Ngọt lành rau liệt Gio An

Thứ ba, 08/05/2018 16:00

"Ầu ơ... muốn ăn cá, tôm thì về Gio Mai, Gio Việt. Muốn ăn rau liệt thì về miết Gio An". Lời ca ấy cứ như vẫy gọi tha thiết đưa chân chúng tôi về với mảnh đất Gio An (H.Gio Linh, Quảng Trị), một thời là vành đai trắng của hàng rào điện tử McNamara trong chiến tranh chống Mỹ. Dấu tích chiến tranh, bom đạn hủy diệt nặng nề được thay bằng màu xanh từ thành quả lao động, sản xuất của người dân nơi đây sau hơn 40 năm đất nước thống nhất. Cái nắng oi bức tháng 5 như chợt dịu đi trước mắt chúng tôi là những ruộng rau xanh trải dài lấp lánh, khẽ lay theo dòng nước từ  giếng cổ Gio An. Sinh trưởng trong môi trường nước tự chảy mát lành, siêu sạch của giếng cổ có niên đại hơn ngàn năm nhưng loại rau "mỹ miều" này lại được bà con gọi bằng cái tên rất dân dã là rau liệt (rau xà lách xoong). Đây chính là sản vật gắn liền với nét độc đáo của hệ thống giếng cổ Gio An có một không hai.

Nước dẫn từ giếng Ông ra ruộng rau liệt ở thôn Hảo Sơn.

Hỏi bà con về tên gọi lạ ấy cho loài rau quen thuộc, ai nấy cho hay đời cha ông gọi sao thì nay vậy chứ không mấy cặn kẽ nguồn cơn. Nhưng hỏi vì sao rau lại ngon đặc biệt thì gần như ai ở Gio An cũng rành rẽ, tự hào vì được tắm tưới trong làn nước giếng cổ mát lành. Hệ thống giếng cổ Gio An là công trình khai thác nước dẫn từ các mạch ngầm triền đồi do người Chăm xây dựng từ hơn ngàn năm trước với chất liệu là đá mồ côi sắp xếp thành kiến trúc độc đáo mang tính chất đa chức năng phục vụ đắc lực cho đời sống sản xuất và sinh hoạt của con người. Ngày 13-3-2001, 14 giếng cổ tiêu biểu trong hệ thống giếng cổ Gio An đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Các giếng đều mang những tên gọi thuần Việt như: Ông, Bà, Kình, Búng, Trạng, Pheo, Đào, Côi... Liên quan đến mạch nước ngầm dồi dào, có truyền thuyết kể từ giếng Búng từng trôi ra 1 chiếc lá tro. Đây là lá cây chỉ có ở rừng sâu núi cao, quanh khu vực đồi rú Gio An không có loại cây này. Từ đây, người dân tin rằng mạch nước phải đi qua chặng dài mới đổ về Gio An. Trải qua nhiều thế kỷ bị thời gian bào mòn, thiên tai và ảnh hưởng từ điều kiện xã hội, nhất là cuộc chiến tranh ác liệt khiến nhiều giếng cổ đã không còn nguyên vẹn. Trước những khó khăn ấy, người dân cũng như chính quyền, cơ quan chức năng đã nỗ lực để tôn tạo, nhằm giữ gìn di sản văn hóa mà còn duy trì "bầu sữa" cho sản vật giếng cổ. Nước từ giếng cổ ấm vào mùa đông, mát lành vào mùa hè và ngọt lạ kỳ.

Nước giếng cổ Gio An ngọt mát lạ kỳ.

Cùng với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng Gio An nên rau liệt có hương vị khác hẳn không nơi nào có. Chủ tịch Hội Nông dân xã Gio An Cái Việt Chí cho hay hiện trên địa bàn có hơn 180 hộ trồng rau liệt, tập trung chủ yếu ở thôn An Nha, Hảo Sơn, Gia Bình, Long Sơn và Hải Sơn. Trừ mấy tháng mùa đông, còn lại rau liệt xanh mướt quanh năm. Mùa hè là cao điểm xe cộ tấp nập từ Huế ra, Quảng Bình vào tỏa về các làng để thu gom rau, nhộn nhịp vô cùng. Để xây dựng thương hiệu rau sạch và phát triển một cách quy mô, hiệu quả hơn, năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Xà lách xoong Gio An vì sức khỏe cộng đồng", theo đó hơn 180 cá nhân, tổ chức được sử dụng nhãn hiệu tập thể này. Nhiều gia đình vững vàng kinh tế hơn, giàu có hơn từ đây.

"Diện tích canh tác quanh các giếng không thay đổi, chừng 10ha nhưng vừa qua thời tiết thuận lợi, cây sinh trưởng tốt, ít hư hỏng nên sản lượng vượt trội, dẫn đến giá cả có phần bị kéo xuống, ít nhiều ảnh hưởng thu nhập của bà con", anh Nguyễn Hơn, thôn An Nha chia sẻ. Tuy nhiên, qua trao đổi, hỏi thăm, ai nấy đều muốn gắn bó, truyền đời về nghề trồng rau quanh giếng cổ và tự hào khi góp sức tạo dựng nên đặc sản nổi tiếng trên quê hương gió Lào nắng gió này.

BẢO HÀ