Ngôi nhà chung của trẻ khuyết tật

Thứ hai, 08/05/2017 10:25

(Cadn.com.vn) - Tiếp nhận, chăm sóc, hỗ trợ cho các em nhỏ khuyết tật được sinh hoạt, hòa nhập cộng đồng; đào tạo, hướng nghiệp để các em có cơ hội vươn lên, thể hiện khả năng bản thân... là những công việc mà Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện (P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) (gọi tắt là Trung tâm) trực thuộc Hội chữ Thập đỏ thành phố Đà Nẵng vẫn đang nỗ lực thực hiện. Suốt nhiều năm qua Trung tâm chính là mái ấm nhân đạo, ngôi nhà chung của trẻ khuyết tật. Ông Lê Tấn Hồng, Giám đốc Trung tâm người luôn được xem là "cha" của những trẻ khuyết tật. Là bởi, ông chính là người đã dìu dắt các em đồng hành cùng Trung tâm từ những bước khó khăn, vất vả nhất cho đến khi vững vàng như hiện tại. Thực tế, Trung tâm được thành lập từ năm 1997 với mục đích đào tạo nghề cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, trước đây vì chưa có định hướng tốt cùng với việc gặp nhiều khó khăn nên Trung tâm hoạt động nhưng chưa thật sự hiệu quả. Đến năm 2012, được sự quan tâm của Hội Chữ thập đỏ, Sở LĐ-TBXH thành phố ông Hồng được cử về làm Giám đốc Trung tâm. Để đáp ứng được kỳ vọng ông Hồng phải nỗ lực, phấn đấu hết mình bởi lái một Trung tâm đang giai đoạn "hấp hối" trở nên lớn mạnh là điều không hề dễ. "Thật sự cho đến hôm nay nhìn lại chặng đường dài đã đi mới cảm nhận được niềm hạnh phúc. Có khó khăn, gian nan để thử sức thì khi đáp ứng được kỳ vọng càng cảm nhận hết được giá trị của nó. Khi mới về cả Trung tâm lớn nhưng chỉ còn lại có hai người là tôi và anh kế toán thì đủ hiểu khó khăn như thế nào", ông Hồng chia sẻ.

Nhiều năm qua Trung tâm đã hỗ trợ, hướng nghiệp cho hàng trăm trẻ em khuyết tật.

Những ngày đầu tiếp quản Trung tâm, ông Hồng đi vận động tất cả các nguồn lực có thể. Từ bạn bè, người thân cho đến các tổ chức xã hội trong và ngoài nước  nhằm gây quỹ xây dựng kế hoạch phát triển Trung tâm.  "Để thực sự phát huy được giá trị nhân đạo của Trung tâm bắt buộc phải làm một cuộc "cách mạng" về định hướng. Điều đó đòi hỏi tôi phải chọn đúng đối tượng hướng đến. Trước đây Trung tâm chọn đối tượng là trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn nhưng thực hiện đúng tinh thần hỗ trợ hướng nghiệp thì phải là những đối tượng khuyết tật, bất hạnh không thể tự vận động", ông Hồng cho hay. Sau đó, Trung tâm bắt đầu đón nhận những trường hợp khuyết tật như câm, điếc, bại liệt, tự kỷ... để hướng dẫn, đào tạo nghề. Nhiều lớp học viên đã qua, hiện tại Trung tâm đang hỗ trợ cho 45 trường hợp, đào tạo ở năm nghề chính: may, thêu, in, làm hương và kết cườm. Em Nguyễn Cường (Đại Lộc, Quảng Nam) bị liệt nửa người do một cơn sốt nặng từ nhỏ là một trong những trường hợp đặc biệt ở Trung tâm. Chỉ ba tháng học nghề em đã thành thạo tất cả các công đoạn cộng với năng khiếu bẩm sinh em có thể hoàn thành một sản phẩm trong một thời gian ngắn mà chất lượng không thua kém sản phẩm trên thị trường. Đến nay, cùng với sự hướng dẫn của Trung tâm em đã mở một tiệm may để  nuôi sống bản thân. Hay như trường hợp em Lê Thị Mỹ Ái (Điện Bàn, Quảng Nam) là một trong những thợ làm hương "chủ lực" của Trung tâm. Tuy khó khăn trong việc vận động do tay chân co rút nhưng trung bình một ngày em có thể hoàn thành được 3.000 que hương... Tất cả những sản phẩm do các em làm ra Trung tâm sẽ ký hợp đồng với các doanh nghiệp, tổ chức để bán hàng, các em sẽ được hưởng 15% tiền lãi. Em Nghiêm Thanh Hòa (Hòa Vang, Đà Nẵng), bộc bạch: "Nhiều năm nay em vẫn xem Trung tâm là ngôi nhà thứ hai của mình. Ở đây có các thầy, cô hướng dẫn, chăm sóc cho em như chính cha, mẹ của mình. Ngoài việc được vui chơi, có công việc làm ổn định thì hằng tháng mỗi trường hợp như em đều nhận được từ 2,5-4 triệu đồng".

Chia sẻ về những dự định phát triển Trung tâm sắp tới ông Hồng cho biết sẽ tiếp tục duy trì, tìm thêm nhiều hợp đồng để các em có công ăn, việc làm ổn định. Ngoài ra, Trung tâm sẽ mở rộng thêm các đối tượng khuyết tật để đào tạo nhằm đảm bảo không bỏ sót những trường hợp cần hỗ trợ.

Phi Nông