Ngọn lửa Gạc Ma bất tử

Thứ sáu, 14/03/2014 09:05

(Cadn.com.vn) - Nước mắt rơi, trên khuôn mặt của người mẹ, người cha của những liệt sĩ Gạc Ma, trên khóe mắt của những đồng đội và cả những bạn trẻ. Những câu chuyện bi hùng về người chiến sĩ hải quân đã ngã xuống trong ngày 14-3-1988 trên đảo Gạc Ma bồi đắp, thắp lên trong mỗi người ngọn lửa tình yêu biển đảo quê hương...

Phút gặp nhau xúc động giữa Đại tá Vũ Huy Lễ và cựu binh Lê Hữu Thảo, Trương Minh Hiền.

1. “CHIẾN HẠM” Ở CÔ LIN

Ngày 13-3 tại Đà Nẵng, Liên đoàn Lao động Việt Nam và Quỹ tấm lòng vàng Báo Lao động đã tổ chức chương trình giao lưu “Nghĩa tình Trường Sa – Hoàng Sa”. Những cựu binh, nhân chứng sống trong trận hải chiến ở đảo Gạc Ma đã hồi tưởng lại khúc tráng ca trong ngày 14-3-1988. Cảm xúc về Gạc Ma chưa bao giờ xúc động hơn thế.

Đại tá Vũ Huy Lễ, Anh hùng lực lượng vũ trang, gần nửa đời người chinh chiến, thế nhưng khi gặp lại những người lính trong trận Gạc Ma năm nào, lại ôm họ khóc như đứa trẻ. Ký ức về cái ngày 14-3 vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của vị thuyền trưởng tàu HQ 505 huyền thoại. Ông kể, giữa tháng 3 năm ấy, tình hình biển đảo ở Trường Sa rất căng thẳng, khi Trung Quốc đã xua quân cưỡng chiếm đảo Chữ Thập của ta. Tàu HQ 505 do ông làm thuyền trưởng được lệnh nhanh chóng hành quân giữ đảo Đá Lớn, sau đó là Cô Lin. “Đến chiều 13-3 thì tàu HQ 604 đã đến đảo Gạc Ma, tàu HQ 605 đến đảo Len Đao, còn tàu HQ 505 của tôi đến Cô Lin. Lúc đó tàu Trung Quốc liên tục đến khiêu khích, quan sát tàu mình vì thế tôi biết chắc trước sau gì nó cũng đưa quân vào chiếm đảo nên đã thành lập một tổ công tác nhanh chóng vào đảo Cô Lin để cắm cờ.

Và đúng như dự đoán, 5 giờ sáng ngày 14-3-1988, chúng đã nổ súng tấn công tàu HQ 604, chiếm đảo Gạc Ma. Tôi đứng trên tàu, thấy chúng bắn vào anh em ta”, vị lính già rơm rớm nước mắt.  Sau khi bắn chìm tàu HQ 604, hai tàu chiến Trung Quốc quay nòng pháo tấn công HQ 505.  Lúc này, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã lệnh cho thủy thủ sẵn sàng chiến đấu, thế nhưng sau những loạt pháo của địch, tàu HQ 505 bị thương tích nặng, nghiêng về một bên. “Lúc này tàu bị bốc cháy và không thể điều khiển được vì hệ thống điện bị mất, tàu dần trôi xa khỏi đảo và bắt đầu nghiêng. Lúc đó tôi chỉ có một ý nghĩ là không được để mất đảo, nên tôi chỉ huy anh em bằng mọi giá phải khởi động được hệ thống điều khiển tàu. Dù liên tục bị tàu Trung Quốc nã đạn nhưng anh em vẫn bình tĩnh sửa được tàu, rồi sau đó tôi mở hết tốc lực lao lên đảo Cô Lin vì thế mà Trung Quốc không thể chiếm được đảo”, Đại tá Lễ nhớ lại.

Ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng quà
cho các thân nhân và cựu binh Gạc Ma.

