khi tiếp cận được nhà giàn). Dù rằng chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng đó là tất cả sự mong đợi vì họ cần sự sẻ chia, họ mong chờ những tâm tình, được vui cười và trên cả là được cảm nhận hơi ấm từ đất liền, để xua tan nỗi hiu quạnh giữa mênh mông biển trời của dặm dài năm tháng...
Tuy không được tận mắt, không được tận tay nắm lấy tay nhưng qua hình ảnh các chiến sĩ xếp hàng dài từ sáng sớm ngóng về phía con tàu cũng đủ khiến tôi cảm nhận được tất cả. Vậy là mọi người nghĩ ra cách tổ chức ngay một chương trình giao lưu văn nghệ qua hệ thống điện đàm. Cung bậc cảm xúc cứ thế tuôn trào, chỉ được trông thấy hình dáng của nhau, từ rất xa người lính vẫy cờ theo nhịp của những lời ca mang đậm nghĩa tình, từ xứ Nghệ yêu thương đến thành phố cảng Hải Phòng kiên trung... Lời ca tiếng hát lần lượt đi qua những miền quê yêu thương của Tổ quốc, nơi có người thân của các chiến sĩ đang sống trên nhà giàn DK1. Người hát, người nghe mắt hoe đỏ, từng phút, từng giây trôi qua và tôi biết chắc một điều, hình ảnh này, cảnh tượng này sẽ mãi mãi không phai trong tâm trí mỗi người. Chỉ qua điện đàm, qua ống nhòm, nhưng dường như, cuộc sống khắc nghiệt của mùa gió Đông Bắc thét gào, của mùa hè hầm hập gió Tây Nam và sóng thần, một cuộc sống với muôn vàn khó khăn, gian khổ, mong manh khi phong ba bão táp ngày đêm rình rập cứ dần hiện rõ trước mắt chúng tôi. Và hơn hết, tôi cảm nhận được một tinh thần thép và nghị lực phi thường của những chàng trai mang sứ mệnh gác biển qua giọng ca thật trong trẻo của những người lính trẻ hát tặng cho đoàn công tác: "Chông chênh mặc chênh chông, lính nhà giàn chẳng sợ bão giông. Nắng gió mặc nắng gió, lính nhà giàn thề không ngại khó... Giữa trùng khơi vẫn xanh ngời, Giữa biển trời vẫn sống yêu đời...". Tiếng sóng vỗ mạn tàu, tiếng gió rít, tiếng đàn bập bùng của các chiến sĩ nhà giàn hòa cùng tiếng nấc nghẹn ngào đầy tiếc nuối...
Rồi chúng tôi cũng phải rời vùng biển Tư Chính, tiếng còi ngân dài tha thiết vang vọng giữa biển khơi. Không ai bảo ai, tất cả cứ vẫy tay chào như không muốn rời xa. Có gì như lưu luyến mãi, bởi, giá mà chúng tôi được chạm tay các anh, được tâm tình với các anh, để mong phần nào mang hơi ấm đất liền đến với các anh, những người con kiên trung giữa biển khơi muôn trùng sóng...
Tô Hùng