Ngóng đường ra biển

Thứ bảy, 13/05/2017 11:40

(Cadn.com.vn) - Cuối năm 2015, cùng với việc đầu tư xây dựng thêm 2 bãi tắm công cộng, UBND thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu các dự án có ý định "xí phần" phải dỡ bỏ hệ thống tường rào để dành không gian, lối đi cho người dân xuống tắm biển. Thậm chí,  ngoài việc ra tối hậu thư cho các dự án "treo", thành phố đã chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch 5 dự án khác trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn để triển khai lối đi công cộng xuống biển phục vụ nhân dân.  Chủ trương này được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng nhưng xem ra không dễ để hiện thực hóa.

Một vệt ven biển đang thông thoáng. Ảnh: G.T

Phường ven biển không có đường ra biển

Trên chiều dài hơn 12km bờ biển của Q. Ngũ Hành Sơn hiện có 27 dự án là các khách sạn cao cấp, khu resort 5 sao. Dải đất ven biển đã được UBND thành phố Đà Nẵng giao hết cho các doanh nghiệp triển khai dự án. Dọc tuyến đường Võ Nguyễn Giáp - Trường Sa đoạn từ đường Hồ Xuân Hương chạy tới giáp địa bàn tỉnh Quảng Nam, vệt biển đã bị vây kín bởi tường rào, cổng của các dự án. Chính vì vậy, dù mang tiếng là sống ven biển, chỉ cách biển khoảng trăm mét nhưng người dân nơi đây rất khó khăn để tìm đường xuống tắm biển.

Chỉ tính riêng đoạn đường Võ Nguyên Giáp từ điểm giao đường Hồ Xuân Hương đến điểm giao đường Minh Mạng thuộc địa phận P. Khuê Mỹ hiện đã có 6 khu nghỉ dưỡng cao cấp đã mọc lên cùng rất nhiều dự án khác mới khởi động hoặc đang chế độ "treo". Trong khi các dự án đã đi vào hoạt động được xây tường rào kiên cố thì các công trình đang thi công cũng đã được bao bọc bởi hàng rào tôn kèm các khung pano vừa để "vây" đất vừa quảng cáo. Ông Nguyễn Đình Toàn, người dân thuộc tổ 11, P. Khuê Mỹ bức xúc: "Hồi trước chiều mô cũng rứa, bước qua con đường là vùi chân xuống cát, thể dục một chặp rồi lao mình xuống biển tắm thoải mái. Giờ thì lâu lắm rồi nhìn cũng không thấy biển chứ nói chi tắm". Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều năm qua người dân cũng liên tục kiến nghị chính quyền yêu cầu các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án phải dành lại lối đi xuống biển cho người dân. Lãnh đạo P. Khuê Mỹ cho hay, những ý kiến xác đáng của nhân dân đã được chuyển lên quận, rồi lên thành phố. Nghe đâu cũng đã tiến hành rà soát và điều chỉnh quy hoạch nhưng cụ thể thì không biết đến bao giờ.

Người dân P. Hòa Hải thì may mắn hơn vì có được 3 con đường ra biển tại các bãi tắm Sơn Thủy, Non Nước và Tân Trà nhờ một số dự án... bỏ hoang. Tuy nhiên, so với trước đây thì không gian biển cũng đã bị bóp nhỏ lại và hầu hết chỉ khi đi qua hệ thống tường rào, cổng ngõ của các dự án thì mới thấy biển. Nếu không có quy hoạch ngay từ đầu cho các dự án, để đến khi đã thành hình thành khối thì rất khó để các doanh nghiệp "nhả" ra.

Có 27 dự án bịt kín chiều dài hơn 12km đường biển thuộc Q. Ngũ Hành Sơn
khiến người dân không có lối xuống biển. Ảnh: Công Khanh

Điều chỉnh quy hoạch, doanh nghiệp... ngó lơ!

Tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX  tổ chức vào cuối năm 2016, câu chuyện mở đường xuống biển cho người dân các phường ven biển, đặc biệt là tại Q. Ngũ Hành Sơn lại tiếp tục nóng. Theo các đại biểu, chủ trương này đã được đưa ra từ lâu, người dân đang rất trông chờ nhưng trên thực tế thì không biết đến bao giờ mới thành hiện thực.

Mới đây nhất, ngày 11-5, Phó Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn Huỳnh Cự đã có văn bản để nghị Thường trực HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng sớm triển khai 5 lối xuống biển tại 5 dự án đã được điều chỉnh quy hoạch để phục vụ nhân dân. Theo ông Cự, các dự án nằm trong diện điều chỉnh gồm Future Invest có lối đi 4m, The Nam Khang Resort Residences lối đi công cộng 10m, dự án Du lịch ven biển của Cty CP Hòn Ngọc Á Châu có tuyến đường công cộng 10m, dự án Khách sạn và biển Đông Phương có tuyến đường công cộng 3,5m. Lớn nhất là đường 23 m nằm giữa 2 dự án Furama và Quần thể đô thị du lịch quốc tế Ariyana. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai các lối xuống biển theo điều chỉnh quy hoạch của UBND thành phố vẫn chưa được thực hiện. "Xuất phát từ nhu cầu bức xúc của nhân dân, Quận đề nghị Thường trực HĐND, UBND thành phố sớm làm việc với các chủ đầu tư dự án liên quan để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công", ông Cự kiến nghị.

Lý giải về sự chậm trễ này, ông Nguyễn Thành Linh - Trưởng phòng Quản lý đô thị Q. Ngũ Hành Sơn cho hay, phần lớn các doanh nghiệp không mặn mà và không muốn thực hiện chủ trương này vì họ không muốn bị thu hồi một phần diện tích đất đã được cấp, ảnh hưởng chung đến toàn dự án. Mặt khác, các dự án khu nghỉ dưỡng 5 sao thì họ muốn càng rộng càng tốt, và phải tách biệt với cuộc sống bên ngoài. "Quận sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND thành phố thoả thuận với doanh nghiệp. Phải có chính sách thoả thuận thôi, vì đất đã cấp cho họ rồi. Phần lớn họ không ưng nhưng vì cái chung phải thực hiện cho được. Đây là niềm mong mỏi bấy lâu của nhân dân", ông Linh nói.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, trên cơ sở việc điều chỉnh quy hoạch của thành phố, công việc trước mắt là tiến hành thu hồi đất để mở tạm các lối xuống biển. Về sau sẽ đầu tư bài bản như trồng cây xanh, lắp đặt điện chiếu sáng. Khó khăn lớn nhất sau khi thu hồi đất chính là kinh phí làm đường, nhiều khả năng phải dùng ngân sách vì đây là lối đi chứ không phải là bãi tắm nên khó kêu gọi xã hội hóa.

Công Khanh - Lê Vy