   Hình ảnh vòng tròn bất tử trên đảo Gạc Ma và con tàu HQ 505 lao lên đảo Cô Lin, biến thành một “chiếm hạm không thể đánh chìm” đã trở thành một biểu tượng của lòng quả cảm của những người lính hải quân Việt Nam. Đến tận bây giờ, điều khiến thuyền trưởng Vũ Huy Lễ day dứt mãi, đó là không thể cứu được tàu HQ 604. Khi nhìn thấy tàu HQ 604 bị địch bắn chìm, song ông Lễ và những người lính trên tàu HQ 505 không làm gì được vì đạn pháo trên tàu không thể bắn đến tàu của chúng. Nhưng khi vừa lao được tàu HQ 505 lên đảo, ông đã lệnh hạ xuồng đi cứu đồng đội, vì thế mà nhiều người lính được cứu sống. Rồi sau đó, chính vị thuyền trưởng này đã xung phong ở lại cùng 10 người lính trên tàu HQ 505 trong 2 tháng trời để giữ đảo Cô Lin, bất chấp tàu Trung Quốc liên tục đến uy hiếp. “64 đồng đội cùng tôi đã hy sinh để bảo vệ đảo, nếu tôi không giữ được đảo Cô Lin thì có tội với anh em, có tội với đồng đội” – ông Lễ nói.

Những người mẹ liệt sĩ Gạc Ma khóc khi nhớ về sự hy sinh của con mình.

2. SỐNG XỨNG ĐÁNG VỚI THẾ HỆ CHA ANH

Từ tỉnh Hà Nam, anh Trần Văn Thu, anh trai của liệt sĩ Trần Văn Bảy, người chiến sĩ tàu HQ 604 vĩnh viễn nằm lại với Gạc Ma, cũng vào tham gia buổi giao lưu. Câu chuyện của anh khiến ai cũng xúc động. Anh kể: “Nhà có 4 anh em trai, bố mẹ tôi 4 lần tiễn con đi thì 3 lần đã nhận được giấy báo tử”. 4 anh em của gia đình anh Thu đều lên đường nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc.

Thu là chiến sĩ bảo vệ biên giới phía Bắc, bị thương ở trận Vị Xuyên 1984 (Hà Giang), còn hai người anh lớn đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, trong nhà ai cũng nghĩ con trai út Trần Văn Bảy sẽ ở nhà với gia đình.  “Nó viết đơn tình nguyện nhập ngũ, còn nói đó là truyền thống gia đình nên phải đi, chưa được một năm thì gia đình nhận được tin nó hy sinh ở Trường Sa”, anh Thu lau nước mắt. Cho đến bây giờ, 3 người anh em của anh Thu vẫn chưa tìm thấy xác, 2 ở đất liền và một ở Trường Sa. Anh tâm sự: “Giống như anh của mình, Bảy đã hy sinh vì Tổ quốc, gia đình luôn tự hào về nó”.

Nghe những nhân chứng kể lại sự hy sinh anh dũng của bố mình trên đảo Gạc Ma, em Vũ Xuân Khoa, con trai của thuyền trưởng tàu HQ 604 Vũ Phi Trừ mắt đỏ hoe. Khi mới được 3 tháng tuổi thì bố của Khoa đã hy sinh. Nghe mẹ kể, trước chuyến đi định mệnh ra Gạc Ma, bố Trừ có về quê thăm gia đình. Khi trở lại đơn vị, bố hứa sau chuyến công tác sẽ về đón cả nhà vào Cam Ranh sống cùng. Thế nhưng, đó là chuyến đi mãi mãi của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ. “Trước đây em có dịp được ra Trường Sa, đến nơi bố đã chiến đấu và hy sinh, em mới cảm nhận hết được những gian khổ của những người lính ngày đêm giữ biển đảo. Hình ảnh của bố và những liệt sĩ Gạc Ma luôn ở trong em, nó là động lực để em, cũng như nhiều bạn trẻ khác phấn đấu, sống xứng đáng với những thế hệ đã hy sinh vì nước”, Khoa khẳng định.

Còn nhiều, nhiều câu chuyện cảm động nữa được kể trong buổi giao lưu Nghĩa tình Trường Sa – Hoàng Sa. Nó gợi nhớ về ngày 14-3-1988 bi tráng và làm nên khúc tráng ca bất tử, ngọn lửa bất tử Gạc Ma- Trường Sa...

Hoàng Anh